TGĐ HNX: “Nhà đầu tư ngoại đang mua ròng, ACB chưa đến mức cảnh báo”
Đó là khẳng định của ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc HNX khi nói về diễn biến của TTCK và cổ phiếu ACB sau thông tin bầu Kiên bị bắt.
Trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX), ông Trần Văn Dũng (ảnh) cho biết, trong 3 ngày qua, giá trị giao dịch trên TTCK nói chung, HNX nói riêng tăng mạnh, với mức tăng gần 80% so với bình quân phiên trong tuần trước đó. Đặc biệt, trong khi nhà đầu tư nội có tâm lý hốt hoảng, bán tháo thì nhà đầu tư ngoại đã đẩy mạnh mua ròng, chỉ trong 3 ngày, khối ngoại đã mua ròng hơn 280 tỷ đồng trên cả 2 sàn - một con số ấn tượng. Theo ông Dũng, nhà đầu tư cần bình tĩnh và cân nhắc thận trọng trước sự kiện “bầu Kiên”, tránh bị tổn thất nặng nề do yếu tố tâm lý.
Trong 3 phiên giao dịch gần đây (21-23/8), TTCK lao dốc không phanh, mà khởi nguồn từ sự kiện “bầu Kiên” bị bắt. Ông nhìn nhận diễn biến này như thế nào?
Theo tôi, thông tin “bầu Kiên” bị bắt đã ảnh hưởng rất mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Ai cũng mang một tâm lý chung rằng, “bầu Kiên” là người rất có thế lực trong giới tài chính, nên việc ông Kiên bị bắt có ảnh hưởng đến Ngân hàng ACB, đến cổ phiếu của nhiều ngân hàng, nhiều DN khác và ảnh hưởng đến toàn TTCK Việt Nam.
Mấy ngày qua, Báo ĐTCK liên tục nhận được điện thoại của nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ lo lắng, hốt hoảng và sẵn sàng bán tháo cổ phiếu vì sợ rằng, TTCK sẽ còn lao dốc không phanh, họ sẽ còn mất nặng hơn nữa. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Hãy bình tĩnh nhìn nhận diễn biến trên TTCK. 3 ngày qua, theo thống kê của chúng tôi, TTCK vẫn hoạt động giao dịch bình thường, trong đó điểm nhấn đáng chú ý là thanh khoản tăng mạnh. Khi một lực lượng nhà đầu tư hốt hoảng bán tháp thì ở phía khác, có một lực lượng nhà đầu tư sẵn sàng mua lại, mua hết ở vùng giá thấp. Khối lượng giao dịch vì thế mà tăng mạnh.
Chẳng hạn, ngày 21/8, tại HNX, có tới 54,3 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng; ngày 22/8 có tới 60,96 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng và ngày 23/8 có tới trên 30 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Tại HNX, tính chung khối lượng giao dịch trong 3 ngày này cho thấy, mức tăng lên trên 78% so với mức giao dịch bình quân/phiên của 1 tuần trước đó.
Tại HOSE, tình hình giao dịch cũng diễn biến tương tự với thanh khoản tăng mạnh và nhà đầu tư nước ngoài mua ròng rất nhiều. Chỉ trong 3 ngày qua, theo thống kê của chúng tôi, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tới 274 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam, một số rất ấn tượng và đáng để nhà đầu tư Việt Nam suy nghĩ cẩn trọng. Rõ ràng, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm và sẵn sàng đầu tư vào chứng khoán khi họ thấy cơ hội mua giá thấp xuất hiện.
Một yếu tố khác cũng cần bình tĩnh nhìn nhận đó là về Ngân hàng ACB. ACB từ nhiều năm nay là một ngân hàng hoạt động lành mạnh trên nền quản trị doanh nghiệp khá tốt. Tính đến hết 6 tháng đầu năm nay, ACB có vốn điều lệ 9.358 tỷ đồng, có vốn chủ sở hữu tới 13.560 tỷ đồng và lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay đã đạt 1.618 tỷ đồng. Những con số này cho thấy, ACB là một DN hoạt động có nền tảng vững chắc và hiệu quả.
Nhưng không chỉ sự kiện bầu Kiên bị bắt, dư luận đang lo ngại sẽ còn một số nhân sự chủ đạo của ACB cũng bị vướng vòng lao lý. Tổng giám đốc Lý Xuân Hải đang phải hợp tác với cơ quan điều tra là một nỗi lo tiếp theo, thưa ông?
Theo tôi, ở ACB, vai trò của Tổng giám đốc là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là ACB có một đội ngũ lãnh đạo tốt, tình hình quản trị minh bạch. Quan nhiều năm quản lý niêm yết cổ phiếu ACB, tôi cảm nhận rằng giá trị cốt lõi của ACB nằm ở hệ thống, chứ không phụ thuộc quá nhiều vào một cá nhân cụ thể nào.
Vậy trong trường hợp như thế nào thì các ông mới coi “hiện tượng ACB” là bất bình thường và ra tín hiệu cảnh báo đối với cổ phiếu này trên TTCK?
Chúng tôi sẽ đưa ACB nói riêng, các DN niêm yết nói chung vào diện bị kiểm soát, bị cảnh báo khi thấy có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng liên quan đến quản trị công ty hoặc phát hiện ra trong báo cáo tài chính của ACB có những vấn đề không minh bạch, không đúng sự thật. Bên cạnh đó, khi TTCK có biến động quá bất thường, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà đầu tư thì HNX cũng có thể sẽ áp dụng một số giải pháp khẩn cấp.
Trong lúc TTCK xuống dốc không phanh như 3 phiên vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, HNX nên có biện pháp khẩn cấp để bảo vệ nhà đầu tư, chẳng hạn dừng giao dịch hay giảm biên độ xuống. Ông có tính đến các khả năng này không?
Chúng tôi chưa tính đến việc tạm dừng giao dịch trong trường hợp này. Việc giảm biên độ dao động giá trong lúc này theo tôi cũng không phải là giải pháp hay trong điều kiện TTCK bị ảnh hưởng mạnh bởi tâm lý. Trong lúc này, theo chúng tôi, điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cần bình tĩnh suy xét, dựa trên những thông tin chính thống từ chính bản thân doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Bản thân chúng tôi cũng sẽ theo dõi sát sao tình hình thị trường, tình hình của DN để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư.
Về dài hạn, tôi mong nhà đầu tư hiểu rằng, trong bất kỳ công cuộc tái cấu trúc nào, tái cấu trúc ngân hàng hay công ty chứng khoán, cũng sẽ có những nỗi đau như nỗi đau của một ca phẫu thuật. Nhưng nếu sau những ca phẫu thuật, cơ thể DN, cơ thể thị trường trở nên khỏe mạnh hơn, minh bạch hơn thì đó là cái đích đáng chờ đời và cần hướng tới.
Tường Vi thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|