Nâng room tín dụng, vốn cho vay ra vẫn khó tăng
Việc các ngân hàng ồ ạt xin thêm hạn mức tín dụng trong bối cảnh hoạt động cho vay trầm lắng khiến nhiều người cho rằng, đó chỉ là “của để dành” và để tăng thêm uy tín, chứ khó có thể tăng mạnh dòng vốn ra thị trường trong bối cảnh hiện nay.
23 đơn vị xin tăng room…
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện có 23 tổ chức tín dụng (TCTD) đề nghị mức tăng trưởng tín dụng năm 2012 vượt chỉ tiêu và đã có 10 ngân hàng đã được chấp thuận nâng room lên 17 - 30%. Theo NHNN, việc cấp thêm quota tín dụng sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của các TCTD, tình hình hoạt động, mức độ lành mạnh về tài chính và khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng. 10 TCTD được tăng room là các đơn vị có tăng trưởng tín dụng đã đạt trên 50% chỉ tiêu theo thông báo của NHNN từ đầu năm 2012. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, mới có 5 NHTM cho biết đã được nâng room tín dụng; trong đó, MB là 25%; OceanBank, TienPhong Bank cùng là 27%; VPBank và HDBank cùng là 30%.
Theo lãnh đạo của các nhà băng vừa công bố được tăng thêm hạn mức tín dụng, với kế hoạch kinh doanh đã được xây dựng cho những tháng cuối năm và để đón đầu mùa kinh doanh cao điểm cuối năm thì việc xin nâng room tín dụng là điều cần thiết. Bởi thực tế, với năng lực của các NHTM quy mô nhỏ và xét trên tổng dư nợ tuyệt đối là không lớn. Trong khi đó, việc phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dựa trên năng lực của các ngân hàng vào đầu năm nay đã làm hạn chế sự phát triển hoạt động cho vay. Đặc biệt là ở những ngân hàng nhóm 2, nhóm 3 chỉ được tăng trưởng tối đa lần lượt là 15% và 8%.
Mặt khác, tính đến cuối tháng 7, dư nợ tín dụng toàn hệ thống mới tăng trưởng gần 1%. Vì thế, việc nâng room tín dụng của các nhà băng vừa và nhỏ khó có thể gây ra rủi ro hệ thống. Chủ tịch HĐQT OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho rằng, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành đưa ra cho cả năm nay ở mức 15 - 17% hay kế hoạch NHNN phấn đấu đạt mức tăng trưởng 8 - 10% trong 6 tháng cuối năm 2012, thì mức dư nợ tín dụng hiện vẫn khá thấp. Do đó, đối với các ngân hàng nhóm 2 trở lên thì có thể cho phép mở room dựa theo nhu cầu thực tế cung - cầu vốn tại mỗi ngân hàng.
Riêng với OCB, ông Tuấn cho biết, Ngân hàng cũng sẽ trình NHNN xin tăng room để có thêm điều kiện tăng cho vay trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, trước mắt, OCB vẫn sử dụng room tín dụng còn lại trong tổng hạn mức được cấp là 15% từ đầu năm nay. Tính đến giữa tháng 8/2012, tăng trưởng tín dụng của OCB đạt khoảng 7% so với chỉ tiêu Ngân hàng có được là 15%.
Theo Tổng giám đốc HDBank Nguyễn Hữu Đặng, việc tăng room tín dụng là điều kiện tốt trong phát triển hoạt động cho vay. Vì thế, HDBank đã xây dựng kế hoạch kinh doanh mới khi được NHNN cho phép nâng room tín dụng từ mức 10% lên 30%.
Theo đó, dư nợ tín dụng của HDBank đến ngày 31/12/2012 tối đa là 23.115 tỷ đồng (tương đương 30%), HDBank cho biết, sẽ dành room tín dụng này đẩy mạnh cho vay đối với các đối tượng ưu tiên như khách hàng có hoạt động xuất khẩu, các khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất - kinh doanh, công nghiệp phụ trợ…, lãi suất ưu đãi dao động từ 12 - 12,5%/năm. Trường hợp cá biệt, có những khách hàng DNNN được hưởng mức lãi suất dưới 10%/năm.
