Thứ Năm, 02/08/2012 06:55

Xử án tín dụng: Rối chuyện thế chấp, bảo lãnh

Hiện nay trong rất nhiều vụ tranh chấp tín dụng, tòa thường nhầm lẫn giữa tài sản thế chấp với bảo lãnh.

Gần đây, tranh chấp về hợp đồng tín dụng gia tăng đã làm xuất hiện nhiều tình huống gây tranh cãi giữa các cấp tòa khi giải quyết án, nhất là các tình huống có liên quan đến tài sản thế chấp, bảo lãnh…

Giữa năm 2007, chị T. cần 40 triệu đồng để lo chi phí chữa bệnh cho chồng. Thấy cảnh con dâu khó khăn, cha mẹ chồng chị T. đã ra công chứng làm hợp đồng ủy quyền cho chị T. dùng giấy đỏ của ông bà đem thế chấp ngân hàng vay tiền.

Lỗ hổng về ủy quyền thế chấp

Tháng 9-2007, chị T. đã ký hợp đồng tín dụng vay 500 triệu đồng của Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần A. ở huyện Bình Chánh (TP.HCM). Nửa tháng sau, chị ký tiếp một hợp đồng tín dụng khác vay thêm 200 triệu đồng. Cả hai khoản vay này đều được bảo đảm bằng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của cha mẹ chồng chị T.

Sau đó, chị T. không trả nợ nên tháng 10-2008 bị Ngân hàng A. khởi kiện. Bốn tháng sau, TAND huyện Bình Chánh xử sơ thẩm đã buộc chị T. phải trả nợ cho Ngân hàng A. Đồng thời, tòa nhận định hợp đồng thế chấp giữa chị T. với Ngân hàng A. là hợp pháp vì chị T. có giấy ủy quyền của cha mẹ chồng. Do đó, tòa đưa đất của cha mẹ chồng chị T. vào làm tài sản thế chấp để bảo đảm các khoản vay của chị T. tại Ngân hàng A.

Chị T. kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm hủy bỏ phần quyết định đưa đất của cha mẹ chồng chị vào làm tài sản thế chấp. Tháng 5-2009, TAND TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo của chị T. Theo tòa, cấp sơ thẩm đã sai khi xác định hợp đồng thế chấp do chị T. lập với Ngân hàng A. là hợp pháp. Bởi lẽ trong hợp đồng thế chấp tài sản không có chữ ký của cha mẹ chồng chị T. trong khi họ là người đứng tên trên giấy tờ đất. Như vậy, hợp đồng thế chấp này không có giá trị pháp lý.

Cho đến nay, bản án phúc thẩm trên vẫn chưa thể thi hành dứt điểm bởi còn gây nhiều tranh cãi về chuyện tài sản thế chấp. Có người ủng hộ hướng giải quyết của tòa sơ thẩm nhưng nhiều người khác lại phản đối. Trong vụ việc trên, bản hợp đồng thế chấp có tên người thế chấp là cha mẹ chồng chị T. nhưng không có chữ ký của họ là không đầy đủ thủ tục. Mặt khác, Ngân hàng A. cũng chưa có tài liệu xác định quyền sử dụng đất của cha mẹ chồng chị T. đã đủ điều kiện thế chấp hay chưa. Việc ngân hàng chấp nhận tài sản thế chấp như vậy là quá sơ hở, dễ dãi…

Nhập nhằng thế chấp với bảo lãnh

Năm 2007, Ngân hàng Thương mại Cổ phần K. ký hợp đồng cho cơ sở sản xuất gỗ B. vay 5 tỉ đồng trong hai năm. Để bảo đảm cho khoản vay, bên thứ ba là ông NVH đã đứng tên “thế chấp, bảo lãnh” căn nhà của ông tại quận 3 (TP.HCM) trong hợp đồng tín dụng. Sau đó, cơ sở B. không trả nợ nên bị Ngân hàng K. kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu phải thanh toán cả nợ gốc lẫn lãi, trường hợp không thanh toán được thì xử lý căn nhà của ông H.

Tháng 11-2011, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã buộc cơ sở B. phải trả nợ cho Ngân hàng A. Tuy nhiên, tòa không chấp nhận yêu cầu xử lý nhà của ông H. bởi theo tòa, hợp đồng thế chấp giữa ông H. với ngân hàng vô hiệu vì trường hợp này không phải là thế chấp mà là bảo lãnh.

Tháng 4-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của Ngân hàng K. Theo tòa, hợp đồng mà ông H. ký với ngân hàng có tên là “hợp đồng thế chấp, bảo lãnh”. Hợp đồng này nhằm bảo đảm cho khoản vay của cơ sở B. với ngân hàng nên nó là hợp đồng bảo lãnh chứ không phải là hợp đồng thế chấp như cấp sơ thẩm nhận định. Từ đó, tòa kết luận hợp đồng này hợp pháp, có hiệu lực chứ không vô hiệu.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận xét: Ở vụ án trên, nếu cơ sở B. dùng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng thì đó là giao dịch thế chấp. Còn nếu cơ sở B. dùng tài sản của người khác (như nhà đất của ông H.) để bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng thì đó là giao dịch bảo lãnh. Chính cái tên “hợp đồng thế chấp, bảo lãnh” không rõ ràng giữa cơ sở B. với Ngân hàng K. là nguyên nhân dẫn đến sự nhận định khác nhau giữa các cấp tòa. Cấp sơ thẩm cho rằng đó là tài sản thế chấp, cấp phúc thẩm lại xác định đó là tài sản bảo lãnh.

Cũng theo thẩm phán này, hiện nay trong rất nhiều vụ tranh chấp tín dụng, tòa thường nhầm lẫn giữa tài sản thế chấp với bảo lãnh. Dù tài sản thế chấp hay bảo lãnh cũng đều bị xử lý để thu hồi nợ nhưng nếu xác định không đúng sẽ không ổn, nhất là trong trường hợp tài sản là nhà, đất. Bởi lẽ rất nhiều ngân hàng cho khách hàng vay tiền và nhận tài sản bảo đảm cho khoản vay là quyền sử dụng đất của bên thứ ba nhưng thay vì lập hợp đồng bảo lãnh lại lập thành hợp đồng thế chấp. Khi phát sinh tranh chấp, bên thứ ba yêu cầu tòa tuyên hợp đồng vô hiệu và được chấp thuận vì nhiều tòa cho rằng hợp đồng thế chấp này phải được xác lập bằng hình thức bảo lãnh. Việc tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu gây thiệt hại cho các ngân hàng là các khoản cho vay của họ có nguy cơ bị chuyển thành khoản nợ không có đảm bảo.

Sơ sẩy, ngân hàng “mất” tài sản bảo đảm

Tại Quảng Ngãi, một ngân hàng đã cho khách hàng vay một khoản tiền lớn và nhận tài sản bảo đảm là giấy hồng của bên thứ ba nhưng lại lập thành hợp đồng thế chấp. Khi khách hàng không trả nợ, ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm thì bên thứ ba khởi kiện yêu cầu tòa tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã chấp nhận yêu cầu này. Theo tòa, trong trường hợp này, đáng lẽ các bên phải ký hợp đồng bằng hình thức bảo lãnh chứ không phải thế chấp. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng cũng y án sơ thẩm.

Ngân hàng gặp khó

Việc xử lý tài sản bảo đảm tại các ngân hàng hiện nay đang gặp vướng mắc, một phần do trình độ, khả năng của cán bộ ngân hàng nhưng phần lớn vẫn là do thủ tục phức tạp, cơ chế pháp lý chưa phù hợp…

Chẳng hạn nhiều bất động sản thế chấp tại ngân hàng dù đầy đủ thủ tục nhưng khi cần, ngân hàng vẫn không thể tự bán. Nghị định 163 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm cho phép nhưng BLDS lại quy định người đứng tên trong hợp đồng mua bán phải là chủ bất động sản hay người đại diện hợp pháp của chủ bất động sản. Do đó, nếu chủ bất động sản không đồng ý, phản đối thì không thể thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ cho bất động sản đó.

Gặp trường hợp này, để có quyền bán bất động sản hợp pháp thì ngân hàng phải khởi kiện. Nhưng thực tế, một vụ án có khi phải trải qua nhiều năm, qua rất nhiều cấp xét xử… Khi án có hiệu lực, nếu ngân hàng thắng kiện cũng chưa chắc có thể xử lý tài sản.

Một cán bộ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn

Cẩn thận không thừa

Luật cho phép cá nhân được nhận ủy quyền của người khác để thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi ủy quyền, kể cả việc dùng tài sản thế chấp, bảo lãnh vay tiền ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp việc ủy quyền được thực hiện không đúng mà các ngân hàng lại không để ý, dẫn đến gặp bất lợi khi xử lý tài sản bảo đảm. Ví dụ nhận tài sản thế chấp, bảo lãnh mà ngân hàng lại không buộc người đứng tên tài sản ký tên...

Kiểm sát viên NGUYỄN ANH ĐỨC, huyện Bố Trạch (Quảng Bình)


HOÀNG YẾN

pháp luật tpchm

Các tin tức khác

>   Lãi giảm, đến lượt doanh nghiệp ngại vay (02/08/2012)

>   Mừng húm, mừng hụt (02/08/2012)

>   Cho vay lãi suất dưới 10%/năm chỉ chiếm 1,9% (01/08/2012)

>   SHB nắm trên 50% tổng vốn điều lệ của Bianfishco (01/08/2012)

>   Ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp: “Vẫn là lý thuyết” (01/08/2012)

>   Lãi suất bình quân liên ngân hàng VNĐ tăng, giảm nhẹ tùy kỳ hạn (01/08/2012)

>   Chi phí lãi vay đã thực giảm, doanh nghiệp sẽ khởi sắc trở lại? (01/08/2012)

>   Nhiều ngân hàng sẽ phải “rút bớt lửa”? (01/08/2012)

>   'Pháo đài' nợ xấu (01/08/2012)

>   NHNN thanh toán chung cho toàn TTCK: Vừa đá bóng vừa thổi còi? (01/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật