Tín dụng lại âm
Không như kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đến tháng 7-2012 âm 0,03% so với ngày 31-12-2011, trong đó tín dụng bằng tiền đồng tăng 0,93% và bằng ngoại tệ giảm 3,51%. Đây là số liệu được Bộ Kế hoạch & Đầu tư công bố. Như vậy mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 10% trong năm nay càng trở nên xa vời.
Sự giảm trở lại của tín dụng có khả năng là do các ngân hàng tiếp tục đảo nợ cho khách hàng. Việc đảo nợ đã không giúp khách hàng vay thêm được vốn mới, từ đó đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Với một số doanh nghiệp, do hàng tồn kho còn nhiều, họ cũng không có nhu cầu vay vốn. Rõ ràng việc giảm lãi suất cho các khoản vay mới và cũ đã không có nhiều tác dụng đẩy vốn vào nền kinh tế.
Mặt khác dư địa cho việc giảm lãi suất không còn nhiều. Theo NHNN, từ nay đến cuối năm, nếu lạm phát được kềm chế ở mức 5-6%, lãi suất huy động có thể giảm thêm tối đa 1% nữa. Tuy nhiên, việc giảm thêm 1% không nên diễn ra trong một lần, mà nên chia đều ra nhiều lần. Nếu lãi suất huy động xuống 8%, lạm phát 6%, lãi suất thực dương chỉ có 2%, không đủ để tạo ổn định giá trị của tiền đồng. Lúc đó, khả năng dịch chuyển tài sản từ tiền đồng sang vàng, ngoại tệ có thể diễn ra, gây bất ổn cho tỷ giá.
Trong bối cảnh ấy, có thể NHNN giảm thêm nữa trần lãi suất huy động ngoại tệ. Nhưng việc giảm này cũng phải đánh đổi. Đó là vốn huy động ngoại tệ của các ngân hàng tụt dốc. Dư nợ cho vay ngoại tệ luôn cao hơn huy động ngoại tệ từ giữa năm ngoái và đến nay hiện trạng ấy cũng chưa được cải thiện. Tại một số ngân hàng, cho vay ngoại tệ thậm chí bằng 130-135% huy động ngoại tệ. Ngay cả Vietcombank vốn có nguồn ngoại tệ đầu vào dồi dào, hiện dư nợ ngoại tệ cũng bằng 110% huy động ngoại tệ. Để bù đắp, một số ngân hàng phải vay ngoại tệ của ngân hàng nước ngoài với lãi suất khá cao. Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, vào cuối năm ngoái, chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ lên tới nhiều tỉ đô la Mỹ. Bên cạnh đó từ đầu năm đến nay, do tỉ giá tương đối ổn định, không ít ngân hàng đã để trạng thái ngoại hối thấp nhằm tận dụng lãi suất cao của tiền đồng.
Như vậy để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, trong những tháng còn lại của năm, có lẽ cần phải thực hiện các giải pháp tài chính đồng bộ phối hợp với chính sách tiền tệ. Cho đến nay, chưa thấy Bộ Tài chính đánh giá hiệu quả của các gói ứng trước, giải ngân đầu tư công. Đầu tư công mới thực sự là nguồn vốn giá rẻ, tạo ra công ăn việc làm, kích thích doanh nghiệp làm ăn. Tuần trước Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết sẽ ứng trước từ ngân sách 30.000 tỉ đồng vốn đầu tư của năm 2013 cho năm nay. Số tiền này lớn hơn 29.000 tỉ đồng tiền miễn, giảm, dãn nộp thuế mà doanh nghiệp được hưởng theo tính toán của Bộ Tài chính. Cần phải nói thêm rằng ý tưởng ứng trước vốn của Bộ Kế hoạch & Đầu tư hợp lý, nhưng giữ “tay hòm chìa khóa” ngân khố quốc gia là Bộ Tài chính và Bộ Tài chính vẫn chưa có tuyên bố nào về vấn đề này.
Chứng khoán có vẻ như đang rối bời trước diễn biến phức tạp của kinh tế. Thanh khoản teo tóp một cách thảm hại, dòng tiền yếu ớt và hầu như cả thị trường chỉ chực chờ những phiên xanh để thoát ra. Những cổ phiếu có kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm khả quan cũng không hấp dẫn người mua. Khác với năm ngoái, các quỹ ETFs đang bán mạnh các bluechips có mức vốn hóa thị trường lớn. Cả nửa năm nay, những cổ phiếu một thời được ETFs làm mưa làm gió như BVH, MSN, VIC liên tục trong chiều hướng giảm.
Hải Lý
tbktsg
|