Thứ Tư, 29/08/2012 06:14

Cho vay bằng ngoại tệ: Sẽ bị mất lãi!

Theo quy định hiện hành, mọi trường hợp giao dịch bằng ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau đều vô hiệu toàn bộ.

Khi giải quyết tranh chấp vay mượn bằng ngoại tệ, thời gian qua vẫn có những tòa xử chấp nhận giao dịch. Nhiều chuyên gia khẳng định tòa phải tuyên vô hiệu bởi pháp luật đã quy định mọi giao dịch giữa các cá nhân phải thực hiện bằng tiền Việt Nam đồng…

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Khánh Hòa, sửa án sơ thẩm trong một vụ đòi nợ theo hướng bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn 15.000 USD đã vay. Tòa còn tuyên tịch thu sung công gần 60 triệu đồng tiền lãi mà nguyên đơn đã nhận của bị đơn cho khoản vay ngoại tệ này.

Bị sửa, hủy án vì chấp nhận giao dịch

Trước đó, tháng 10-2007, bà T. cho bà C. vay một số tiền Việt Nam đồng cùng 15.000 USD với lãi suất 2%/tháng. Sau một thời gian, bà C. không có khả năng trả nợ nên bị bà T. khởi kiện yêu cầu phải trả cả gốc lẫn lãi.

Giữa năm 2011, TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của bà T., tuyên buộc bà C. phải trả gốc lẫn lãi cả hai khoản vay bằng tiền Việt Nam đồng và USD nói trên. Sau đó, VKSND tỉnh này đã kháng nghị theo hướng tuyên hợp đồng vay mượn trên vô hiệu phần liên quan đến ngoại tệ vì vi phạm điều cấm của pháp luật.

Một vụ khác, ông Đ. (Việt kiều Mỹ) cho ông L. vay tiền nhiều lần. Ông L. viết giấy nợ xác nhận đã nợ của ông Đ. tổng cộng 190.000 USD. Sau đó ông Đ. khởi kiện đòi ông L. phải trả toàn bộ số USD trên. Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Đ., buộc ông L. trả tiền Việt tương đương với 190.000 USD tại thời điểm tòa xét xử. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm để xử lại vì giao dịch bằng ngoại tệ giữa các bên là trái pháp luật.

Không trường hợp nào được công nhận

Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2006 đã quy định rõ trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với các tổ chức tín dụng.

Đây chính là căn cứ để các tòa xác định giao dịch vay mượn bằng ngoại tệ vô hiệu theo quy định tại các điều 127, 128 Bộ luật Dân sự năm 2005. Về giải quyết hậu quả, thông thường các tòa căn cứ vào Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2005 và hướng dẫn trong Công văn số 81 ngày 10-6-2002 của TAND Tối cao (bên vay trả lại bên cho vay số ngoại tệ gốc, còn tiền lãi mà các bên đã giao nhận thì tịch thu sung công).

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng tòa án không nên coi giao dịch bằng ngoại tệ nào cũng là vô hiệu. Bởi theo Nghị quyết 04 năm 2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989), nếu hợp đồng thỏa thuận giá cả, bằng ngoại tệ nhưng sau đó thanh toán bằng tiền Việt Nam đồng thì không bị coi là vô hiệu toàn bộ. Tức là một số giao dịch giữa các cá nhân vẫn được công nhận nếu đảm bảo được điều kiện thanh toán bằng tiền Việt Nam đồng dù trước đó có thỏa thuận giá cả bằng ngoại tệ...

Tuy nhiên, luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) khẳng định Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế năm 1989 đã hết hiệu lực nên Nghị quyết số 04 năm 2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đương nhiên cũng không còn giá trị. Dựa theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp lệnh ngoại hối hiện hành thì mọi trường hợp giao dịch bằng ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau, trong đó có vay mượn đều vô hiệu toàn bộ. Như vậy, việc một số tòa tuyên chấp nhận quan hệ vay mượn bằng ngoại tệ giữa các cá nhân, thậm chí tính cả phần lãi suất rõ ràng là trái pháp luật.

Cấm là cần thiết

Tôi nghĩ các quy định về pháp luật hiện hành cấm tất cả giao dịch bằng ngoại tệ (trừ đối tượng được phép theo luật) là hợp lý vì giúp Nhà nước quản lý được nguồn ngoại tệ, đảm bảo cho nền kinh tế lành mạnh, tránh bị ngoại tệ hóa đồng tiền. Khi tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu, bên cho vay ngoại tệ cũng không bị thiệt thòi lắm bởi họ vẫn được tòa tuyên trả lại khoản vay gốc, chỉ không được tính phần lãi mà thôi.

Điều đáng tiếc là hiện nay các vi phạm dạng này vẫn xảy ra khá nhiều, do tâm lý coi thường hậu quả của người dân. Tôi ví dụ đơn giản như các cửa hàng bán máy tính xách tay thường niêm yết giá bằng USD, trong khi họ không được phép nhưng nhiều người mua lại không để ý, cứ giao dịch như thường.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Nhật: Công nhận giao dịch nhưng phạt tiền

Hiện nay tại Nhật, các tòa án của nước này khi xử tranh chấp vay mượn bằng ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau đều dựa vào một án lệ vốn có từ lâu của Tòa án Tối cao nước này.

Theo án lệ, một công nhân vay của đồng nghiệp một khoản ngoại tệ nhưng không trả nên bị kiện ra tòa. Người cho vay yêu cầu người vay phải trả cả gốc lẫn lãi, còn người vay yêu cầu tòa tuyên bố giao dịch vô hiệu vì vi phạm Luật về quản lý ngoại hối và ngoại thương năm 1949 của Nhật.

Phán quyết sau cùng của Tòa án Tối cao Nhật như sau: Theo Luật về quản lý ngoại hối và ngoại thương năm 1949 của Nhật, chỉ có ngân hàng được phép thực hiện giao dịch ngoại hối mới được cho vay ngoại tệ. Do đó việc cá nhân cho vay ngoại tệ là trái luật. Tuy nhiên, nếu tuyên hợp đồng vô hiệu thì vô hình trung đã để phía người vay được hưởng lợi, trái với tinh thần của nguyên tắc thiện chí, ngay tình, vốn là một nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 1 Bộ luật Dân sự của Nhật. Vì vậy, tòa chấp nhận yêu cầu đòi trả nợ cả gốc lẫn lãi của người cho vay. Tuy nhiên, vì cả hai bên đều phạm luật nên cả hai bên đều bị tòa phạt một khoản tiền.


THANH TÙNG

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Lãi suất cho vay có thể về mức 10% cuối quý III/2012 (28/08/2012)

>   Bộ Tài chính nói gì về hướng xử lý nợ xấu ngân hàng? (28/08/2012)

>   Tổ chức Diễn đàn Đầu tư và Tài chính ngân hàng (28/08/2012)

>   Phấn đấu tăng trưởng tín dụng của TPHCM đạt từ 8-10% (28/08/2012)

>   Vốn lãi suất thấp của ngân hàng chỉ cho "vay nóng"? (28/08/2012)

>   Tuần 20-24/08: Lãi suất liên ngân hàng tăng ở các kỳ hạn ngắn (28/08/2012)

>   Hút ròng 2.611 tỷ đồng trên OMO, lãi suất liên ngân hàng giảm (28/08/2012)

>   Ông Trầm Bê: “Tôi bị bắt là tin đồn hoàn toàn thất thiệt” (28/08/2012)

>   28/08, HBB chính thức sáp nhập vào SHB (28/08/2012)

>   STB: Sáng 28/08, ông Trầm Bê dự lễ ký hợp đồng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (28/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật