Góc nhìn 01/08: Chưa có gì để lạc quan
Thị trường tiếp tục tỏ ra lo lắng khi đà hồi phục không thể giữ được đến hết tháng 7. Các công ty vẫn nhận định thị trường trong xu hướng giảm, nhưng trước mắt vẫn giằng co và đi ngang.
Giằng co thêm vài phiên nữa
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Thị trường tiếp tục có một phiên giao dịch không rõ xu hướng với sự giằng co liên tục giữa hai bên giao dịch đặc biệt là tại các cổ phiếu bluechips. Yếu tố thanh khoản thấp do tâm lý giao dịch thận trọng của các nhà đầu tư vì thế đã gây ra áp lực giảm điểm nhẹ cho các chỉ số trên cả hai sàn giao dịch trong phiên giao dịch buổi chiều. Bên cạnh đó, các thông tin liên quan đến việc tăng giá xăng cũng khiến cho dòng tiền tham gia khá lưỡng lự.
Chúng tôi nhận thấy áp lực bán hiện tại không quá lớn đối trên cả hai sàn giao dịch, các lệnh bán chủ yếu ở mức tham chiếu hoặc thấp hơn giá này một bước giá đối với các mã dẫn dắt. Do đó, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục giằng co thêm một vài phiên nữa và có biến động mạnh hơn trong phiên giao dịch cuối tuần.
Khó có khả năng giảm sâu
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Trong suốt 5 phiên giao dịch gần đây, thị trường hầu như chỉ đi ngang trong biên độ rất hẹp. Diễn biến này phản ánh tương quan cung cầu đang khá cân bằng tại vùng giá hiện tại. Như vậy nếu không xuất hiện thông tin đột biến, trong ngắn hạn 2 chỉ số có thể tiếp tục duy trì trạng thái đi ngang thêm 1 thời gian nữa.
Xét trên khía cạnh kỹ thuật, 2 chỉ số đang được nâng đỡ bởi đường trung bình dài hạn MA (200). Ngay dưới đường MA (200) là mức đáy cũ 405 điểm với VN-Index và 68 điểm với HNX-Index. Do đó chúng tôi đánh giá khả năng giảm sâu của thị trường trong ngắn hạn là tương đối thấp. Nếu 2 chỉ số giảm qua đường MA (200) thì cũng nhiều khả năng bật lại khi chạm mức đáy cũ.
Áp lực bán còn khá mạnh
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 đã khép lại với đà giảm trở lại trên cả hai sàn HOSE và HNX.
Giao dịch vẫn khá tiêu cực bởi tâm lý thận trọng, do dự đang chi phối hoạt động mua – bán trên thị trường. Thanh khoản rơi vào bế tắc cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào xu thế hồi phục đang giảm dần theo diễn biến lình xình đi ngang của các chỉ số. Nếu không tính đến lực đỡ từ một vài cổ phiếu trụ cột và nhóm cổ phiếu khoáng sản thì khả năng cao thị trường sẽ giảm mạnh trong phiên giao dịch này.
Nhìn chung, trong bối cảnh thông tin hỗ trợ vẫn chưa xuất hiện, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, chúng tôi cho rằng đà tăng của thị trường sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực bán khá mạnh xuất phát từ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Theo đó, để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục duy trì tỷ lệ danh mục đầu tư thấp trong giai đoạn hiện tại.
Tranh thủ bán xuống
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Hiện thị trường đang nằm trong giai đoạn khá bão hòa về mặt thông tin, các thông tin tốt xấu đều đã được phản ánh đáng kể vào diễn biến giá cổ phiếu và nhà đầu tư đang chờ đợi các “nhân tố mới”. Tuy nhiên trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng rất khó có thể xuất hiện những “điểm tựa” đủ vững chắc cho sự phục hồi của thị trường.
Cơ sở nền tảng của nền kinh tế hiện nay, những bước đi cụ thể trong việc giải quyết vấn đề nợ xấu sẽ là yếu tố then chốt từ đó giúp đạt được các mục tiêu mang tính hệ quả khác một cách hiệu quả hơn, bao gồm việc kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay trên thực tế – ở đây chúng tôi hàm ý dành cho đại đa số các doanh nghiệp chứ không phải các mức lãi suất ưu đãi theo nhóm – và cải thiện tổng cầu của nền kinh tế, giải phóng hàng tồn kho cho doanh nghiệp.
Trước khi xuất hiện “điểm tựa” mang tính trung-dài hạn đó, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ khó thoát khỏi xu hướng giảm điểm chủ đạo. Giai đoạn đi ngang ngắn hạn hiện tại có thể kéo dài thêm trong một vài phiên tới. Nhà đầu tư nên tranh thủ các phiên hồi phục của thị trường cho các giao dịch trading “bán xuống”. Việc mua vào ở thời điểm này chỉ phù hợp với các giao dịch T+1, T+2 và đặt tại các vùng giá thấp trong phiên.
Nhiều pennies bắt đầu xấu đi
CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có mức vốn hóa lớn được công bố với con số tương đôi tích cực có thể sẽ là yếu tố giúp VN-Index giảm ít hơn HNX-Index.
Với thanh khoản duy trì mức cạn kiệt như hiện tại thì cơ hội phục hồi mạnh của chỉ số hai sàn có xác suất xảy ra rất nhỏ. Bên cạnh đó, sự phân hóa đang diễn ra mạnh hơn trên sàn khi nhiều pennies bắt đầu có chiều hướng diễn biến xấu đi và có thể có sự giảm giá mạnh mà không phụ thuộc vào diễn biến chỉ số thị trường.
Thủy Tiên (Vietstock)
FFN
|