Lãi suất 10%/năm, tại sao không?
Nếu lạm phát được kiềm chế ở mức 4% - 6% thì lãi suất đầu vào có thể xuống còn 7% /năm, kéo lãi suất cho vay lùi về 10%/năm.
Hiện nay, ngân hàng (NH) huy động vốn ngắn hạn với lãi suất cao nhất là 9%/năm, dài hạn 12%/năm, cho vay ngắn hạn lãi suất 12%-13%/năm, trung và dài hạn từ 14%-15%/năm. Liệu các mức lãi suất này có thể giảm thêm trong thời gian tới?
Vẫn quá sức doanh nghiệp
Theo số liệu của NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, tính đến ngày 10-8, các NH trên địa bàn đã đưa dư nợ cho vay lãi suất từ 15%/năm trở xuống chiếm 76% tổng dư nợ cho vay.
Riêng nhóm doanh nghiệp (DN) ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, DN vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ) dư nợ cho vay đạt 65.214 tỉ đồng, lãi suất cho vay từ 11% -13%/năm, trong đó có đến 18.800 DN vừa và nhỏ đã tiếp cận được mức lãi suất vay vốn tối đa 13%/năm.
Trong khi đó, lạm phát của năm 2012 được dự báo khoảng 7%. Nếu dự báo này trở thành hiện thực thì lãi suất tiết kiệm đã thực dương làm hài lòng người gửi tiền, còn lãi suất cho vay cao hơn lãi suất đầu vào 3% phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thế nhưng, phần lớn các DN cho rằng lãi suất hiện nay vẫn còn cao so với khả năng chịu đựng của DN. Mới đây, tại hội nghị kết nối NH - DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội DN TPHCM, đề xuất NH Nhà nước có giải pháp đưa mặt bằng lãi suất cho vay về 10%/năm vì hiện nay lãi suất tại Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á, có thể triệt tiêu sức cạnh tranh của DN.
Kỳ vọng lạm phát thấp
Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng mức lãi suất 10% sẽ trở thành hiện thực nếu kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức 4% - 6%. Như thế, lãi suất đầu vào có thể xuống còn 7%/năm, kéo lãi suất cho vay lùi về 10%/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, tham chiếu tình hình kinh tế của nhiều năm trước cho thấy năm 2006 lạm phát chỉ 6,6%, lãi suất tiền gửi 8%-9%/năm, lãi suất cho vay cũng phổ biến 12%/năm. Lúc đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 8%, dư nợ tín dụng tăng 21,4%, chứng tỏ DN tiếp cận vốn NH hết sức bình thường.
Trong khi đó, 7 tháng đầu năm 2012, lạm phát, lãi suất ngang ngửa với năm 2006 nhưng dư nợ cho vay chỉ tăng 0,57%. Nguyên nhân chính là do kinh tế tăng trưởng chậm lại (6 tháng đầu năm 2012, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,38%), hàng hóa không tiêu thụ được. Từ đó, nhu cầu vay vốn NH của DN thấp.
TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, cho rằng trong 2 tháng gần đây, lạm phát đã xuống sâu, lãi suất cũng giảm mạnh, tạo điều kiện cho DN duy trì sản xuất. Thế nhưng, tại thời điểm này, do giá xăng dầu tăng khiến các hàng hóa khác có dấu hiệu tăng giá, đồng thời NH bơm tiền ra thị trường nhiều hơn, sức mua vẫn giảm… nên lạm phát trong thời gian tới có thể tăng lên.
Do đó, các bộ, ngành cần thiết kế chi tiết các giải pháp hạ lãi suất, miễn giảm, dãn thuế, giải quyết hàng tồn kho sao cho đồng bộ mới giữ lạm phát ở mức 6%. Khi đó, lãi suất sẽ giảm như DN mong muốn.
Cho vay mới, trả nợ cũ 118.538 tỉ đồng
NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết: Các NH trên địa bàn TP đã khoanh dãn nợ cho 46.425 tỉ đồng, đạt 6,2% dư nợ cho vay. Trong đó, NH Sài Gòn Thương Tín cơ cấu nợ cho 15 DN với tổng dư nợ 1.200 tỉ đồng, NH Phát triển TPHCM khoanh dãn nợ 1.109 tỉ đồng cho 134 khách hàng. Đặc biệt, NH Đông Á đã cơ cấu nợ cho 82 DN với số tiền 2.423 tỉ đồng... Ngoài ra, các NH còn cho vay mới, trả nợ cũ nhằm giảm chi phí trả lãi, tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho DN với 118.538 tỉ đồng.
|
Thy Thơ
Người lao động
|