Nguyên nhân nợ xấu cao: Điều Thống đốc chưa nói
Ngoài các nguyên nhân “chung chung” thì vẫn còn nhiều nguyên nhân cụ thể khác chưa được nhắc đến.
* Thống đốc lý giải nợ xấu cao
Thông tin báo chí trích dẫn nguồn từ tài liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy đến ngày 31/5/2012, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng theo số liệu của các tổ chức tín dụng (TCTD) tự công bố là 117,723 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4.47% tổng dư nợ tín dụng.
Trong đó, nợ xấu của nhóm NHTM nhà nước là 54.6 ngàn tỷ đồng, chiếm 3.96% dư nợ tín dụng của nhóm này; nhóm NHTM cổ phần là 41 ngàn tỷ đồng, chiếm 4.54% dư nợ tín dụng của nhómnày.
Mặc dù số liệu nợ xấu trên cập nhật hơn nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với con số nợ xấu theo cơ quan giám sát của NHNN. Theo NHNN, đến ngày 31/3/2012 nợ xấu của các TCTD là 202,099 tỷ đồng, chiếm 8.6% tổng dư nợ cấp tín dụng.
Trong đó, nợ xấu của nhóm NHTM nhà nước là 125.8 ngàn tỷ đồng, chiếm 10.37% dư nợ nhóm này; nhóm NHTM cổ phần là 60.9 ngàn tỷ đồng, chiếm 5.8% dư nợ của nhóm này.
Như vậy, dựa trên mức độ bao quát và toàn diện hơn từ kết quả giám sát của NHNN, có thể thấy: (1) Nợ xấu của các TCTD công bố thấp hơn quá nhiều so với số liệu của cơ quan giám sát dù chỉ cách nhau có hai tháng. Liệu có khả năng nào các TCTD đã kéo giảm được nợ xấu xuống gần một nửa chỉ trong vòng hai tháng? (2) Nợ xấu của nhóm NHTM nhà nước cao gấp đôi so với nợ xấu của nhóm NHTM cổ phần.
Nợ xấu tăng cao: Những điều Thống đốc chưa nói
Theo số liệu của NHNN, trong giai đoạn 2008 - 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân là 26.56% nhưng tốc độ tăng trưởng nợ xấu bình quân ở mức 51%. Trong 7 tháng đầu năm 2012, dư nợ chỉ tăng 1.02% nhưng nợ xấu lại tăng tới 45.5%.
Lý giải cho điều này, Thống đốc đã đưa ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân khách quan được đề cập đến là do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, các nguyên nhân chủ quan chủ yếu do năng lực điều hành, quản trị rủi ro của các TCTD. Ngoài ra, Thống đốc cũng nhắc đến năng lực thanh tra, giám sát còn hạn chế của NHNN.
Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều nguyên nhân sâu xa chưa chưa đề cập.
(1) Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” đầu tháng 7/2012, tổng số nợ của các DNNN là 1,008,000 tỷ đồng (trong khi vốn chủ sở hữu là 790,000 tỷ đồng). Con số này chiếm gần ½ tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Với những thực tế phát sinh trong nhiều năm qua, nhóm đối tượng DNNN được cho là đang chiếm tỷ lệ nợ xấu cao của hệ thống ngân hàng. Lập luận này tỏ ra khá hợp lý khi như đề cập ở trên, tỷ lệ nợ xấu ở các NHTM nhà nước là rất cao – đây cũng chính là các ngân hàng thường ưu ái trong thẩm định cho vay đối với DNNN.
Với số dư lớn và quy trình thẩm định dễ dãi, rõ ràng hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả ở khối DNNN có thể đã tác động mạnh đến tình hình nợ xấu toàn hệ thống.
NHNN cũng là cơ quan quản lý vốn nhà nước tại các ngân hàng này. Như vậy, bên cạnh vai trò của cơ quan giám sát, vai trò cổ đông nhà nước của NHNN chưa được đánh giá một cách toàn diện.
(2) Nhiều NHTM cổ phần được thành lập để phục vụ một số nhóm khách hàng ưu tiên cao. Đây là các doanh nghiệp “sân sau” hay có mối quan hệ mật thiết với các cổ đông lớn. Quy mô tín dụng cho các đối tượng này là không hề nhỏ, và sự dễ dãi cũng dễ dàng đẩy nợ xấu tăng cao; trong khi các quy định giám sát hầu như chưa thể chế tài.
(3) Trong giai đoạn tăng trưởng nóng, các lĩnh vực bất động sản và chứng khoán đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư, môt phần vì độ mở khá lớn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Bong bóng xì hơi sau đó theo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến nhiều món nợ vay “khủng” bị mắc kẹt đến ngày nay.
Việc thiếu định hướng để chạy theo lợi nhuận trước mắt khiến hệ thống ngân hàng lâm vào thế khó, tiềm ẩn rủi ro cao theo biến động của thị trường tài chính.
Giới chuyên gia cũng chưa nhận thấy vai trò điều tiết kịp thời từ cơ quan giám sát trong việc kiểm soát các khoản vay rủi ro cao, như thường thấy ở các thị trường ngân hàng phát triển.
Hoàng Vũ (Vietstock)
FFN
|