Ngân hàng lãi bao nhiêu là vừa?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng khi cho vay với lãi suất trên 14% thì ngân hàng mới chỉ hòa vốn. Thế nhưng, lại có lập luận cho rằng với lãi suất cho vay 15%, ngân hàng đã có được mức lãi không nhỏ.
Lãi suất huy động vốn ngắn hạn ở mức trần 9%, vốn dài hạn từ 10-12% và hầu hết các ngân hàng đang rao lãi suất cho vay đã về mức 15%, thậm chí thấp hơn. Nhưng trên thực tế, liệu tất cả các doanh nghiệp có vay được vốn với mức 15% hay không?
Đó là câu hỏi mà một đại biểu Quốc hội đã đặt ra cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại phiên chất vấn trước Quốc hội tuần qua. Theo vị đại biểu này, có một thực tế là doanh nghiệp muốn vay được vốn với lãi suất 15% thì sau khi giải ngân, họ phải gửi lại ngay 1/3 lượng vốn vay với lãi suất ngắn hạn 9%. Điều này khiến mức lãi suất thực cao hơn hẳn con số 15%. Về vấn đề trên, ông Bình cho rằng có thể có sự thỏa hiệp giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nhưng theo ông, tình trạng này không phổ biến.
Trong khi đó, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex), cho hay khoảng 60% doanh nghiệp mà ông biết đang phải vay với lãi suất từ 15-16%/năm trở lên. Và không ít khoản vay cũ vẫn có lãi suất 17-18%/năm, chứ chưa được hạ về 15%.
Một vấn đề nổi cộm khác được đặt ra tại phiên chất vấn trước Quốc hội là lãi suất cho vay hiện nay bao nhiêu mới hợp lý. Theo Thống đốc, với việc huy động vốn ngắn hạn ở mức 9% và cho vay với lãi suất trên 14% thì ngân hàng cũng chỉ mới hòa vốn.
Thống đốc nêu ra một ví dụ là nếu ngân hàng huy động 100 đồng với lãi suất 9% thì đã mất 3 đồng đưa vào dự trữ bắt buộc, 10 đồng đưa vào dự trữ thanh toán. Nếu dùng tiền này để cho vay, họ sẽ mất thêm 0,75 đồng để đưa vào trích lập dự phòng rủi ro chung. Và nếu nợ xấu của các tổ chức tín dụng đúng như họ báo cáo là 4,49% thì trung bình họ phải bỏ thêm 2,36 đồng để trích lập dự phòng rủi ro. Đó là chưa tính đến chi phí quản lý, thuê trang biết bị, khấu hao… Cộng lại các yếu tố trên, khi cho vay với lãi suất trên 14%/năm, các tổ chức tín dụng về cơ bản mới chỉ hòa vốn.
Theo như cách tính của Thống đốc, mức chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay phải đến 5 điểm phần trăm thì ngân hàng mới hòa vốn. Thế nhưng, lãnh đạo một ngân hàng thương mại (không muốn nêu tên) lại đưa ra mức chênh lệch thấp hơn. Theo vị này, trong điều kiện lãi suất cao, để giảm rủi ro, ngân hàng nới rộng hơn khoảng cách giữa huy động và cho vay. Lúc đó, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra từ 4-4,5 điểm phần trăm là hợp lý. Còn thời điểm này, khi lãi suất đã xuống thấp, mức chênh lệch 3,5 điểm phần trăm đã đủ để ngân hàng hòa vốn hoặc bắt đầu có lãi. Tức điểm hòa vốn là khi cho vay ở mức lãi suất 12,5%.
Vị lãnh đạo nói trên cũng cho biết, ngân hàng ông đang cho vay ngắn hạn với lãi suất 15%. Nghĩa là theo cách tính toán của ông, ngân hàng này đã thu lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất khoảng 2,5 điểm phần trăm, một con số không nhỏ.
Ở một góc nhìn khác, trước đây, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra chỉ khoảng 2,5 điểm phần trăm là đảm bảo ngân hàng hòa vốn. Tức điểm hòa vốn là khi cho vay ở mức 11,5%.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, từng lưu ý, các ngân hàng còn có nguồn vốn huy động từ tiền gửi thanh toán của cá nhân và doanh nghiệp. Lượng vốn này không nhỏ và ngân hàng chỉ phải trả lãi suất 5%. Nếu hòa vào nguồn vốn huy động chung, giá vốn huy động của ngân hàng sẽ thấp hơn 9%. Nếu ngân hàng cho vay ra với lãi suất 15%/năm thì chênh lệch lãi suất huy động và cho vay sẽ trên 6 điểm phần trăm.
Vậy điểm hòa vốn của ngân hàng là khi cho vay với lãi suất trên 14%, 12,5% hay 11,5%? Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hạng, Trưởng khoa Ngân hàng và Bảo hiểm, Học viện Tài chính, khoảng cách giữa huy động và cho vay lên đến 6 điểm phần trăm là quá lớn và không hợp lý, nhưng để xác định được cụ thể điểm hòa vốn còn tùy vào từng ngân hàng. Cái khó là không tính toán được chính xác các chi phí của ngân hàng như quản trị ngân hàng, thuê địa điểm, trả lương cán bộ công nhân viên…
Hơn nữa, nói là lãi suất huy động 9%/năm, nhưng chưa biết chắc liệu các ngân hàng có huy động đúng với mức trần đó không, hay tìm cách khuyến mãi để thu hút người gửi tiền. Nếu có khuyến mãi thì lãi suất sẽ lớn hơn 9%.
Có thể theo thời gian, các chi phí quản lý, lương và các chi phí khác tăng lên, nhưng rõ ràng, doanh nghiệp cần ngân hàng giữ phần lãi về mình ở mức vừa phải, để lãi suất cho vay ra được hợp lý.
Các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất về 15% cho 70% tổng dư nợ các khoản vay cũ. Thế nhưng, nếu không giảm cả lãi vay mới để doanh nghiệp được vay vốn mới thì họ sẽ không thể tái sản xuất và trả nợ ngân hàng được. Nói như ông Lý, Aprocimex, doanh nghiệp đã đổ hết vốn liếng, kể cả vốn vay đầu tư nhà xưởng, máy móc. Nếu không được vay vốn mới giá rẻ, họ chỉ còn cách đắp chiếu máy móc thiết bị mà thôi.
Vũ Dũng
nhịp cầu đầu tư
|