Thứ Tư, 08/08/2012 15:31

Bài học Nhật Bản cho Âu châu và Mỹ

Sau 5 năm khủng hoảng, châu Âu có nguy cơ sa vào “vũng lầy” kinh tế kiểu Nhật Bản.

5 năm trước, mọi thứ vẫn có vẻ là màu hồng. Trong tuần đầu của tháng 8 năm 2007, các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương lớn đều dự báo mức tăng trưởng từ 2 – 3% cho Mỹ và châu Âu. Nhưng đến ngày 9/8/2007, tất cả đã thay đổi. Một ngân hàng của Pháp mang tên BNP Paribas đã công bố lỗ lớn trên những khoản đầu tư vào các tài sản nợ dưới chuẩn. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã buộc phải bơm ra 95 tỷ euro, tương đương 130 tỷ USD để hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng. Cuộc khủng hoảng bắt đầu.

Trong suốt năm đầu của cuộc khủng hoảng, các nhà làm chính sách đã nhìn vào Nhật Bản như là một sự chỉ dẫn, hoặc hơn thế, là một cảnh báo. Bong bóng nợ của Nhật Bản đã gây ra một “thập kỷ mất mát”, từ năm 1991 đến năm 2001, cho nền kinh tế nước này. Các nhà phân tích đã rút ra được 3 bài học để tránh lặp lại bi cảnh như Nhật Bản, gồm: thứ nhất, hành động nhanh chóng; thứ hai, làm sạch các bảng cân đối kế toán; và thứ ba, đưa ra gói kích thích kinh tế táo bạo.

Trở lại với các nền kinh tế phương Tây. Nợ nần theo năm tháng ngày càng nhiều hơn. Với người tiêu dùng Mỹ, mức nợ là khoảng 70% GDP vào năm 2000 và đã tăng xấp xỉ 4 điểm phần trăm mỗi năm lên gần 100% GDP vào năm 2007. Hoàn cảnh tương tự cũng xuất hiện với các ngân hàng và chính phủ châu Âu.

Cuộc khủng hoảng chuyển sang cấp độ mới khi mọi người nhận ra rằng, “con virus” tín dụng dưới chuẩn đã phát tán trên diện rộng. Rất nhiều tài sản chỉ có giá thị trường thấp hơn nhiều mức mà chúng được trả trước đó. Các tài sản nợ trở nên bất ổn và lãi suất bắt đầu leo thang. Điều này có nghĩa rằng, các chính phủ, người tiêu dùng và ngân hàng, sau khi ôm thêm nợ hàng ngày, bất thình lình đối mặt với chi phí nợ cao hơn rất nhiều.

Các nhà làm chính sách đã có những phản ứng nhanh chóng. Vào cuối năm 2008, Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cắt giảm các lãi suất chính thức. Mục tiêu là để gánh đỡ một phần chi phí nợ phụ trội mà các công ty và nhà tiêu dùng phải chịu. Những hành động này tuân theo đúng công thức phản ứng rút ra từ Nhật Bản. Dường như, bài học thứ nhất đã được tiếp thu.

Việc giá cả các tài sản giảm xuống đồng nghĩa với nhiều ngân hàng và doanh nghiệp có nợ lớn hơn tài sản. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, nhiệm vụ tiếp theo là phải xếp lại các bảng cân đối đã bị xô lệch này. Có 3 lựa chọn: đàm phán lại nợ, tăng vốn hoặc phá sản.

Trong những nỗ lực khôi phục lại các bảng cân đối, các ngân hàng và doanh nghiệp đã phải bán bớt tài sản để trang trải nợ. Song hành động này dĩ nhiên làm cho giá tài sản giảm xuống và dần ăn vào vốn. Không lâu sau, tấm đệm vốn cũng trở nên quá mỏng, buộc các chính phủ phải vào cuộc. Cả hai chính phủ Mỹ và châu Âu đều đứng đằng sau khu vực tài chính của họ. Các bảng cân đối được sửa chữa. Vậy là bài học thứ hai dường như cũng đã được lĩnh hội.

Nhưng việc làm sạch các bảng cân đối kế toán thực chất chỉ là hành động “đánh bùn sang ao”. Để có tiền bơm vốn cho các ngân hàng, các chính phủ đã phải xoay tiền từ chỗ khác – phát hành trái phiếu. Nói cách khác, nợ tư của các ngân hàng đã được trả đậy bằng nợ công. Tại Mỹ, con số hỗ trợ này tương đương 5% GDP, còn tại Anh là 9% GDP.

Bài học thứ ba từ Nhật Bản là phải tìm cách kích thích nền kinh tế một cách mạnh mẽ, theo lẽ: trong một nền kinh tế tăng trưởng, “chúa chổm” không hẳn là vấn đề. Món nợ lớn sẽ chẳng đáng băn khoăn, chừng nào thu nhập của lao động chính trong gia đình vẫn trang trải được các chi phí sinh hoạt, trả được lãi và có phần dành dụm để sẵn sàng trả gốc. Ngay cả lạm phát cũng có ích của nó, khi mà số nợ (gồm cả lãi suất) đã được cố định, còn tiền công thì có thể tăng.

Theo gương Nhật Bản, các ngân hàng trung ương lần lượt kích hoạt những gói “nới lỏng định lượng” (QE) - mua trái phiếu để tạo ra dòng tiền mới. Hành động này nhằm lái giá trái phiếu tăng lên, giảm lợi suất và đưa tình trạng nợ vào tầm kiểm soát. Các chương trình QE này thậm chí còn táo bạo hơn cả Nhật Bản và trên thực tế, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp đã được hạ thấp.

Tuy nhiên, dù cho các nhà làm chính sách phương Tây đã học được một vài bài học từ Nhật Bản, vẫn có những lý do để lo lắng về 5 năm tới. Tại Anh và Mỹ, có hai vấn đề chính. Thứ nhất, việc kích thích tài khóa có thể không đủ mạnh và có thể bị rút lại (ở Anh) trước khi nền kinh tế tự đi được trên đôi chân của mình. Và sau khi cứu trợ các ngân hàng, các chính phủ buộc phải cắt giảm thâm hụt ngân sách, tiết giảm chi tiêu.

Thứ hai, các gói cứu trợ từ chính phủ có thể phải trả giá về dài hạn. Trong một số trường hợp, các bảng cân đối kế toán có vấn đề là dấu hiệu của một mô hình kinh doanh đã lỗi thời, nên phá sản hóa ra lại là cách hay, giúp tẩy rửa khỏi nền kinh tế những doanh nghiệp phi hiệu quả. Nhật Bản đã giữ lại quá nhiều doanh nghiệp tồi. Và hiện tại, đang có những dấu hiệu cho thấy, Mỹ và Anh cũng làm điều tương tự.

Khu vực đồng euro còn ở vào tình trạng nguy hiểm hơn. Tốc độ phục hồi của khu vực này cho đến nay là quá chán nản, còn tương lai thì mù mịt. Đầu tháng 8 này, những dữ liệu mới nhất cho thấy, khu vực sản xuất của cả Đức, Pháp và Ý đã cùng co lại với một tỷ lệ như nhau.

Quang Huy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Italy thông qua việc cắt giảm chi tiêu công 26 tỷ euro (08/08/2012)

>   Các ngân hàng trung ương không còn là "vị cứu tinh" (08/08/2012)

>   Trung Quốc sắp “vỡ” kiểu Mỹ? (08/08/2012)

>   S&P: 7 tỷ EUR mới cứu được Hy Lạp trong năm 2012 (08/08/2012)

>   Đức ủng hộ ECB kế hoạch mua trái phiếu (07/08/2012)

>   Người dân và doanh nghiệp Mỹ vẫn gặp khó khăn (07/08/2012)

>   Deloitte bị nghi tiếp tay cho Standard Chartered rửa tiền (07/08/2012)

>   Nhật kéo dài chương trình cho vay bằng đồng USD (07/08/2012)

>   Hy Lạp thúc đẩy tư nhân hóa để được nhận cứu trợ (07/08/2012)

>   Standard Chartered phủ nhận có giao dịch với Iran (07/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật