Thứ Năm, 23/08/2012 11:25

Nới tăng trưởng tín dụng: Quan ngại “xanh vỏ, đỏ lòng”

Các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây liên tiếp đưa thông tin về việc NHNN cho phép một số ngân hàng TMCP nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh những kỳ vọng rằng đây sẽ là những tín hiệu tích cực giúp thị trường và DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay thì khá nhiều chuyên gia, DN lại cho rằng đây chỉ là chiêu thức “làm màu” và thực chất của vấn đề vẫn là “xanh vỏ, đỏ lòng”...

Diễn biến tăng trưởng tín dụng và huy động 6 tháng đầu năm từ 2009 - 2012

 

Tính đến nay đã có đến 23 ngân hàng (NH) xin NHNN được nới hạn mức tín dụng so với chỉ tiêu đã cấp từ đầu năm, trong đó có 10 NH đã được duyệt nới hạn mức với tần số nới tăng gấp 20-30 lần so với quy mô tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống trong 6 tháng đầu năm.

Có nên e ngại ?

Theo một chuyên gia Tài chính, những diễn biến của tăng trưởng tín dụng trong những đầu năm 2012 đã cho thấy, việc nới các hạn mức tăng trưởng, chưa chắc đã mang đến kết quả là dòng vốn sẽ thực sự được tuôn chảy ra thị trường theo đúng biên độ mới, rộng rãi hơn của hạn mức tín dụng. Cụ thể là trong 7 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chỉ ước đạt mức rất thấp 1% so với cuối năm 2011. Nếu tính cả số dư vào trái phiếu DN và ủy thác thì mức tăng cũng chỉ đạt xấp xỉ chưa tới 2%. NHNN khi tổng kết hoạt động bán niên của ngành cũng đã thừa nhận một trong những đặc điểm của ngành NH thời gian qua là tình hình tăng trưởng tín dụng thấp, và khả năng mở rộng tín dụng trong thời gian tới khó khăn do cầu tín dụng trong nền kinh tế thấp, DN gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn nên hạn chế khả năng hấp thụ vốn của NH. Khả năng trả nợ của DN và hộ dân suy giảm dẫn tới NH có xu hướng quy định cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro.

Như vậy, một khi tăng trưởng tín dụng yếu đã là một tình trạng mặc nhiên được thừa nhận thì việc các NH đua nhau xin nới hạn mức tín dụng vào thời gian tới, trong bối cảnh sức khỏe hấp thụ vốn của DN vẫn đang phụ thuộc vào hàng tồn kho, mà chỉ số hàng tồn kho lại chưa có sự cải thiện, thì việc có thể mang lại hiệu quả vốn thực sự cho nền kinh tế từ động thái này của các NH hay không, câu trả lời vẫn chưa rõ ràng. Vì lẽ đó, nhiều DN đã bình tĩnh nhìn nhận rằng các NH đua nhau xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, về cơ bản chủ yếu là “làm màu”, “đánh bóng” thương hiệu, hâm nóng thị trường tín dụng, đặc biệt là hâm nóng nhu cầu vay vốn từ phía DN với cảm giác nới tăng trưởng tín dụng thì việc cho vay ra sẽ dễ dàng hơn, lãi suất cũng sẽ được ưu đãi thấp hơn, hoặc là xin để làm của để dành cho giai đoạn nới lỏng tiền tệ cuối năm hoặc đầu năm tới.

Dĩ nhiên, không phải 100% các NH đua xin nới chỉ tiêu tín dụng đều có khó khăn trong hoạt động cho vay và có nhu cầu đánh bóng thương hiệu. Trong trường hợp này thì tăng trưởng tín dụng của những NH như vậy là thực chất. Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là kể cả tăng trưởng của các NH đã thực chất, không tăng ảo, thì dòng vốn được đẩy vào nền kinh tế từ khối tổ chức này vẫn chiếm tỉ lệ không cao. Chẳng hạn như với NH Đại Dương (OceanBank). Đây là ngân hàng thứ 2 công bố được tăng chỉ tiêu tín dụng 2012. Theo chỉ tiêu 17% được cấp đầu năm 2012, OceanBank đã tiêu hết 16,7% so với cuối năm 2011, tương đương mức tổng dư nợ cho vay tính đến 31/7/2012 đã đạt tới 30.169 tỉ đồng. Quota mới mà NHNN cấp cho OceanBank ngang bằng với TienPhongBank – NH đầu tiên được cấp hạn mức tín dụng mới và lên đến 27%.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là quota “đỉnh” vì một loạt các NH sau được điều chỉnh nới hạn mức tín dụng đều có con số gấp 25-30 lần so với số tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống 7 tháng đầu năm như VPBank, HDBank hay Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB). Và nếu lấy số dư nợ cuối năm 2011 của 5 NH thuộc top đầu tiên và cũng là top có quota tăng trưởng tín dụng “đỉnh” ở thời điểm hiện nay để tính, thì ước tính nền kinh tế sẽ có trên dưới khoảng 150.000 nghìn tỉ đồng được cho vay ra. So tổng dư nợ của 5 NH được duyệt cho vay trong tương lai này, với tổng dư nợ của 1 trong 4 NH lớn nhất của hệ thống NHTMCP – quốc doanh VN là Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG), BIDV, con số thực chất vẫn là kém xa.

Theo đó, 4 NH này dù chưa có sự điều chỉnh hạn mức tín dụng mới, và chỉ tiêu tăng trưởng đã đạt được trong 6 tháng cũng rất “khiêm tốn” so với chỉ tiêu được giao, thì dư nợ cho vay đều vượt gấp rưỡi hoặc gấp đôi, gấp ba con số dư nợ tương lai ước tính của cả 5 NH kể trên. Chẳng hạn, riêng tổng dư nợ của Vietcombank tính đến 31/6/2012 đã lên tới trên 214 nghìn tỉ đồng. Hay dư nợ của Vietinbank cũng là một con số trên 280 nghìn tỉ đồng. Do vậy, “chẳng có lý do gì để mà lo lắng” chính là thông điệp mà nhiều chuyên gia kinh tế muốn chuyển tải đến các DN. Còn bản thân các DN khi trao đổi với DĐDN, dù có e ngại lạm phát sẽ bị kích động quay trở lại từ việc nới lỏng hạn mức tín dụng mới này, nhưng điều họ e ngại lớn hơn, và ám ảnh hơn, vẫn là nợ xấu liệu sẽ gia tăng tới đâu, từ việc “rộng rãi” các hạn mức mới này?

Góc nhìn từ DN

Vấn đề của các DN lúc này là liệu họ có muốn vay hay không?

DN Tư nhân Trịnh Thức ở Gò Vấp TP HCM cho biết, trong thời gian, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội DN TP HCM cũng đã giới thiệu ông và nhiều DN khác chương trình hỗ trợ cho vay các DN SMEs với tổng hạn mức lên tới 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, DN ông không làm hồ sơ vay. “Lý do cơ bản là các gói hỗ trợ trong hạn mức này đều thông qua ngân hàng rót vốn. Liệu NH có vì Sở Công Thương hay Hiệp hội DN mà giảm bớt các tiêu chí, thủ tục thẩm định hồ sơ cho vay? Liệu họ có vì thế mà sẽ nêu cao tinh thần “cứu DN khó trước, ưu tiên DN tốt sau”, như mong muốn của đại đa số các DN đang khó khăn?”, ông Thức nói.

Ngoài ra, cũng theo ông Thức, theo dõi tình hình cho vay vốn trên địa bàn TP HCM thông qua hoạt động kết nối DN, NH tại các quận, cho thấy: Tỉ lệ và số vốn mà các DN đăng ký vay rất thấp. Nhận xét của ông Thức tương ứng với thực tế giải ngân của các chương trình hỗ trợ vay vốn mà Sở Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội DN TP HCM thực hiện.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, trong số 8.000 thư và email mà Hiệp hội gửi đi mời DN vay vốn trong gói hạn mức 30.000 tỉ đồng, đến hết tháng 6/2012, chỉ có 77 DN đăng ký vay với số tiền dự kiến sẽ vay đạt 2.200 tỉ đồng, tương đương khoảng 6% tổng gói cho vay được giải ngân. Ông Hưng cũng chia sẻ với DĐDN là những ngày gần đây, do đi công tác nên ông chưa cập nhật tình hình vay vốn mới của DN trên địa bàn. Tuy nhiên, ông có theo dõi thông tin về việc nới hạn mức tín dụng của các NHTM và ghi nhận ý kiến của các DN tại nhiều địa phương. Theo đó, cảm nhận và động thái chung của DN vẫn là “nằm im bất động”, DN nào có thể vay được, đạt tiêu chuẩn thì vốn dĩ đã có thể được giải ngân, DN nào yếu, kém, không kinh doanh có lãi, vẫn “cấn cái” nợ cũ thì dù các NHTM có nới hạn mức tín dụng tới bao nhiêu, họ vẫn không vay được vốn.

 

Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó TGĐ Ngân hàng Á Châu (ACB):

“Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng ACB trong thời gian qua rất chậm, có thể nói là vẫn tăng âm. Chúng tôi không xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bởi với chỉ tiêu cũ 17% dành cho NH nhóm 1, ACB vẫn còn dư địa để cho vay khá rộng. Theo thông tin được biết thì có khá nhiều NH đã xin nới hạn mức tăng trưởng từ này đến cuối năm. Cá nhân tôi cho rằng đây là những NH trước đó không có chỉ tiêu rộng rãi, nên nay xin thêm để sử dụng. Riêng ACB từ nay đến cuối năm vẫn đặt mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu đã được ấn định. Mục tiêu là vậy, nhưng có thực thi được hay không là chuyện khác. Riêng về viễn cảnh tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống trong những tháng cuối nămcòn phụ thuộc rất lớn vào kinh tế vĩ mô, sức mua của người dân trong nền kinh tế và khả năng điều chỉnh các giá cả nguyên vật liệu đầu vào cơ bản của hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và chiếm tỉ trọng lớn trong rổ tính CPI.

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM:

Việc xin nới hạn mức tín dụng của một số NH, theo tôi chủ yếu là để giải quyết thanh khoản, tháo thanh khoản. Khi nợ khó đòi đạt đến một tỉ lệ cao, hạn mức cho vay của các NH sẽ bị nghẽn và để tháo nó, bắt buộc phải nâng hạn mức tín dụng để nợ xấu, nợ khó đòi thấp đi và các NH vẫn có thể tiếp tục tháo vốn. Nhưng như vậy DN có được lợi hay không? Chưa chắc! Vì thực tế những DN đủ điều kiện được vay, đã được các NH lớn duyệt cho vay ngay. DN nào không vay được thì có thể vay mới nếu chịu được lãi suất cao, hoặc đành “chịu chết”. Có thể nói là hiện nay các NH đang đôn đáo đi tìm khách hàng DN, chứ không còn có chuyện DN đi tìm khách hàng. Một tín hiệu tốt cho DN theo đó, không nằm ở hạn mức tăng trưởng tín dụng chật hay hẹp của các NH, xét trong bối cảnh hiện nay. Được biết, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, chi tiêu công. Đây chắc chắn là tin tích cực có ý nghĩa cải thiện và tăng cường sức mua, hỗ trợ DN, giải quyết từ từ để thị trường phục hồi.



Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Xử lý sự cố thẻ ngân hàng: Cò cưa kéo nhị (23/08/2012)

>   Chủ tịch Eximbank: ông Kiên chỉ "to mồm" (23/08/2012)

>   Sức mua yếu, vốn rẻ cũng không dám vay (23/08/2012)

>   Công ty sai phạm của bầu Kiên có vốn góp ngân hàng (23/08/2012)

>   Bí ẩn “khoản phải thu khác” (23/08/2012)

>   Ai cũng có thể điều hành ACB (22/08/2012)

>   Lãi suất 10%/năm, tại sao không? (22/08/2012)

>   Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm minh tội phạm thâu tóm ngân hàng (22/08/2012)

>   NHNN sẵn sàng hỗ trợ vốn cho ACB để bảo đảm khả năng chi trả  (22/08/2012)

>   ACB đã vay 7,000 tỷ đồng trên thị trường OMO (22/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật