Vay VNĐ với lãi suất USD: Mừng húm, mừng hụt
Nhiều ngân hàng (NH) đã tung ra gói sản phẩm cho vay tiền đồng với lãi suất USD (từ 4,5 - 6%/năm) bỗng trở thành “lực hút” đặc biệt trên thị trường tiền tệ. Nhưng rất nhanh, dư luận lại đang có chuỗi phản ứng lo lắng trước sự biến động tỷ giá trong mấy ngày vừa qua.
Sau vài lần tăng, giảm vì sự điều chỉnh của giá vàng, tỷ giá USD/VND đang dừng ở mức 20.828 VND/USD, còn giá bán khoảng 20.850 VND/USD. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với biên độ dao động cho phép là 1%, mức trần các NH thương mại có thời điểm được niêm yết mức 21.036 đồng.
Nguồn cung mạnh vẫn đến từ các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và nhà đầu tư nước ngoài, trong khi lực cầu đến từ các DN nhập khẩu vẫn yếu mặc dù tỷ giá đã được cho là chạm mức đáy. Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 ước tính đạt 9,6 tỷ USD và tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 9,5 tỷ USD.
Như vậy, nền kinh tế vẫn xuất siêu trong tháng 7, đưa tổng mức nhập siêu trong 7 tháng đầu năm xuống chỉ còn 60 triệu USD. Với lượng dự trữ ngoại hối đã dồi dào trở lại (hiện đủ đảm bảo cho 10 tuần nhập khẩu), nhiều DN tin rằng NHNN vẫn đủ nguồn lực để đảm bảo tỷ giá biến động trong tầm kiểm soát.
Vì thế, vô số NH cho vay tiền đồng với lãi suất cho vay USD, chỉ 5%/năm, áp dụng cho tất cả các khách hàng cá nhân, DN, với thời hạn vay từ nay đến cuối năm 2012, thôi thúc nhiều DN mạnh tay vay hình thức này.
Trong đó, Eximbank có chương trình cho vay VND lãi suất ưu đãi tham chiếu theo tỷ giá USD/VND, với lãi suất chỉ 7%/năm, áp dụng cho tất cả các khách hàng cá nhân, DN, với thời hạn vay từ nay đến cuối năm. Nhiều DN phân tích, giả sử có biến động về tỷ giá hết biên độ tối đa 3% trong năm 2012 như Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố thì chi phí phát sinh bên cạnh lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2012 nếu xảy ra tối đa là 3% trên dư nợ thì lãi suất vay cũng chỉ ở mức hơn 10%/năm.
Nếu tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm, thì người vay được hưởng trọn vẹn mức lãi suất chỉ 7%/năm, thay vì các mức phổ biến 12 - 15%/năm hiện nay.
Eximbank có nguồn ngoại tệ dồi dào, có lợi thế nguồn vốn ngoại tệ qua quan hệ đại lý với hơn 700 NH trên thế giới, có thể tranh thủ nguồn ngoại tệ đó chuyển đổi sang VND để cho vay với lãi suất trên. Tuy nhiên, các NH khác thì sao?Cùng với câu hỏi này, sau các phân tích của chuyên gia và sự lý giải từ chính các NH có gói lãi suất này, DN lại đang chuyển sang lo lắng cho các khoản vay của mình.
Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH OCB cho biết, mỗi khoản vay tiền đồng lãi suất USD đều được NH triển khai bảo hiểm tỷ giá, giúp DN kiểm soát được chi phí vay vốn, giảm thiểu được chi phí vay vốn. Thế nhưng, điều đó chỉ đúng khi biên độ tăng tỷ giá nằm trong một mức nhất định, nếu vượt quá giới hạn dự báo, DN phải chịu rủi ro rất lớn từ khoản vay.
Đồng quan điểm, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị DN, Đại học Ngân hàng TP.HCM, phân tích, từ ngày 26/12/2011 đến nay, tỷ giá ngoại tệ bình quân liên NH đứng ở mức 20.828 đồng/USD, giá USD tại các NH thương mại biến động quanh mức 20.870 - 20.970 đồng/USD. Biết rằng thị trường ngoại tệ đã cân bằng được thanh khoản và ổn định, thế nhưng tỷ giá những tháng cuối năm ra sao vẫn đang là ẩn số.
Do đó, áp lực kinh tế vĩ mô khi nhu cầu ngoại tệ tăng lên vào cuối năm là hoàn toàn có thể xảy ra. Chưa kể rủi ro lớn nhất ở đây là khi các NH phải mua lại nguồn ngoại tệ để trả lại trạng thái ngoại tệ ban đầu (vì đã chuyển đổi từ USD về VND để cho vay mức lãi suất thấp). Điều này sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Trong trường hợp tỷ giá tăng mạnh như đã xảy ra trước đây (có lúc tăng 9,3%) thì cả người vay và NH cho vay đều gặp rủi ro.
Như vậy, những số liệu tích cực về tính ổn định nêu trên phần lớn mang tính ngắn hạn. Nói theo quan điểm của một số chuyên gia, tỷ giá có thể biến động nhiều hơn trong giai đoạn cuối năm.
Một số luận điểm được cho là quan trọng nhất để đưa ra nhận định này là:
(1) Hoạt động sản xuất được kỳ vọng sẽ hồi phục tốt hơn trong giai đoạn cuối năm. Kim ngạch nhập khẩu do đó được kỳ vọng sẽ bắt đầu tăng nhanh hơn giai đoạn đầu năm, làm tăng cầu ngoại tệ;
(2) Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng đầu năm đang cho thấy sự suy giảm mạnh, chỉ bằng 72% so với cùng kỳ năm 2011; và (3) Các khoản vay ngoại tệ đáo hạn.
Theo ông Hoàng Mạnh Cường, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phát triển công nghệ RoBo, tỷ giá cao hay thấp không còn là yếu tố quan trọng. Vấn đề DN cần lúc này là tỷ giá ổn định, hoặc có biến động nhưng phải phù hợp với diễn biến thị trường. Khi đó DN mới mạnh dạn tính toán, hoạch định chiến lược kinh doanh, sản xuất hiệu quả.
Biên độ giữa hai tỷ giá lúc này lại tùy thuộc vào việc thực hiện mục tiêu “tăng thanh khoản ngoại tệ” như đã được công bố, vì cho đến nay, sau một thời gian nhất định, tỷ giá thị trường tự do lại tăng lên và tỷ giá chính thức lại phải điều chỉnh tiếp. Ngoài ra, việc NHNN chỉ nói “điều hành tỷ giá chủ động và tỷ giá sẽ biến động không quá 3% trong năm 2012” mà không cho biết lộ trình hay nguyên tắc khi nào điều chỉnh, theo tín hiệu nào nên DN nói vui “sống trong thấp thỏm”
Quỳnh Vũ
doanh nhân sài gòn
|