Góc nhìn 23/08: Cơ hội thay vì lo sợ
Dù tâm lý thận trọng, lo sợ vẫn còn nhưng một số công ty chứng khoán nhìn nhận đợt suy giảm lần này là cơ hội hấp dẫn trong trung và dài hạn đối với nhiều cổ phiếu.
Tâm lý thận trọng sẽ còn
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Trên thị trường chứng khoán, tâm lý hoảng loạn đã dịu bớt và nhà đầu tư đã bình tĩnh cân nhắc mua vào ở mức giá thấp đối với khá nhiều mã trong nhóm VN30, trong khi đó vẫn còn rất thận trọng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Điểm sáng của phiên 22/08 là thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao, đồng thời sự chuyển biến về giá tích cực ở các cổ phiếu ở các nhóm ngành khác, điển hình có GAS, VNM, DPM, PVD, KDC và FPT (mã này giao dịch tốt trong phiên song lại lùi về tham chiếu vào lúc đóng cửa). Như vậy, nhà đầu tư đã bắt đầu có động thái loại trừ những mã không liên quan nhiều đến tin tức tiêu cực công bố hôm qua và tích cực mua vào ở các vùng giá thấp. Hiện tượng này có thể thấy rõ trên sàn HOSE, trong khi đó, trên sàn HNX vẫn chịu sức ảnh hưởng lớn của cổ phiếu ACB.
Quan sát diễn biến trong phiên, có thể thấy những đợt phục hồi của VN-Index vẫn gặp lực cản khá lớn từ bên bán ra, điều này cho thấy tâm lý thận trọng vẫn còn và nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong hai phiên giao dịch cuối tuần. Chúng tôi tiếp tục giữ nguyên quan điểm nhà đầu tư có thể tham gia giải ngân ở các phiên giảm điểm tại các mã có cơ bản tốt đồng thời không chịu áp lực từ margin call.
Hai phiên nữa sẽ tiêu hóa hết tiêu cực
CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Nhiều khả năng thị trường vẫn chưa thể chấm dứt ngay đà giảm sau sự kiện gây chấn động vừa qua, nhưng đồng thời với đó, cơ hội cũng đã dần mở ra tại nhiều mã cổ phiếu không có liên quan đến sự kiện trên nhưng vẫn bị điều chỉnh mạnh bởi tâm lý đám đông chi phối.
Nếu không có thêm thông tin bất lợi nào có tác động tương tự, chúng tôi cho rằng, chậm nhất trong hai phiên tới, thị trường sẽ tiêu hóa hết những ảnh hưởng tiêu cực và quay trở lại với diễn biến vốn có trong thời gian vừa qua là đi ngang kèm thanh khoản thấp.
Khi đó, hoạt động mua bán ngắn hạn có thể được nối lại đối với nhà đầu tư lướt sóng, đối tượng thích hợp cho chiến lược giao dịch này sẽ là các cổ phiếu đang có sẵn trong danh mục, thanh khoản cao và có mức dao động trong phiên tương đối lớn.
Biên độ giảm sẽ thu hẹp
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thị trường dù tiếp tục mất điểm nhưng đà giảm đã được hãm lại so với phiên 21/08. Sự phân hóa cũng bắt đầu xuất hiện điển hình như trong nhóm ngân hàng. Ba mã ACB, STB, EIB vẫn tiếp tục giảm sàn nhưng các ngân hàng còn lại không liên quan tới ACB như VCB, CTG, MBB giảm ít hơn hẳn. VNM, GAS, DPM thậm chí còn đi ngược dòng thị trường khi tăng điểm khá tốt.
Về khía cạnh thông tin vĩ mô, trên thị trường mở (OMO), ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ra 13,025 tỷ đồng sau khi bơm 5,000 tỷ đồng hôm 21/08. Khối lượng bơm đột biến là để hỗ trợ thêm thanh khoản ngân hàng trong ngắn hạn sau sự kiện ACB. Lãi suất thị trường liên ngân hàng các kỳ hạn cũng tăng lên đáng kể.
Xét về mặt kỹ thuật thuần túy, khối lượng trong hai phiên ở mức khá cao cho thấy lực bắt đáy không hề nhỏ. Điều này giúp lượng cung được hấp thụ một cách khá nhanh chóng và do đó có thể giúp biên độ giảm của thị trường thu hẹp dần. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý kịch bản này chỉ xảy ra khi tạm loại bỏ những rủi ro hệ thống tiếp theo có thể xuất hiện trong tương lai.
Cơ hội hấp dẫn
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Mặc dù tâm lý nhà đầu tư đã bớt hoảng loạn, tuy nhiên chỉ số hai sàn vẫn tiếp tục mất điểm mạnh. Tại sàn HOSE, một số mã blue chips như GAS, DPM hay VNM có diễn biến tích cực, động thái này đã giúp giảm bớt đà rơi của chỉ số VN-Index. Tuy vậy, đa phần cổ phiếu vẫn có diễn biến tiêu cực, khiến xu thể giảm chưa thể bị đảo ngược. Còn tại sàn HNX, dù có đôi lúc lực cầu bắt đáy tăng, nhưng về cuối phiên chỉ số HNX-Index đã giảm mạnh hơn bởi các mã có vốn hóa lớn thuộc các ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều đóng cửa ở quanh mức giá sàn.
Khi chưa có thông tin chi tiết về nguyên nhân của vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên, nhiều đồn đoán đã xuất hiện trên thị trường và điều này đã tạo sức ép lớn lên tâm lý nhà đầu tư. Theo quan điểm của BVS, hiện thị trường đang bị chi phối mạnh bởi các thông tin này. Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư không nên đua bán bằng mọi giá, thị trường sẽ sớm đến vùng điểm cân bằng và có sự phân hóa trở lại. Hiện các cổ phiếu không phân biệt tốt-xấu đều chịu áp lực bán lớn, diễn biến này đã làm xuất hiện một số cơ hội đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn.
Hạn chế vị thế mua mới
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Mặc dù lực cầu bắt đáy cũng đã được kích thích khiến cho thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể nhưng giao dịch khá tiêu cực khi mà người bán vẫn chực chờ để thoát hàng. Áp lực bán giá thấp đè nặng lên diễn biến thị trường, đặc biệt tại nhóm các cổ phiếu ngân hàng.
Nhìn chung, lực đỡ xuất hiện tại một vài cổ phiếu vốn hóa lớn trong phiên này vẫn chưa thể giúp tâm lý đầu tư bình ổn trở lại khi lượng bán tháo còn khá lớn. Ngoài ra, việc thiếu vắng thông tin vĩ mô hỗ trợ có thể sẽ khiến cho tâm lý lo ngại rủi ro tiếp tục duy trì trong ngắn hạn.
Phiên giao dịch tiếp theo, nhiều khả năng áp lực bán sẽ còn tiếp diễn tuy nhiên sức bán có thể sẽ được giảm bớt do thị trường đã trải qua hai phiên giảm khá mạnh. Tuy nhiên, sự sụt giảm của thị trường bắt nguồn từ yếu tố tâm lý nên chúng tôi không quá lạc quan vào khả năng hồi phục trở lại của chỉ số trước khi tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại. Do vậy, đối với nhà đầu tư ngắn hạn, việc hạn chế mở các vị thế mua mới trong giai đoạn này là cần thiết để tránh rủi ro nếu thông tin xấu tiếp tục xuất hiện.
Viết Vinh tổng hợp (Vietstock)
ffn
|