Lãi suất cho vay có thể về mức 10% cuối quý III/2012
Dự báo này được TS Vũ Đình Ánh đưa ra tại Diễn đàn đầu tư và tài chính ngân hàng do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KHĐT) chủ trì, chiều 28/8.
Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh: cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài đã làm bộc lộ rõ hơn nhiều vấn đề trong nội bộ nền kinh tế cần được giải quyết. Diễn đàn là dịp để các chuyên gia kinh tế, học giả hàng đầu, đại diện các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, cụ thể các vấn đề cấp bách hiện nay của nền kinh tế Việt Nam, nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực, khả thi trong thời gian tới.
Ông Đặng Xuân Quang (đứng) phát biểu tại Diễn đàn
|
Lãi suất có thể tiếp tục hạ
Ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường và giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, mặc dù chính sách điều hành tài chính tiền tệ thời gian qua có nhiều kết quả tích cực, nhưng tác động kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm khó lường trước. Do đó, vấn đề cốt lõi là chính sách lãi suất sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế.
Ông Ánh khẳng định, mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay ở một con số là chắc chắn đạt. Do đó, lộ trình giảm lãi suất huy động (và trần lãi suất huy động nếu còn) có thể xuống đáy vào khoảng 6% vào cuối quí III/2012 trước khi lên nhẹ khoảng 7-8% vào quí IV/2012. Do lãi suất huy động hạ nên lãi suất cho vay bình quân cũng về mức 10-11% vào cuối quí III/2012 trước khi lên lại mức 12-13% trong quí cuối cùng của năm 2012.
Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia còn đánh giá và đưa ra nhiều đề xuất nhằm giải quyết nợ xấu và một số giải pháp phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực trạng và giải pháp cho thị trường bất động sản.
Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), riêng năm 2008 có mức tăng đột biến (vốn đăng ký 71 tỷ USD) nhưng sau đó giảm mạnh và thực tế vốn giải ngân chỉ đạt quanh 10-11 tỷ USD/năm; đến tháng 7/2012 giảm sâu dưới mức 10 tỷ USD.
Tính đến 20/7/2012, đầu tư lũy kế của nước ngoài tại Việt Nam có hơn 14.007 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 206 tỷ USD. Vốn thực hiện khoảng 96 tỷ USD. Trong đó, 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 48,4%; bất động sản 23,9%; nông, lâm, thủy sản 1,6%. Và đầu tư nước ngoài đã có mặt tại tất cả các địa phương trên cả nước.
Đánh giá về thực trạng giảm mạnh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Quang cho biết: Nguyên nhân khách quan do suy thoái kinh tế toàn cầu và cạnh tranh trong thu hút FDI của các nước trong khu vực. Còn về chủ quan, do khó khăn nội tại của nền kinh tế (cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp hỗ trợ). Đặc biệt, “chính sách ưu đãi đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn, thủ tục cấp phép còn chậm”.
Song, dự án lớn, vốn ảo đã suy giảm đáng kể. Và, “mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, nâng cao chất lượng, dẫn đến đầu tư giảm số lượng”- ông Quang cho biết.
Tuy nhiên, điểm đáng ghi nhận, ông Quang cho rằng, vốn thực hiện duy trì tương đương cùng kỳ trong mấy năm qua; khoảng cách vốn đăng ký và vốn thực hiện được thu hẹp; xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt (tăng 33,6% so cùng kỳ 2011); xuất siêu 2,4 tỷ USD; vốn tăng thêm có xu hướng tăng (tăng 5,6% so với cùng kỳ 2011); cơ cấu đầu tư điều chỉnh theo hướng tích cực (tăng đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo).
Để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, ông Quang cho rằng, cần thúc đẩy giải ngân; hoàn thiện luật pháp, chính sách (chính sách đất đai, ưu đãi hỗ trợ đầu tư…); thực hiện Chỉ thị 1617/CT-TTg; nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xây dựng hệ thống thông tin đầu tư nước ngoài…
Từ nhiều căn cứ thực tế, ông Quang dự báo: “Dòng FDI toàn cầu 2013 dự kiến tăng và nhà đầu tư quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn”.
Xuân Thân
vov
|