Thứ Năm, 23/08/2012 21:44

Góc nhìn 24/08: Diễn biến ngày càng xấu

Trạng thái bi quan của nhà đầu tư cũng là những gì các công ty chứng khoán đưa ra về xu hướng của thị trường. Hầu hết các đơn vị này khuyên nhà đầu tư cẩn trọng hoặc đứng ngoài.

Tín hiệu xấu về xu thế

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Quan sát diễn biến thị trường, có thể thấy hoạt động bắt đáy đã có phần hạn chế hơn trong phiên này. Trong khi đó, áp lực bán tháo tiếp tục đè nặng lên diễn biến thị trường ngay từ đầu phiên. Thanh khoản sụt giảm cùng với tâm lý bi quan của nhà đầu tư đang cho tín hiệu khá xấu về xu thế.

Về yếu tố tác động đến diễn biến chỉ số, chúng tôi cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục là đối tượng bị ảnh hưởng bởi việc một số công ty chứng khoán đã bắt đầu ngừng cung cấp margin đối với cổ phiếu ngân hàng. Trong khi đó, áp lực bán giải chấp cũng tăng mạnh theo đà giảm của thị trường.

Mặc dù UBCK đã đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư nên bình tĩnh trong giai đoạn này để tránh bẫy giảm giá nhưng với “tâm lý đám đông” đang khá mạnh thì chúng tôi cho rằng đà giảm của thị trường có thể sẽ tiếp tục duy trì trong một vài phiên tới.

Theo đó, chúng tôi tiếp tục bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và đứng ngoài quan sát thị trường. Việc giảm bớt tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục là cần thiết để tăng tính an toàn trong giai đoạn thị trường bất ổn như hiện nay.

Nên giữ 50:50

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Chúng tôi cho rằng những sự kiện trên thị trường tài chính trong những ngày vừa qua là tín hiệu tích cực, thể hiện sự quyết liệt trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng, nhằm xây dựng lòng tin của giới đầu tư cũng như giúp hệ thống ổn định và minh bạch hơn. Rõ ràng, những tín hiệu này đã được nhà đầu tư nước ngoài đón nhận với tâm lý lạc quan hơn. Trái với làn sóng thoái lui của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực giải ngân ở hai phiên thị trường lao dốc (ngày 21/08 và 23/08).

Sau ba phiên giảm mạnh liên tiếp, chúng tôi nhận thấy nhiều cổ phiếu tốt đã giảm về vùng giá phù hợp cho chiến lược đầu tư trung và dài hạn. Do vậy, chúng tôi cho rằng giai đoạn hiện tại đang là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu có nền tảng tốt để cân nhắc giải ngân và tỷ trọng Tiền mặt: Cổ phiếu nên được duy trì ở mức 50:50.

Tiếp tục đứng ngoài

CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thị trường 23/08 tiếp tục giảm mạnh với đa số cổ phiếu chạm giá sàn. Tâm lý thị trường hiện tại đang ở “trạng thái phòng thủ” rất cao, do đó các thông tin tiêu cực dù là chính thức hay tin đồn đều sẽ khiến tình hình thị trường trở nên xấu hơn. Các thông tin được cho là ảnh hưởng chính tới thị trường trong hôm nay là:

a)Nhiều công ty chứng khoán đã quyết định loại, hoặc giảm tỷ lệ cho vay giao dịch ký quỹ đối với nhiều cổ phiếu ngân hàng đặc biệt là các mã ACB, EIB, STB.

b) Bên cạnh đó, trên thị trường đã xuất hiện nhiều đồn đoán về việc Tổng Giám đốc ACB đã bị bắt khởi tố và tạm giam 4 tháng để phục vụ điều tra, tuy nhiên người phát ngôn chính thức của ACB đã lên tiếng phủ nhận điều này.

c) Ngoài ra, phương tiện truyền thông đại chúng còn đưa ra những thông tin rõ hơn về sai phạm của ông Nguyễn Đức Kiên trong việc huy động vốn kinh doanh trong bối cảnh Chính phủ đang phát đi thông điệp chính thức khẳng định kiên quyết điều tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm, gây mất ổn định hệ thống ngân hàng.

Những thông tin mới được đưa ra cho thấy rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn ở mức cao. Khả năng thị trường hồi phục nhẹ sau khi giảm sâu không bị loại trừ tuy nhiên chúng tôi đánh giá sẽ không kéo dài và việc bắt đáy sẽ phải chịu rủi ro T+4 khá lớn. Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường trong giai đoạn này.

Kỳ vọng đợt phục hồi

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Thị trường tiếp tục trải qua phiên lao dốc mạnh với lượng dư bán sàn lớn về cuối phiên. Trước áp lực bán có phần áp đảo, lực cầu bắt đáy trong phiên hôm nay cũng chững lại khiến khối lượng giao dịch sụt giảm đáng kể so với hai phiên trước.

Ngoài tác động tiêu cực về mặt thông tin liên quan đến vụ việc bầu Kiên và tổng giám đốc ACB đang dần được hé lộ, áp lực bán giải chấp tại một số cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã gây ra phản ứng dây chuyền sang các nhóm khác sau 3 phiên lao dốc hết biên độ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, áp lực bán giải chấp lần này tuy không nhiều bằng những đợt của năm 2010, 2011 nhưng lại tập trung vào nhóm cổ phiếu có tỷ trọng vốn hóa lớn nên mức độ tác động và lan tỏa cũng không phải là nhỏ.

Trong quá khứ, sau mỗi đợt sụt giảm sâu, đặc biệt xuất phát từ nguyên nhân giải chấp, thị trường thường có những đợt hồi phục khá mạnh trở lại. Bên cạnh đó, với diễn biến mang tính đột biến trên thị trường trong những ngày qua, nhiều khả năng các cơ quan chức năng cũng sẽ chịu nhiều sức ép và sớm công bố thêm những thông tin giúp làm sáng tỏ vụ việc. Khi đó tâm lý nhà đầu tư sẽ được bình ổn, giúp thị trường tìm lại điểm cân bằng.

Tuy nhiên, đợt hồi phục sắp tới cũng chỉ được kỳ vọng là một đợt hồi phục mang tính ngắn hạn trong một xu hướng giảm điểm chủ đạo. Các giao dịch bắt đáy chỉ dành cho các nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro cao, áp dụng với một tỷ trọng thấp và nên ưu tiên các giao dịch T+1, T+2.

Viết Vinh tổng hợp (Vietstock)

ffn

Các tin tức khác

>   Cứu thị trường: Chuyên gia chứng khoán nói gì? (23/08/2012)

>   Cơ quan quản lý chưa có ý định tạm ngừng giao dịch trên TTCK (23/08/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 23/08/2012 (23/08/2012)

>   Góc nhìn 23/08: Cơ hội thay vì lo sợ (22/08/2012)

>   Góc nhìn 22/08: Hoang mang sau “đại địa chấn” (21/08/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 21/08/2012. (21/08/2012)

>   Góc nhìn 21/08: Sẽ điều chỉnh nhưng vẫn tích cực (20/08/2012)

>   20/08: Bản tin đầu tuần (20/08/2012)

>   Góc nhìn tuần 20 – 24/08: Sẽ sớm có điều chỉnh? (19/08/2012)

>   Tự doanh “ồ ạt” gom hàng khi chứng khoán vượt ngưỡng kháng cự (18/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật