Fitch Ratings cảnh báo các ngân hàng châu Á
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings vừa đưa ra cảnh báo có thể sẽ hạ xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng khu vực châu Á-TBD. Tại sao Fitch lại đưa ra những cảnh báo này?
Phóng viên bản tin Tài chính Kinh doanh đã trao đổi nhanh qua điện thoại với bà Sabine Bauer, Giám đốc mảng xếp hạng tín nhiệm lĩnh vực tài chính ngân hàng của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tại Hong Kong. Bà Bauer đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm chính soạn thảo bản báo cáo mới nhất về hệ thống ngân hàng châu Á-TBD vừa công bố của Fitch.
Trong báo cáo mới nhất của mình, Fitch Rating cảnh báo có thể sẽ hạ tín nhiệm của các ngân hàng châu Á trong thời gian tới. Vậy lý do là gì thưa bà?
Bà Sabine Bauer: Nợ xấu của các ngân hàng đang tăng cao do đã có một thời gian dài trước đó tăng trưởng tín dụng quá nhanh tại các nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ. Các ngân hàng dễ dàng với các điều kiện cho vay, nhất là các khoản vay bất động sản, các dự án không hiệu quả, dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng cao.
Đấy là những hệ quả từ quá khứ, còn những cái mà chúng tôi đang nhìn thấy, đó là tín dụng của khu vực tư nhân sẽ tăng trưởng nhảy vọt trong năm nay, sẽ chạm tới mức đỉnh 148% GDP, tức là gần với mức cao nhất 150% trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á 1998. Tăng trưởng nợ nhanh như vậy, nhưng lại ở trong một môi trường kinh tế nhiều biến động, sự đi xuống quá nhanh của nền kinh tế Trung Quốc thực sự đáng lo ngại. Nếu kinh tế tiếp tục đi xuống, các thành phần kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, và lúc đó cả hệ thống ngân hàng khu vực sẽ phải gánh chịu hậu quả. Đó là rủi ro nhìn thấy trước.
Cách đây khoảng 3 tháng, trong lần trả lời phỏng vấn bản tin Tài chính Kinh doanh, Fitch vẫn khẳng định là hệ thống ngân hàng châu Á ổn định. Bản báo cáo lần này thể hiện rằng Fitch đã thay đổi nhận định?
Bà Sabine Bauer: Cho đến giờ chúng tôi vẫn khẳng định các ngân hàng châu Á luôn có một nền tảng vững vàng hơn cả so với các ngân hàng châu Âu, nhưng tôi xin nhắc lại là chúng tôi đã nhìn thấy những rủi ro, đó là rủi ro từ bản thân các ngân hàng và rủi ro từ sự giảm tốc quá mạnh của các nền kinh tế. Các ngân hàng tại các thị trường như Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Indonesia, Mông Cổ và Sri Lanka rơi vào nhóm rủi ro cao, trong đó đáng lo ngại hơn cả là Trung Quốc.
Vậy các ngân hàng châu Á có thể làm gì để chống đỡ lại nguy cơ hạ xếp hạng từ Fitch hay không?
Bà Sabine Bauer: Chúng tôi không phải ngay lập tức hạ xếp hạng các ngân hàng châu Á và chúng tôi cũng không khẳng định về một thời điểm cụ thể là khi nào sẽ hạ tín nhiệm. Hiện tại mới chỉ là những cảnh báo, các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng từ việc kinh tế suy giảm và đó là điều không thể chống đỡ. Nhưng bản thân các ngân hàng thì hoàn toàn có thể tự tạo một tấm khiên cho mình, bằng cách kiểm soát chặt chẽ việc cho vay, đồng thời mỗi ngân hàng hãy chuẩn bị một nguồn vốn đủ mạnh để xoay sở được trước những biến động khó lường từ nền kinh tế cả trong và ngoài nước.
Xin cảm ơn bà!
Trần Hà
vtv
|