Thứ Sáu, 03/08/2012 13:30

Trả giá sòng phẳng khi đặt quan hệ tín dụng

Mức lãi suất (LS) các khoản cho vay cũ đang cao đến 18-20%/năm, nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã quyết định ngay trong tháng 7.2012 các tổ chức tín dụng (TCTD) phải đưa về 15%/năm. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đáng lẽ lãi suất còn phải giảm hơn nữa. Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia NH Ngô Ngọc Tuấn về vấn đề này.

Lãi suất (LS) cho các khoản vay cũ giảm từ 3-5%. Thế nhưng một số ý kiến cho rằng mức giảm còn quá nhẹ. Ông lý giải điều này ra sao?

- Việc giảm LS 3% - 5% có thể thấy là không lớn. Nhưng tính trên số tương đối là kéo LS từ 16,6% - 25% xuống thấp như hiện nay sẽ thấy nó có lớn hay không. Bất cứ một loại hàng hóa không thuộc diện “tồn kho, kém, mất phẩm chất” lại đang rất “hot” trên thị trường mà lại giảm giá ở mức như thế này là mức giảm ấn tượng.

Có người nói rằng, với mục tiêu lạm phát 8%/năm thì ở thời điểm hiện tại chỉ nên để trần LS huy động VND 5-6% và trần LS cho vay chỉ tối đa là 11%/năm, theo ông liệu có khả thi trong bối cảnh kinh tế và thị trường tiền tệ hiện nay?

- Với nền kinh tế trì trệ thì lạm phát ở mức độ nhất định được xem là dầu nhớt bôi trơn cho cỗ xe kinh tế vận hành trôi chảy, nhưng khi xảy ra lạm phát phi mã thì thật sự là thảm họa. Nhưng VN đang có dấu hiệu “lạm suy” hay có nhà kinh tế còn gọi là “đình lạm” đó là vừa lạm phát lại vừa suy thoái. Đẩy mạnh chi đầu tư công từ nay đến cuối năm, nếu làm không tốt sẽ có thể khiến cho lạm phát cao bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, thanh khoản của các NHTM tuy đã được cải thiện nhiều so với trước, nhưng căn bản vẫn chưa chữa trị dứt điểm được vì số nợ xấu lớn nhưng khả năng thu hồi thấp, việc thu hồi lại mất rất nhiều thời gian. Với những rủi ro tiềm tàng lớn như vậy, buộc các NHTM phải tính toán và không lãnh đạo NHTM nào dám đi tiên phong hạ LS huy động thêm 30% - 45% so với mức LS huy động hiện tại, vì người gửi tiền mà cảm thấy lãi không đảm bảo cho việc bảo toàn giá trị, thì họ sẽ chuyển sang bảo toàn giá trị bằng vàng hoặc ngoại tệ mạnh. Như thế sẽ khiến cho việc dịch chuyển lớn tiền gửi ở NHTM, cho nên tôi đánh giá dư địa của tác động chính sách bằng biện pháp hành chính đối với LS huy động của các NHTM không còn nhiều, nếu có thì chỉ nên ở mức giảm 10% - 15% so với mức LS hiện nay mà thôi. Nhưng với các DN, để biết mình có phải là khách hàng thuộc diện ưu đãi đặc biệt của NHTM hay không, DN cứ mạnh dạn trả giá sòng phẳng khi đặt quan hệ tín dụng, đừng ngại. Nếu xét trong tổng thể nền kinh tế, LS cho vay thời gian tới vẫn sẽ còn giảm, và một trong những nguyên nhân là vì nhu cầu vay không cao do sản xuất làm ra rất khó bán, hàng tồn kho vẫn tăng lên.

Có ý kiến quy trách nhiệm các NHTM cho vay LS quá cao khiến nền kinh tế lún sâu vào khủng hoảng, quan điểm của ông thế nào?

- Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này được đánh giá là rất lớn, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu đã chạm đáy. Với những sự bất cập của kinh tế Việt Nam, cộng thêm tác nhân xấu từ bên ngoài ảnh hưởng thì khủng hoảng kinh tế của Việt Nam lại càng trầm trọng thêm. Khi NHNN sử dụng chính sách tiền tệ để chống khủng hoảng, LS cho vay của các NHTM phải biến thiên theo mức độ của chính sách và rủi ro của thị trường là một tất yếu. Trong khủng hoảng kinh tế, LS cho vay sẽ ở "đỉnh" so với tất cả các thời kỳ của một chu kỳ kinh tế;

Khi NHNN thực hiện chính sách tiền tệ kết hợp một số biện pháp hành chính để chống lạm phát, chỉ trong thời gian ngắn kinh tế vĩ mô đã có nhiều biến chuyển tích cực, chẳng hạn tăng được dự trữ ngoại hối của quốc gia, ổn định được tỉ giá, củng cố sức mạnh của hệ thống NHTM, LS đang giảm dần... Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chấp nhận "tác dụng phụ" không mong muốn của của "phương thuốc đắng" trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá vừa qua, đó chính là "thuốc đắng dã tật". Thông tin hiện nay rất nhiều DN bị khó khăn khi vay vốn NH, hay vay được vốn NH thì LS quá cao, không hể chịu đựng nổi... Tuy nhiên, cũng có thể thấy DN hiện nay rất thiếu sự hỗ trợ của các ngành có liên quan. Một nền kinh tế lâu nay định hướng vào XK, nặng về gia công mà thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước đều bị suy giảm sức mua, không tăng thêm được thị trường mới... Trong bối cảnh như thế thì DN có vốn vẫn không giải quyết được bởi vấn đề cốt tử là biến hàng hoá thành tiền.

Nguyễn Minh thực hiện

lao động

Các tin tức khác

>   ANZ: Việt Nam có thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ (03/08/2012)

>   “Hạ lãi suất không phải là "cây gậy thần"" (03/08/2012)

>   Đến 27/07, có 28 ngân hàng giảm lãi vay cũ về 15%/năm (03/08/2012)

>   Thu hồi hàng trăm hối phiếu giả có nguồn gốc từ Trung Quốc (03/08/2012)

>   Lập danh sách “đen” khách hàng gửi tiền (03/08/2012)

>   Vietcombank tăng lãi suất huy động VNĐ (03/08/2012)

>   MBB: Moody’s xếp hạng tín nhiệm độc lập ở mức “E+” (03/08/2012)

>   “Bức tranh” ngân hàng Việt Nam đến tháng 6 có gì mới? (03/08/2012)

>   Ngân hàng được đề xuất mức thu phí ATM nội mạng (03/08/2012)

>   Xử lý nợ xấu: Rủi ro nhiều, dự phòng ít (03/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật