Ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc thường trực ACB:
Ai cũng có thể điều hành ACB
Chỉ trong ngày 22/8, số tiền khách hàng rút ra khỏi hệ thống Ngân hàng ACB lên tới 5.000 tỷ đồng, và dự kiến con số này sẽ còn tăng cao vào ngày mai 23/8. Trước sự lo ngại về tính thanh khoản của ACB, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Đỗ Minh Toàn - Phó tổng giám đốc thường trực ACB, hiện thay thế Tổng giám đốc Lý Xuân Hải điều hành ngân hàng (NH).
* Việc gửi và rút tiền từ ACB trong hai ngày hôm nay như thế nào, thưa ông?
- Chuyện khách hàng rút tiền tại ACB trong ngày 22/8 ở con số 5.000 tỷ đồng là có thật. Nhưng con số này thấp hơn dự đoán của ACB, và không có chuyện ACB mất thanh khoản.
Bởi, ACB hiện đang có là 6.100 tỷ đồng và 165 triệu USD sẵn sàng chuyển sang tiền đồng để giải quyết việc rút tiền của khách hàng. Ngoài ra, ACB có khoản nợ 36.000 tỷ đồng trên thị trường liên NH đang thu dần.
* Có vẻ ACB giải quyết tình hình khủng hoảng khá nhanh?
- Vì đã có kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng vào năm 2003 nên ngay trong tối ngày 20/8, toàn thể ban lãnh đạo của ACB đã họp để thống nhất những kịch bản cụ thể để kiểm soát tình hình. Theo đó, chúng tôi đề ra 5 kịch bản, gồm: Bình thường, hơi đông, hỗn độn, khẩn cấp và khủng hoảng, và đưa ra 5 phương án để giải quyết.
Tuy tình hình ngày 22/8 căng thẳng gấp 3 lần so với ngày 21 nhưng vẫn chỉ nằm ở mức độ 2 và 3, nhẹ hơn so với những gì chúng tôi dự đoán. Từ đó, mọi chuyện đều được kiểm soát ổn thỏa.
* Dù vậy, việc ACB không giải ngân những khoản vay lớn vẫn khiến nhiều người lo ngại và mất niềm tin, ông giải thích sao về điều này?
- Khi NH gặp tình trạng rủi ro thanh khoản buộc phải ngưng giải ngân, nhất là với những khoản vay lớn hơn 500 triệu đồng. Nay ACB vẫn duy trì kịch bản này cho đến khi nào tình hình diễn ra bình thường và ổn định hơn.
Tuy nhiên, tôi khẳng định chậm lắm đến thứ 6 (ngày 24/8) chúng tôi sẽ giải quyết các khoản vay đáp ứng nhu cầu cấp thiết của khách hàng.
* Nhiều người nói rằng ACB không cho họ rút tiền mà chỉ đưa ra lịch hẹn. Vậy, chính sách đối với những khách hàng rút tiền hiện nay như thế nào?
- Đây là biện pháp mà chúng tôi đưa ra khi xác định kịch bản phòng chống khủng hoảng. Việc chúng tôi hẹn khách hàng nhằm mục đích giúp khách hàng bình tĩnh hơn sau khi nghe quá nhiều tin đồn.
Một lần nữa, tôi muốn nói rằng ACB cam kết chi trả toàn bộ số tiền khách hàng đang để tại ACB nếu khách hàng có nhu cầu rút. Ngoài ra, để giải quyết khủng hoảng, ACB chính thức đưa ra chương trình ưu đãi cho những khách hàng gửi lại.
Theo đó, nếu khách hàng đã lỡ rút tiền trước khi đáo hạn, nay nếu gửi lại, ACB sẽ tiếp tục tính lãi suất cam kết như trước đây.
* Xin được hỏi, ông sẽ điều hành thay Tổng giám đốc trong thời gian bao lâu?
- Thực ra, từ năm 2010, HĐQT đã có Nghị quyết đào tạo đội ngũ kế thừa, trong đó có tôi. Đến tháng 6/2011 tôi được chỉ định là Phó tổng giám đốc thường trực với nhiệm vụ điều hành NH khi vắng mặt Tổng giám đốc.
ACB hoạt động trên bộ máy hoàn chỉnh, không có anh A thì anh B, C, D vẫn có thể thay thế để đảm nhiệm tốt công việc. Như vậy, với ACB, ai cũng có thể tham gia điều hành NH được, vì đây là kịch bản mà ACB đã xây dựng nhiều năm nay
Quỳnh Chi thực hiện
Doanh nhân Sài Gòn
|