Vốn lãi suất thấp của ngân hàng chỉ cho "vay nóng"?
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết: Ngân hàng nói cho DN vay lãi suất chỉ 8,95, nhưng cho vay 1 tháng thì đó chỉ là cho "vay nóng" để xử lý tình thế chứ có ý nghĩa gì trong việc trợ lực cho DN hồi phục?
Vay vốn với lãi suất thấp
|
Cuộc tranh luận bất ngờ
Hội thảo "Chính sách lãi suất và khả năng tiếp cận vốn ngân hàng (NH) của doanh nghiệp (DN) miền Trung - Tây Nguyên" tổ chức sáng 28/8 bất ngờ được khởi đầu bằng cuộc tranh luận bên lề nhưng khá "gay gắt" giữa Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết và bà Lê Thị Thanh Toàn, Phó Giám đốc Chi nhánh NH Công thương Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).
Vài phút trước khi hội thảo bắt đầu, ông Phùng Tấn Viết phát hiện trong hội trường chủ yếu chỉ có đại diện các NH, đại diện các trường đại học đến lấy thông tin để... phục vụ giảng dạy và giới báo chí. Còn DN, đối tượng mà ông rất muốn nghe họ "sửa lưng" các NH thì lại rất ít, mặc dù BTC hội thảo cho biết đã mời 60 - 70 DN tham dự. Kể cả trong các tham luận chính thức tại hội thảo, theo chương trình do BTC công bố, thì cũng không có cái nào của DN hay các hiệp hội DN trên địa bàn.
Ông Phùng Tấn Viết đặt vấn đề: Phải chăng các DN không mặn mà với những hội thảo như thế này vì đã nói rất nhiều song lãi suất NH vẫn quá cao khiến họ không sao tiếp cận được?
Bất ngờ bà Lê Thị Thanh Toàn từ hàng ghế đại biểu lên tiếng: "Anh nói bao nhiêu là cao? NH chúng tôi có những gói cho vay lãi suất chỉ 8,95% nhưng DN không dám vay!".
Lập tức ông Phùng Tấn Viết mời bà Thanh Toàn lát nữa lên phát biểu, nói rõ NH đã "mở cửa" rất nhiều nhưng DN không tiếp cận được nguồn vốn là do chính họ!
Ông Phùng Tấn Viết phê bình các DN "kêu ca thì nhiều nhưng mời họp lại không chịu đi". Nhưng rồi với kinh nghiệm từng 18 năm làm DN, trong đó có 10 năm làm Tổng Giám đốc và sau đó liên tục đảm nhận các chức vụ có liên quan trực tiếp đến DN, ông đặt câu hỏi với bà Thanh Toàn: "Chị cho vay lãi suất 8,95 trong thời hạn bao lâu?". Câu trả lời của Phó Giám đốc Chi nhánh NH Công thương Ngũ Hành Sơn là... 1 tháng!
Ông Phùng Tấn Viết suýt bật cười: "1 tháng thì cho vay làm gì? Đó là chỉ là cho "vay nóng" để xử lý tình thế chứ có ý nghĩa gì trong việc trợ lực cho DN hồi phục? DN thương mại làm ăn có hiệu quả thì chu chuyển quay vòng vốn phải mất ít nhất 12 tháng, còn với DN sản xuất thì mất 3 năm đã là giỏi, bình thường phải 5 năm, mà đó chỉ là đầu tư ngắn hạn. Cho vay 1 tháng thì làm sao họ chạy cho kịp trong thời buổi khó khăn này?".
DN đã suy kiệt nội lực, còn NH thì gây khó khăn
Bước vào hội thảo chính thức, ông Phùng Tấn Viết tiếp tục nhấn mạnh: "Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái kéo dài, các DN Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn thách thức. Số lượng DN đã phá sản hoặc đang bên bờ vực phá sản, giải thể tăng cao... Vì vậy, nguồn vốn vay NH là một trong những nguồn lực quan trọng giúp các DN tăng sức đề kháng, vượt qua khó khăn".
Ông Phùng Tấn Viết nêu rõ, trong thời gian qua Chính phủ và NH Nhà nước đã có những động thái kiên quyết nhằm hạ nhiệt lãi suất và hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn vay NH, nhưng số DN tiếp cận được nguồn vốn này vẫn còn thấp. Nguyên nhân là tuy lãi suất huy động vốn đã giảm song lãi suất cho vay vẫn còn cao. Hơn nữa, do các DN đã suy kiệt nội lực sau một thời gian dài đối mặt với khó khăn nên không còn được bao nhiêu DN có thể đáp ứng tiêu chuẩn cho vay của các NH thương mại.
"Tôi có thể nói chắc 100% có đến 80% vốn lưu động của các DN là do đi vay, chủ yếu là vay NH. NH nói giảm lãi suất nhưng thủ tục vẫn còn hết sức khó khăn, rườm rà, nhân viên bên dưới hoạch hoẹ đủ điều khiến DN không thể vay vốn được. Đối với các DN làm ăn lâu năm thì vấn đề tín chấp rất quan trọng, nhưng NH chỉ một mực đòi thế chấp. Trong khi đó, do tình hình khó khăn kéo dài, chi phí tăng, sức mua giảm, sản phẩm tồn đọng... nên các DN đã thế chấp hết tài sản để cố gắng cầm cự. Bây giờ NH không chấp nhận tín chấp thì họ biết chạy đường nào?" - ông Phùng Tấn Viết đặt câu hỏi.
Ông cũng thông báo, dự kiến đầu tháng 9 tới, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và Thống đốc NHNH Việt Nam Nguyễn Văn Bình sẽ có cuộc đối thoại trực tiếp với cộng đồng DN đang hoạt động ở Đà Nẵng, chủ yếu liên quan đến những bất cập trong việc cho vay, lãi suất cho vay vốn của các NH thương mại đối với các DN trên địa bàn và một số các khó khăn, vướng mắc khác của DN.
Do vậy, ông Phùng Tấn Viết yêu cầu cuộc hội thảo cần tập trung đánh giá tác động của lãi suất và chính sách lãi suất đối với NH thương mại; đánh giá khả năng tiếp cận vốn của các DN khu vực miền Trung - Tây Nguyên; làm rõ vai trò của NHNN trong việc nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DN; đồng thời đề xuất các giải pháp và khuyến nghị đến các bên liên quan nhằm giúp các DN tồn tại, trụ vững và tiếp tục phát triển.
Tín dụng không tăng do lãi suất còn cao
Dư nợ cho vay các thành phần kinh tế trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn tháng 6/2011 đến tháng 6/2012 tăng bình quân rất thấp, đạt 2,48% năm. Trong đó cho vay ngắn hạn tăng bình quân 6,7% và cho vay trung, dài hạn tăng bình quân 2,41%. Nợ xấu tăng cao, đặc biệt là từ cuối năm 2011 đến nay.
Nhìn chung tình hình cho vay từ tháng 6/2011 đến nay hầu như không tăng, thậm chí trong 6 tháng đầu năm 2012 còn giảm sút. Nguyên nhân tín dụng không tăng là do lãi suất cho vay còn cao, sức mua của nền kinh tế thấp dẫn đến hàng tồn kho của DN lớn; khả năng trả nợ của khách hàng giảm do khó khăn về đầu ra; thị trường bất động sản giảm sút và khó giao dịch (phần lớn tài sản thế chấp NH là bất động sản).
(Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng)
|
Hải Châu
infonet
|