Giải vây nợ xấu
Nợ xấu là hậu quả của một thời trong việc quản lý kém hiệu quả. Hiện nay có hai ý kiến nên thành lập công ty mua bán nợ và một ý kiến là không. Tuy nhiên, nếu không mua bán nợ xấu thì khó có thể cứu được DN, đặc biệt là DN bất động sản.
Cần một trung tâm xử lý nợ xấu
. Phóng viên: Nhiều người ví nợ xấu là cục máu đông, là bức tường khiến cho hệ thống ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) không thể hoạt động được. Mức độ tác động của nợ xấu khiến nền kinh tế trở nên suy kiệt. Vậy ông có định nghĩa thế nào về nợ xấu?
+ TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH: Nợ xấu cũng là món nợ bình thường thôi, đơn giản nợ xấu là người đi vay mất khả năng thanh toán. Trong trường hợp này là do DN đi vay nhưng không có khả năng trả nợ vì hàng tồn kho cao, lãi suất tăng cao, mất vốn, thâm hụt tài sản, do đó không đủ tiền trả nợ và món nợ ấy thành nợ xấu.
Ngân hàng hào phóng, nợ xấu tăng cao
. Các NH dựa vào đâu để phân loại nợ xấu, thưa ông?
+ Khi DN trễ hạn sau chín ngày thì NH không xem là nợ xấu vì có thể là do trục trặc, chậm trễ giấy tờ... Nhưng trễ nợ từ chín đến 90 ngày thì bị NH đưa vào thành nợ nhóm 2. Và từ ngày thứ 91 đến 180 thì thành nợ nhóm 3. Từ ngày thứ 181 đến 360 thành nợ nhóm 4. Từ ngày thứ 360 trở đi thành nợ nhóm 5. Càng trễ hạn thì DN đó càng bị xếp vào nhóm nợ xấu cao hơn. Đặc biệt, anh nào trễ một năm thì coi như nợ mất vốn và ngân hàng phải trích lập dự phòng nợ xấu 100%.
. Vậy lỗi có thể nằm từ cả hai phía DN và NH đúng không?
+ Đúng vậy, NH cũng có trách nhiệm trong vấn đề xem xét hồ sơ của đối tượng vay… Bởi mấy năm trước NH đã từng hào phóng khi cho vay và bỏ qua rất nhiều điều kiện và các tiêu chí căn bản trong việc cho vay. Phía DN cũng đương nhiên phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, ngoài NH, DN có trách nhiệm cho nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đâu đó tác động vào nợ xấu trong điều hành chính sách tiền tệ để lãi suất có lúc tăng lên 20% nâng chi phí vốn vượt ngoài khả năng chi trả của nhiều DN. Ngay cả người dân và các DN cũng có đóng góp vào nợ xấu khi gửi lãi suất cao, vượt trần lên đến 18%, 19%. Và khi NH chiều lòng khách hàng huy động cao thì khi cho vay cũng phải cho vay cao. Có thể nói hầu như tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong vấn đề nợ xấu.
Nợ xấu ăn mòn vào vốn
. Con số báo cáo nợ xấu là 8,6% nhưng lãnh đạo NHHN lại cho rằng nợ xấu là 10%. Còn một số tổ chức nước ngoài thì cho rằng nợ xấu của Việt Nam thì cao hơn nhiều. Vậy theo ông thì nợ xấu của nước ta đang nằm ở đâu?
+ Thanh tra NHNN tính nợ xấu đến cuối tháng 3 của toàn hệ thống là 8,6%. Thống đốc NHNN cho biết nợ xấu là 10%. Tại thời điểm thống đốc NHNN công bố là tháng 7. Như vậy, trong hai tháng nợ xấu tăng khoảng gần 2%, vậy con số 10% đáng tin cậy nhất.
. Ông từng nói khi nợ xấu quá lớn và tình trạng này tiếp tục sợ rằng đến cuối năm vốn chủ sở của NH bị tiêu hủy đi rất nhiều. Xin ông phân tích thêm về điều này?
+ Nợ xấu của nước ta đã phát sinh từ những năm trước và dồn lại cho đến nay nhưng được che giấu dưới nhiều cách hạch toán và công cụ tài chính, bây giờ nền kinh tế gặp khó khăn nên tình hình tệ hơn và nợ xấu lộ ra rõ hơn. Hơn nữa, DN năm trước còn có sức để trả nợ, năm nay yếu quá thì gặp khó khăn. Thành ra mỗi ngày qua đi, chúng ta đã không giải quyết được nợ cũ mà còn sinh ra nợ xấu mới. Theo nguyên tắc, đến lúc nào đó nợ xấu tăng quá cao thì nó sẽ tiêu hủy toàn bộ vốn chủ sở hữu NH. Nợ xấu là 10% của tổng dư nợ, hiện nay đang tác động tiêu cực đến khoảng 1/4 vốn chủ sở hữu của NH. Tình trạng này tiếp tục sợ rằng đến cuối năm vốn chủ sở hữu của NH bị tiêu hủy đi rất nhiều.
Thành lập công ty mua bán nợ hay để NH tự lo?
. Nợ xấu lớn như vậy theo ông thì nên thành lập công ty mua bán nợ hay để tự NH giải quyết?
