NHNN thanh toán chung cho toàn TTCK: Vừa đá bóng vừa thổi còi?
UBCKNN đang đề xuất để NHNN là ngân hàng thanh toán chung cho toàn bộ TTCK. Liệu điều này có dẫn đến tình trạng NHNN vừa đá bóng, vừa thổi còi?
Mới đây, một trong những nội dung trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ đầu năm 2012, đã được các lãnh đạo UBCKNN bàn phương thức hiện thực hóa. Nhưng xem ra, việc lựa chọn phương thức đổi mới mô hình ngân hàng thanh toán chung cho thị trường đã bộc lộ nhiều vấn đề.
Hiện trạng
Tại thời điểm hiện nay, TTCK đang có ngân hàng thanh toán chỉ định là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đảm đương mọi vấn đề thanh toán cho các thành viên theo từng thị trường lưu ký khi toàn bộ dữ liệu về kết quả giao dịch chứng khoán của các Sở Giao dịch chứng khoán được chuyển sang Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vào thời điểm kết thúc phiên giao dịch. Dưới BIDV và VDS là các tổ chức tham gia cung ứng dịch vụ đăng ký, lưu ký chứng khoán, bù trừ và thanh toán các giao dịch chứng khoán. Đa phần đó thường là các ngân hàng lưu ký (ngân hàng thương mại được phép hoạt động lưu ký chứng khoán), các công ty chứng khoán. Việc BIDV được chọn làm ngân hàng chỉ định thanh toán chung cho TTCK, về hình thức "giấy tờ" là ngân hàng chỉ định thanh toán cho Trung tâm giao dịch 2 - Chứng khoán TP HCM. Và đơn vị thực hiện nghiệp vụ này là Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa của BIDV tại TP.HCM. Trong quá trình đảm trách nhiệm vụ này, không phải ai cũng cho rằng BIDV đã thực thi nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo. Năm 2007, TTCK xôn xao khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán 2 đưa ra quyết định các khoản tiền cọc, mua cổ phần đấu giá IPO của các doanh nghiệp nhà nước giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM sẽ chuyển về tài khoản của Sacombank - Sở giao dịch TP.HCM, thay vì tại BIDV - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa như trước. Cùng với quyết định được cho là đầy bất ngờ này, một số vấn đề về việc sử dụng mô hình "ngân hàng chỉ định thanh toán" đã bộc lộ.
Tại thời điểm đó, theo một thống kê chưa đầy đủ, trong khoảng vài năm trước cho đến 2007, ước tính chi nhánh BIDV Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã nhận tiền cọc, tiền mua cổ phần đấu giá của 114 doanh nghiệp, trong đó có tới 90% doanh nghiệp nhà nước, với tổng số tiền lên tới mười mấy nghìn tỷ đồng từ các doanh nghiệp lớn như Đạm Phú Mỹ, Bảo hiểm Dầu khí, Vận tải Dầu khí, Khí hóa lỏng miền Nam... Điều đó khiến giới chuyên môn đặt câu hỏi về việc, liệu có hay không việc cơ quan quản lý đặt lên bàn cân tiêu chí đảm bảo dự phòng rủi ro của ngân hàng chỉ định thanh toán khi đưa ra quyết định chọn BIDV? Nếu có thì tổng giá trị của khoản dự phòng này phải lớn gấp nhiều lần so với tổng số tiền cọc, mua cổ phần đấu giá mà "ngân hàng chỉ định thanh toán" đang nắm giữ, mới đảm bảo sự an toàn cho các nhà đầu tư cũng như tài sản của nhà nước. Hơn nữa, liệu có hay không sự chủ quan, thiếu các tiêu chí cụ thể được xác định ngay từ ban đầu dành cho một ngân hàng chỉ định thanh toán? Có hay không sự ưu tiên đặc biệt của các nhà hữu trách dành cho ngân hàng được chỉ định thanh toán? Bởi, khi đảm đương công việc này, ngân hàng đó chắc chắn sẽ được lợi không nhỏ, nhất là món lợi từ các khoản tiền cọc có thể sử dụng làm vốn tạm không lãi suất, mà vốn lại chính là công cụ để cạnh tranh và gần như quyết định thắng thua trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.
Và những câu hỏi "treo"
Đỉnh điểm bộc lộ những bất cập từ mô hình ngân hàng chỉ định thanh toán là sự kiện mới xảy ra gần đây, khi các ngân hàng lưu ký toàn cầu đang hiện diện tại Việt Nam như HSBC, Citibank, Deutsche Bank, Standard Chartered Bank đồng loạt bày tỏ phản ứng quyết liệt đối với ý tưởng triển khai chuyển tiền T+2, thanh toán chứng khoán T+3 do VDS nêu ra. Ý tưởng của VDS là cho phép nhà đầu tư được bán chứng khoán ngày T+3 với điều kiện các thành viên phải hoàn tất việc chuyển tiền thanh toán giao dịch chứng khoán trước 4h chiều ngày T+2. Với quy trình thanh toán đó, các thành viên được chuyển tiền vào sáng T+3, chiều T+3 chứng khoán mới về tài khoản và phải đến ngày T+4, chứng khoán mua ngày T mới đủ điều kiện để bán.
Các ngân hàng lưu ký toàn cầu phản đối vì cho rằng, ý tưởng này vi phạm nguyên tắc chuyển giao tiền và chứng khoán đồng thời DVP (delivery versus payment). Hơn nữa, việc chuyển tiền thanh toán qua đêm sang ngân hàng chỉ định thanh toán BIDV lấy gì đảm bảo sự an toàn khi BIDV đã là ngân hàng cổ phần, chứ không phải là ngân hàng trung ương như các thị trường tiên tiến khác? Đồng thời, nếu chuyển tiền trước một ngày thì cơ quan quản lý có tính đến chuyện phải xử lý quyền lợi của nhà đầu tư (lãi suất qua đêm)?
Những câu hỏi đã cho thấy, đây không chỉ là phản ứng về ý tưởng chuyển tiền T+2, nhận chứng khoán T+3. Thị trường đang có sự nghi ngại về năng lực đảm bảo của một ngân hàng cổ phần cho toàn bộ hoạt động thanh toán của TTCK, nhất là khi BIDV theo lộ trình sẽ phải tiếp tục hạ thấp tỷ lệ sở hữu của nhà nước và tìm thêm các đối tác chiến lược.
Nếu NHNN thay thế vai trò của BIDV để trở thành ngân hàng thanh toán, liệu đây có là phương thức đảm bảo tối ưu, và là điều kiện cho phép TTCK Việt Nam phát triển? Thạc sĩ Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn phân vân: "Với tình hình của Việt Nam hiện nay, liệu sự mở rộng chức năng và kiêm nhiệm nhiều việc cùng lúc của NHNN có thể đảm bảo NHNN không vừa đá bóng vừa thổi còi - vừa quản lý, vừa độc quyền hoạt động thanh toán?" Lựa chọn ngân hàng thanh toán như thế nào để chứng minh được năng lực đảm bảo của tổ chức, thuyết phục được toàn bộ thị trường là điều nên làm, chứ không nên cho rằng chỉ có NHNN mới có thể gánh vác, đảm bảo việc thanh toán cho toàn TTCK.
Với kinh nghiệm của một người đã nghiên cứu các thị trường giao dịch tài chính, ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cũng nhận định, cơ quan Nhà nước nên nghiên cứu mô hình thanh toán của các sở giao dịch hàng hóa quốc tế. Ở mỗi sở đều có một tổ chức thanh toán chung cho thị trường. Và trên quy mô giao dịch hàng hoá thế giới, kết nối 4 sở lớn nhất sẽ là 4 tổ chức - ngân hàng thanh toán toàn cầu. "Điều đó cho phép các sở giao dịch được linh động, tự chủ trong mọi hoạt động, và cũng đúng với thị trường Việt Nam khi các sở giao dịch hàng hóa, chứng khoán tới đây sẽ theo xu hướng cổ phần hóa".
Xem ra việc chọn mặt gửi vàng để thực sự đảm bảo an toàn tài sản nhà nước, quyền lợi của nhà đầu tư, tạo ra một môi trường cạnh tranh sòng phẳng và minh bạch đồng thời đảm bảo cho NHNN tập trung vào vai trò là cơ quan quản lý, điều tiết và giám sát toàn hệ thống huyết mạch nền kinh tế thực sự là việc khó khăn. Chỉ các cơ quan quản lý ngồi lại với nhau, bàn bạc liệu có thể đưa ra phương án tối ưu?
Ai chịu trách nhiệm thanh toán cho thị trường chứng khoán?
Cơ quan nhà nước nên nghiên cứu mô hình thanh toán của các cơ sở giao dịch hàng hóa quốc tế.
Ở mỗi sở đều có một tổ chức thanh toán chung cho thị trường. Và trên quy mô giao dịch hàng hóa thế giới, kết nối 4 sở giao dịch hàng hóa lớn nhất sẽ là 4 tổ chức - ngân hàng thanh toán toàn cầu.
|
Nhất Trung
diễn đàn doanh nghiệp
|