Thị trường chứng khoán chưa cần tái cấu trúc
Tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam được cho là cần thiết và đúng hướng, sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các thành viên, trong đó có các công ty quản lý quỹ. Nhưng ở một góc độ khác, ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Vietnam Asset Management Limited (VAM) lại cho rằng không cần tái cấu trúc trong thời gian này.
Theo ông, các công ty quản lý quỹ cần làm gì để nắm bắt cơ hội do tái cấu trúc mang lại?
Những cải cách về quy chế hoạt động của thị trường đã giúp nhà đầu tư có nhiều cơ hội giao dịch hơn, giúp tăng tính thanh khoản. Nhìn chung, tôi không nghĩ thị trường chứng khoán cần có những bước đi lớn về tái cấu trúc trong giai đoạn này. Chỉ nên cung cấp thêm nhiều cổ phiếu chất lượng của nhiều công ty lớn cho thị trường để tăng sự lựa chọn và thanh khoản. Các thành viên thị trường trong đó có công ty quản lý quỹ sẽ cần hoạt động nhanh nhạy và hiệu quả hơn để nắm bắt những cơ hội mới.
Nhưng rõ ràng bối cảnh hiện nay đang buộc các quỹ đóng phải thay đổi, nhất là khi có sự góp mặt của các quỹ mở?
Thực tế cho thấy quỹ mở là sản phẩm được ưa chuộng đối với nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Tôi nghĩ nhà đầu tư Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì thế quỹ mở sẽ là xu thế phát triển của các sản phẩm quỹ trên thị trường trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để quản lý quỹ mở một cách hiệu quả đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng tốt hơn so với quỹ đóng. Các công ty quản lý quỹ cũng như các nhà cung cấp dịch vụ cần chuẩn bị tốt cả về nhân sự cũng như cơ sở hạ tầng cho sản phẩm mới này.
Tại VAM, chúng tôi đang quản lý 3 quỹ mở đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam và các quỹ này đã hoạt động trên 3 năm nay. Trong đó có 2 quỹ dành cho các nhà đầu tư Malaysia và một quỹ dành cho các nhà đầu tư toàn cầu (trừ Mỹ). Quỹ dành cho các nhà đầu tư toàn cầu Vietnam Emerging Market Fund được chuyển đổi thành quỹ mở vào năm 2010 để tăng tính thanh khoản cho nhà đầu tư sau 3 năm hoạt động theo mô hình quỹ đóng.
Có ý kiến cho rằng việc chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở không đơn giản. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Tôi không nghĩ việc chuyển đổi này quá phức tạp và cần giải pháp để khắc phục. Việc làm này phụ thuộc vào quyết tâm của công ty quản lý quỹ cùng với nhà đầu tư của quỹ.
Chẳng hạn như ở VAM. Sau khi Vietnam Emerging Market Fund được chuyển thành quỹ mở, chúng tôi phải điều chỉnh danh mục để tăng tính thanh khoản, phục vụ việc mở quỹ hằng tháng. VAM cùng những nhà cung cấp dịch vụ cho quỹ như ngân hàng giám sát cũng phải xử lý khối lượng công việc nhiều hơn tùy thuộc vào lượng mua bán chứng chỉ quỹ hằng tháng. Vì đã có kinh nghiệm quản lý quỹ mở trước đó nên chúng tôi cũng không gặp nhiều khó khăn với việc chuyển đổi này.
Việc chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở trước tiên cần có sự chấp thuận của các nhà đầu tư của quỹ. Bởi lẽ, họ sẽ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc chuyển đổi này (quỹ sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí cho việc chuyển đổi, do đó sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài sản ròng của quỹ). Đổi lại, nhà đầu tư có cơ hội để mua thêm hay bán lại chứng chỉ quỹ theo đúng giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ vào ngày mở quỹ hằng tháng.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm tái cấu trúc thành công tại một số nước?
Như đã nói ở trên, tôi nghĩ chúng ta không cần phải tái cấu trúc thị trường chứng khoán trong thời gian này. Cũng như bất kỳ một thị trường nào, để nó hoạt động được hiệu quả thì cần một bộ luật rõ ràng, minh bạch, công bằng được giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh bởi các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, bắt buộc mọi người tham gia (người mua, người bán, môi giới, ký quỹ...) phải tuân thủ nghiêm túc. Thị trường cũng cần quy mô lớn với hàng hóa đa dạng, phong phú và lượng giao dịch cao. Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn quá nhỏ và thanh khoản quá kém đối với nhiều nhà đầu tư. Vì vậy, chúng ta sẽ cần nhiều hơn các tập đoàn, công ty lớn của nhiều ngành nghề được cổ phần hóa và niêm yết với số lượng cổ phiếu lớn có thể giao dịch trên thị trường.
La Hường
nhịp cầu đầu tư
|