…nhưng không dễ cho vay
Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng thừa nhận, dù đã được tăng room, nhưng muốn đẩy mạnh vốn cho vay trong bối cảnh hiện nay là không dễ. Số liệu vừa được NHNN đưa ra cũng cho thấy, đến cuối tháng 7/2012, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng chưa đầy 1% so với cuối năm 2011, trong đó 69 TCTD có mức tăng trưởng âm; 57 TCTD tăng trưởng dương.
Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, đến thời điểm này chưa thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, bởi sự hấp thu vốn của DN vẫn còn khá chậm. So với các năm, mùa kinh doanh cuối năm nay có thể khó sôi động bằng, nhưng nhu cầu vốn của DN chắc chắn sẽ cao hơn những tháng qua. Do đó, quý IV sắp tới được ngân hàng kỳ vọng sẽ là cú hích cho hoạt động tín dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh sức cầu vốn thấp, các ngân hàng cũng tỏ ra khá thận trọng khi đẩy vốn ra thị trường vì lo ngại rủi ro nợ xấu gia tăng và trích lập dự phòng cao. Ông Nguyễn Hữu Đặng cho biết, đối với hoạt động cho vay, quan trọng nhất vẫn là kiểm soát chất lượng tín dụng, nhất là trước bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Đặng, mức lãi suất cho vay 10%/năm được HDBank áp dụng đối với khách hàng DN có sức khỏe tốt và dự án kinh doanh khả thi hiện nay là phù hợp.
Sau khi được nâng room tín dụng lên 27%, OceanBank cho biết, sẽ đẩy mạnh cho vay đối với khách hàng DN và cá nhân với lãi suất ưu đãi 12 - 14%/năm. Thời gian tới, OceanBank sẽ tiếp tục tập trung xây dựng hoạt động và phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng. Tuy nhiên, Tổng giám đốc OceanBank, bà Nguyễn Minh Thu cũng cho biết, các chỉ số an toàn hoạt động tín dụng luôn phải được đảm bảo ở mức cao, cân đối tốt giữa tốc độ tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng.
Thực tế, với diễn biến của thị trường tài chính hiện nay, để tăng trưởng dư nợ là không dễ. Tại các NHTM lớn, room tăng trưởng dư nợ nhận được ở mức cao nhất đạt 17%/năm, nhưng kết thúc 2 quý đầu năm nay, tín dụng của một số ngân hàng vẫn trong tình trạng âm và các nhà băng đang tăng cường đẩy mạnh vốn cho vay. Đơn cử như ACB vừa dành hạn mức tín dụng 5.000 tỷ đồng cho khách hàng vay mua bất động sản, đồng thời triển khai chương trình tín dụng “siêu tốc - 24 giờ” lãi suất 14,5%/năm.
Hay tại DongA Bank, lãi suất cho vay năm đầu tiên đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà là 12%/năm và thấp nhất ở mức 11%/năm cho các khách hàng DN có hồ sơ tốt. Tuy nhiên, theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, tình hình giải ngân vốn vẫn khá chậm và đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng chỉ mới đạt vài phần trăm, nên room tín dụng 15% đủ để kinh doanh trong năm nay.
Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, hiện nền kinh tế khó hấp thu vốn, chứ không phải do ngân hàng thiếu thanh khoản. Nguyên nhân là do sức mua thị trường giảm và hàng tồn kho tăng, nên DN chưa có nhu cầu đầu tư, kinh doanh mới. Điều này sẽ khiến các nhà băng khó sử dụng hết room tín dụng vừa xin.
“Nếu không thận trọng và ồ ạt đẩy mạnh cho vay thì các NHTM nhỏ sẽ khó tránh được rủi ro nợ xấu, khi hoạt động quản trị rủi ro ở những đơn vị này còn nhiều vấn đề”, ông Lịch nói.
Thùy Vinh
ĐTCK
|