Thứ Sáu, 03/08/2012 21:40

“Giảm lãi suất cho vay: Phải tính toán thận trọng”

Tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm của hệ thống ngân hàng đến ngày 27-7-2012 đã giảm được 50% so với trước ngày 15/7/2012, và vẫn đang tiếp tục giảm. Tuy nhiên, có ý kiến cần giảm ngay lãi suất của tất cả các khoản cho vay xuống dưới 10%/năm.

Với đề xuất này, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho rằng: “Việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn là yêu cầu thực tiễn nhưng giảm đến mức nào thì cần phải tính toán hết sức thận trọng trên nhiều khía cạnh”.

Tại sao NHNN không quy định trần lãi suất cho vay áp dụng chung cho tất cả các đối tượng khách hàng?

Bà Nguyễn Thị Hồng: Vì như thế sẽ dẫn đến tình trạng cào bằng lãi suất cho vay, không phân biệt được các đối tượng cần khuyến khích và đối tượng không khuyến khích. Để giảm mặt bằng lãi suất và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, NHNN chỉ quy định lãi suất cho vay đối với khoản cho vay mới thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ) tối đa là 13%/năm. Lãi suất cho vay đối với các khoản mới được xác định trên cơ sở lãi suất huy động mới (hiện nay tối đa là 9%/năm). Trên thực tế, lãi suất cho vay tới các đối tượng này đã giảm xuống mức khá thấp, như lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên phổ biến 10-13%/năm (một số ngân hàng áp dụng lãi suất dưới 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn xuất khẩu kèm theo cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng), đối với lĩnh vực kinh doanh khác và tiêu dùng phổ biến 13-14%, các khoản vay thuộc lĩnh vực không ưu tiên phổ biến là 15%/năm, trên 15%/năm chỉ chiếm tỷ trọng không đáng kể áp dụng cho các khoản vay rủi ro cao.

Một số ý kiến cho rằng việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ xuống mức tối đa là 15%/năm không phải là văn bản quy phạm pháp luật?

Bà Nguyễn Thị Hồng: Trong điều kiện sản xuất - kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, hàng hoá tồn kho lớn và khó tiêu thụ, các doanh nghiệp và người dân khó trả nợ khoản vay cũ để vay mới với lãi suất thấp. Để góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất - kinh doanh, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối năm 2012, Thống đốc NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ xuống mức tối đa là 15%/năm. Giải pháp này được thể hiện bằng văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thống đốc NHNN (Thông báo số 198/TB-VP ngày 9/7/2012), không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là sự đồng lòng của toàn ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Mặt khác, hợp đồng tín dụng được lập trên cơ sở thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng theo nguyên tắc giao kết dân sự, nên việc điều chỉnh lãi suất cho vay là điều chỉnh điều khoản trong hợp đồng tín dụng và cần có sự thỏa thuận của bên vay với bên cho vay, không thể là mệnh lệnh hành chính của NHNN thông qua việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hồi tố việc giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ.

Trên thực tế, sau hai tuần, tất cả các NHTM đã ban hành văn bản hướng dẫn và chỉ đạo quyết liệt việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cũ xuống mức tối đa là 15%/năm. Tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm đến ngày 27/7/2012 đã giảm được 50% so với trước ngày 15/7/2012 (Trước ngày 15/7 tỷ trọng dư nợ cho vay lãi suất trên 15%/năm khoảng 65%, đến ngày 27/7 giảm mạnh xuống còn 33 %), đến nay hầu hết các khoản vay tại ngân hàng thương mại nhà nước đã được điều chỉnh giảm xuống mức tối đa 15%/năm, các ngân hàng khác đang tích cực rà soát để tiếp tục điều chỉnh trong các ngày tới.

Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng lãi suất của các khoản vay mới cần giảm thấp hơn, thậm chí dưới 10% kể cả các khoản cho vay cũ, ý kiến của bà về việc này thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hồng: Việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn là yêu cầu thực tiễn, nhưng giảm đến mức nào thì cần phải tính toán hết sức thận trọng trên nhiều khía cạnh như sau:

Thứ nhất, lãi suất cho vay cần được xác định trên cơ sở đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người gửi tiền, người vay tiền và các tổ chức tín dụng. Với mức lãi suất cho vay ở mức 8-10%/năm thì kỳ vọng lạm phát phải ở mức khoảng 4-5%, theo đó lãi suất huy động phải vào khoảng 6-7%. Mặc dù lạm phát tháng 7/2012 so với cùng kỳ là năm 2011 là 5,35%, nhưng với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân, ứng trước chi ngân sách trong năm 2013, và mở rộng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2012 thì kỳ vọng lạm phát vẫn vào khoảng 7-8%, theo đó lãi suất huy động như quy định hiện nay là phù hợp. Với mức lãi suất huy động như hiện nay mà các ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống dưới 10%/năm sẽ không đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng thương mại (cũng là một loại hình doanh nghiệp). Việc giảm sút lợi nhuận kinh doanh của ngân hàng cũng là một yếu tố bất lợi đến độ tín nhiệm của hệ thống tài chính, theo đó ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thứ hai, lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ được cân đối từ nguồn huy động cũ với mức lãi suất cao trước đây (lãi suất huy động đầu vào tính cả dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh toán, trích lập dự phòng rủi ro... khoảng 13%/năm, chưa kể một số ngân hàng có lãi suất huy động cao hơn), nên các ngân hàng có tỷ trọng các khoản cho vay cũ lớn giảm lãi suất xuống tối đa 15%/năm sẽ gặp khó khăn về nguồn tài chính để bù đắp cho các chi phí đầu vào. Như thế, việc điều chỉnh lãi suất xuống tối đa 15%/năm là một sự cố gắng lớn của cả hệ thống ngân hàng để chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và người dân trong thời điểm hiện nay.

Thứ ba, nếu so sánh lãi suất cho vay bằng đồng nội tệ của nước ta với nhiều nước phát triển khác, thì đó là một sự so sánh khập khiễng. Việt Nam là nước đang phát triển, lạm phát thường ở mức cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới, khả năng huy động vốn từ tổ chức, cá nhân trong nước để cho vay đối với nền kinh tế còn hạn chế, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay ngân hàng..., nên việc điều hành lãi suất cần đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền, tổ chức tín dụng và khách hàng vay, phù hợp với diễn biến của nền kinh tế và tiền tệ để đảm bảo kiềm chế lạm phát.

Nguyễn Minh thực hiện

tbktsg

Các tin tức khác

>   Giảm lãi suất, VCB “mất” khoảng 1.550 tỷ đồng (03/08/2012)

>   Luật phá sản 2004: Biến chủ nợ có bảo đảm… thành không (03/08/2012)

>   VietinBank hỗ trợ tín dụng vay mua nhà tại 3 dự án lớn của Vingroup (03/08/2012)

>   Trả giá sòng phẳng khi đặt quan hệ tín dụng (03/08/2012)

>   ANZ: Việt Nam có thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ (03/08/2012)

>   “Hạ lãi suất không phải là "cây gậy thần"" (03/08/2012)

>   Đến 27/07, có 28 ngân hàng giảm lãi vay cũ về 15%/năm (03/08/2012)

>   Thu hồi hàng trăm hối phiếu giả có nguồn gốc từ Trung Quốc (03/08/2012)

>   Lập danh sách “đen” khách hàng gửi tiền (03/08/2012)

>   Vietcombank tăng lãi suất huy động VNĐ (03/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật