Bí ẩn “khoản phải thu khác”
Một loại hình công ty đầu tư tài chính nhưng không chịu sự quản lý của luật chuyên ngành nào; những “khoản phải thu khác" rất lớn nhưng không được thuyết minh trên báo cáo tài chính của các ngân hàng (NH).
Trước khi được sáp nhập, Habubank đã đẩy một lượng vốn lớn vào những khoản ủy thác đầu tư
|
Đây chính là những cánh cửa ngầm dẫn vốn cho "sân sau", dẫn vốn theo chỉ định, dẫn vốn đi thao túng dưới danh nghĩa ủy thác đầu tư của các NH chính là lỗ hổng lớn, tiềm ẩn đầy rủi ro với những hệ quả lớn. Lỗ rò vốn này cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế tín dụng chảy vào sản xuất.
Vốn chảy vào sân sau ?
"Khoản phải thu khác" trong báo cáo tài chính của bất cứ tổ chức nào đều được ngầm hiểu là những khoản thu nhỏ, lặt vặt nên "gom" vào một mục. Điều lạ là ở nhiều NH, khoản phải thu khác lại rất lớn nhưng hầu hết không được thuyết minh. Đơn cử như tại NH TMCP Á Châu (ACB), các khoản phải thu trong quý 2/2012 lên tới trên 43.401 tỉ đồng; Eximbank (EIB) là 6.822 tỉ đồng; Vietinbank (CTG) là 8.188 tỉ đồng... Thu ở NH được hiểu là thu lãi. Vậy lãi này ở khoản cho vay nào, tại sao không được thuyết minh rõ ràng trong báo cáo tài chính? Có gì khuất tất đằng sau những khoản cho vay này khiến các NH phải mập mờ như vậy? Câu chuyện của NH Phát triển nhà Hà Nội (Habubank) trước khi sáp nhập cho thấy một lượng vốn cực lớn từ các NH đã được đẩy qua các công ty đầu tư tài chính để đầu tư vào những thương vụ riêng. Các công ty này thường do các cổ đông lớn, những người có quyền trong NH lập ra và nhận vốn từ NH dưới hình thức ủy thác đầu tư.
Trước thời điểm sáp nhập Habubank với NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), hầu như không ai biết đến khoản đầu tư của Habubank vào Công ty Bianfishco vì khoản này không được thuyết minh trên báo cáo tài chính mà được "ẩn" đi. Chỉ đến khi sáp nhập, các khoản đầu tư góp vốn, cho vay trước đó của Habubank bị SHB xử lý thì khoản đầu tư này mới lộ rõ. Đó là đầu tư ủy thác thông qua Công ty CP đầu tư - tư vấn dịch vụ Hồ Mây thuộc Habubank với giá trị riêng thương vụ của Bianfishco đã lên tới hàng trăm tỉ đồng. Bởi theo quy định, Habubank không thể trực tiếp đầu tư vào Bianfishco với giá trị lớn như nói trên nên đã rót vốn qua Hồ Mây để công ty này thực hiện thương vụ.
Theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, các mục "tài sản có khác", "khoản phải thu khác" trong báo cáo tài chính của các NH hầu hết là những khoản ủy thác đầu tư. Sở dĩ không được thuyết minh vì đã bị "biến dạng" khi đầu tư theo chỉ định, cho sân sau của lãnh đạo, cổ đông lớn hay dành đi thao túng. Việc này đang làm méo mó bức tranh tín dụng bởi theo quy định của NHNN, các khoản ủy thác cho vay cũng được tính vào tăng trưởng tín dụng. Nghĩa là việc đẩy mạnh tín dụng qua cửa cho vay ủy thác có thể khiến dư nợ tín dụng tăng nhưng vốn thực chất không chảy ra nền kinh tế, chảy vào sản xuất mà chảy vào sân sau của các cổ đông lớn như nói trên.
Tự do thao túng thị trường
Các NH đầu tư chủ yếu qua 3 kênh gồm ngoại tệ, vàng và ủy thác. Hiện nay, vàng đã bị cấm, ngoại tệ thì hạn chế bởi quy định chỉ được nắm giữ không vượt quá 20% vốn tự có của mỗi tổ chức tín dụng. Nên khoản đầu tư lớn nhất là đổ vốn vào kênh ủy thác. Nói nôm na là cấp vốn cho công ty đầu tư tài chính đầu tư - cho vay "giúp" họ, thực chất cũng là cho vay. Nên NHNN mới đây đã quy định, vốn ủy thác tại các NH cũng tính vào tăng trưởng tín dụng.
|
Theo quy định của luật Đầu tư, tài chính - ngân hàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng loại hình công ty đầu tư, công ty đầu tư nhận vốn ủy thác từ các NH đi đầu tư tài chính hiện nay lại hoàn toàn tự do, không chịu sự quản lý hay kiểm soát của bất cứ luật chuyên ngành nào. Đây chính là kẽ hở khiến các công ty đầu tư này phình to nhờ vốn "bơm" từ các NH qua hợp đồng cho vay ủy thác. Sau đó thoải mái đầu tư vào sân sau các khoản vốn khổng lồ, đầu tư theo chỉ định, thậm chí đi thâu tóm các DN, các NH khác. Vụ Công ty đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu mua/bán lén một lượng lớn cổ phiếu của Sacombank thời điểm giữa năm bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước phạt 70 triệu đồng là minh chứng điển hình.
Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM phân tích, NH thì hoạt động theo luật Tổ chức tín dụng. NHNN chỉ quản lý các công ty cho thuê tài chính, các NH, các tổ chức tín dụng. Công ty quản lý quỹ tại VN cũng bị quản lý bởi luật Chứng khoán. Trên thế giới, các công ty này được "gom" vào loại hình công ty quản lý tài sản, phải hoạt động theo luật Chứng khoán hay luật Tổ chức tín dụng và được kiểm soát rất kỹ. Anh có quyền làm nhưng phải công khai, minh bạch tất cả các danh mục đầu tư. Nhưng riêng công ty đầu tư tài chính nói trên, cũng nắm danh mục, cũng nhận vốn đi đầu tư thì lại không phải báo cáo ai, không bị ai quản lý ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Vị chuyên gia trên đặt câu hỏi, bản thân các NH có chức năng cho vay, tại sao phải ủy thác cho vay qua công ty khác? Tại sao lại không thuyết minh, lại "ẩn" đi các khoản này trên báo cáo tài chính? Phải chăng khoản ủy thác này có vấn đề? Điều này là hoàn hoàn toàn có cơ sở bởi như chúng ta đã biết, bản chất nhiều NHTM cổ phần là "sân sau" của các cổ đông lớn. Nên việc họ tận dụng tối đa việc ủy thác qua công ty đầu tư để rót vốn cho những phi vụ riêng của mình là hoàn toàn dễ hiểu. Ngoài lãi suất ưu đãi, tài sản đảm bảo của các hợp đồng cho vay ủy thác này thường là danh mục đầu tư phát sinh trong tương lai nên rủi ro rất lớn.
Với số vốn rót qua kênh ủy thác cực lớn, lại không được công khai, minh bạch tiềm ẩn những hậu quả lớn cho ngành NH. Lỗ rò vốn này nếu không sớm bít lại, thị trường tài chính sẽ còn tiếp tục chứng kiến những vụ thâu tóm, lũng đoạn từ các công ty đầu tư đang ngày càng bành trướng hoạt động như thời gian vừa qua.
Nguyên Hằng
Thanh niên
|