+ Thực ra hiện tại dư luận có nhiều người không đồng tình việc thiết lập công ty mua bán nợ quốc gia. Nhưng theo tôi không còn cách nào khác là phải thành lập công ty mua bán nợ quốc gia. Không thể để các NH tự xử lý vì nợ xấu quá lớn đang ảnh hưởng đến quốc gia. Và đến cuối cùng Nhà nước cũng vẫn phải thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để kéo cục máu đông ra khỏi hệ thống NH thôi. Tất nhiên, vốn của nó ít nhất là 100.000 tỉ đồng.
. Số tiền này sẽ lấy từ đâu thưa ông?
+ Chính phủ sẽ bỏ ra khoảng 50%, ngân hàng thương mại (NHTM) cũng có trách nhiệm nợ xấu nên phải tham gia với tỉ lệ góp vốn tối thiểu 20% và 30% là từ các nguồn khác. Cụ thể 30% này chúng ta có thể kêu gọi các định chế tài chính quốc tế cũng có thể mời gọi đóng góp vào quỹ này. Các định chế tài chính có nhiều hình thức đóng góp như hỗ trợ hoặc cho vay... Tôi nghĩ họ sẵn sàng giúp chính phủ Việt Nam vì ai cũng nhìn thấy hệ thống NH phải tái cơ cấu. Không tái cơ cấu sẽ đi đến khủng hoảng nghiêm trọng.
. Mua bán là công việc mang tính rủi ro, mà NHNN hay Bộ Tài chính không phải là đơn vị kinh doanh để chịu rủi ro này. Nếu làm chúng ta phải chấp nhận mất đi nhiều tiền?
+ Đúng vậy, mua nợ xấu là rủi ro lớn và chúng ta phải chấp nhận hy sinh mất một khoản tiền. Ví dụ số tiền 100.000 tỉ đồng thì mình phải tính tới kịch bản mất đi một nửa. Còn một nửa mình thu hồi được nhưng có lẽ đó là cái giá mình phải trả để tạo sự ổn định cho ngành NH. Để NH xử lý, nợ xấu cứ tăng thì rủi ro bội phần. Mà hiện tại khoảng 40% nợ xấu đã trở thành thiệt hại rồi chứ không phải rủi ro nữa. Nếu để nợ xấu không được xử lý dứt điểm thì mỗi ngày qua đi là một món nợ xấu nào đó sẽ trở thành nợ mất vốn thật sự.
. Vậy theo ông NHNN nên chủ trì việc công ty mua bán nợ quốc gia?
+ Đúng vậy, NHNN nên chủ trì thành lập công ty mua bán nợ quốc gia nhưng NHNN không sở hữu công ty này. Nghĩa là công ty này có vốn của Nhà nước mà NHNN đứng ra làm đầu mối và cần có đóng góp của các bộ như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương… NHTM cũng đóng góp một phần như đã nói ở trên. Khối lượng tài sản của công ty mua bán nợ quốc gia là những món nợ xấu mua lại từ các NH và được tiếp tục thu hồi hay xử lý. Có lẽ đó là cách giải quyết hữu hiệu nhất để tránh khủng hoảng tài chính xảy ra.
GS-TS Nguyễn Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM:
Phát hành tiền để mua nợ xấu
Hiện nay có những DN nợ NH mỗi ngày lên đến vài chục tỉ đồng. Với khoản lãi này trong điều kiện hiện nay làm sao DN trả nổi.
Ngay cả việc thành lập công ty mua bán nợ cũng có hai quan điểm. Công ty này do Chính phủ đứng ra, hai là hãy để tư nhân làm. Tuy nhiên, trường hợp để tư nhân làm ở nước ta có lẽ khó thực hiện, bởi vậy công ty này trực thuộc Chính phủ là phù hợp.
Vấn đề còn lại là tiền ở đâu ra. một là Nhà nước phát hành tiền để mua nợ xấu. Hai là mình rót từ ngân sách của Nhà nước chuyển qua công ty mua bán nợ. Công ty mua bán nợ sẽ mua hết của DN.
Ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội:
Đặt công ty mua bán nợ trong bối cảnh mỗi nước
Thành lập công ty mua bán nợ quốc gia là một ý tưởng hay nếu chúng ta thực hiện được. Trên thế giới, các NH được hoạt động theo cơ chế thị trường, nên khi tiến hành xử lý nợ xấu thông qua việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia cũng sẽ thuận lợi hơn.
Còn ở nước ta, cần phải đặt công ty mua bán nợ quốc gia trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay, pháp luật cũng như thói quen văn hóa của người Việt.
Bài học xử lý nợ xấu trên thế giới
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, tại Mỹ năm 2008, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chủ trì và quản lý một chương trình giải tỏa tài sản xấu dưới tên TARP với số tiền khởi đầu là 700 tỉ USD được Quốc hội Mỹ thông qua để mua nợ xấu của các NHTM và tái cấp vốn cho NH. Nói cách khác, họ mua lại các tài sản độc hại từ các NH, đồng thời giúp tái tạo lại sức khỏe tài chính cho các NH.
Ở Hàn Quốc, năm 1998 họ lập ra một công ty của chính phủ gọi là KAMCO. Ở Thái Lan, chính phủ thành lập TAMC. Ở Indonesia, chính phủ thành lập Indonesia Bank Restructuring Agency (IBRA) và Malaysia thành lập DANAHARTA. Nói chung, khi các nước xử lý nợ trên tầm mức khủng khoảng quốc gia, thì chính phủ phải đứng ra thành lập một định chế và dùng ngân sách của chính phủ để xử lý nợ xấu. Đó cũng là cái giá phải trả.
|
Yên Trang thực hiện
Pháp luật TP
|