Trung Quốc sắp “vỡ” kiểu Mỹ?
Tận dụng tâm lý ham làm giàu nhưng thiếu hiểu biết, các quỹ tín thác của Trung Quốc đang huy động một lượng vốn khổng lồ để đổ vào các dự án rủi ro cao.
Tại Trung Quốc hiện đang có một công cụ đầu tư rất được ưa chuộng được biết đến dưới cái tên Kim Tượng số 38. Người mua sản phẩm này được các công ty hứa hẹn trả lãi 7,2%/năm. So với lãi suất chỉ 3,5% của tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, đây rõ ràng là một lời đề nghị quá hấp dẫn.
Nguồn vốn huy động được các công ty đổ vào đâu? Hầu hết là các dự án bất động sản hoặc các dự án rủi ro cao. Vậy nhưng không một bản giới thiệu sản phẩm nào đề cập đến tình hình sử dụng vốn hay các tài sản bảo đảm cho khoản huy động là gì.
Thực tế rằng không ít dự án sử dụng nguồn vốn này hiện chỉ là những khu nhà hoang, ế ẩm. Tại thị trấn Taihe, có một khu dự án nhà thu nhập thấp nằm cuối một con đường lầy lội giữa những cách đồng lúa tại một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. “Họ thậm chí còn chưa làm được một con đường tử tế ở đây”, Li Chun, một thợ sửa xe sống cạnh dự án cho biết.
Kim Tượng số 38 cũng chỉ là một trong số hàng nghìn sản phẩm quản lý tài sản – các công cụ đầu tư dành cho những nhà đầu tư giàu có – đang phát triển bùng nổ tại Trung Quốc trong 5 năm gần đây. Theo số liệu của công ty tư vấn quản lý tài sản CN Benefit, trong nửa đầu năm nay, doanh thu của ngành này tăng tới 43%, dạt 12,14 nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 1900 tỷ USD.
Những sản phẩm này thường được tạo ra bởi hệ thống “tín dụng đen” tại Trung Quốc mà thực chất là các quỹ tín thác, hoạt động không theo các quy định mà các ngân hàng phải tuân thủ, nhưng đang phát triển chóng mặt và chiếm đến khoảng 20% lượng tín dụng cấp mới tại Trung Quốc.
Theo ước tính của ngân hàng Barclays, trong năm nay các sản phẩm quản lý tài sản sẽ đạt doanh số lên tới 22.000 tỷ NDT. Trong đó theo số liệu của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, đến cuối tháng 6/2012, các ngân hàng Trung Quốc cũng huy động tới 10.400 tỷ NDT dưới dạng sản phẩm quản lý tài sản.
Cũng giống như các khoản cho vay đối với tài sản dưới chuẩn tại Mỹ, vốn là nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính 2008, các sản phẩm quản lý tài sản này thường rất thiếu minh bạch và lệ thuộc vào các tài sản rủi ro cao giống như dự án nhà ở tại Taihe.
Sự bất ổn tài chính của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau những gì đã xảy ra với nước Mỹ, có thể khiến cả thế giới bị tác động. Và những hồi chuông cảnh tỉnh đã bắt đầu vang lên trước cái cách các sản phẩm này được tiếp thị tại Trung Quốc.
Sau khi nghiên cứu 50 sản phẩm quản lý tài sản và các sản phẩm vay vốn tín thác với mục đích tìm hiểu xem tiền của nhà đầu tư được đầu tư vào đâu, phóng viên của Reuters chỉ xác định được ở 2 sản phẩm. Những sản phẩm còn lại thậm chí còn không biết được tài sản bảo đảm cho các món tiền huy động là gì. Theo Ủy ban quản lý ngân hàng Trung quốc, hiện có tới 20.000 sản phẩm quản lý tài sản đang tồn tại trên thị trường, tăng mạnh so với con số chỉ vài trăm 5 năm trước.
“Vấn đề đáng ngại đó là nếu một số nhà đầu tư thua lỗ với các sản phẩm này, nó sẽ tạo ra sự hoảng loạn ở các nhà đầu tư khác”, Mike Werner, một nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein & Co nhận định. “Việc đó có thể dẫn đến sự tháo chạy hàng loạt khỏi các sản phẩm này, gây ra sự khủng hoảng thanh khoản cho thị trường”.
Trong bản giới thiệu dày 14 trang về sản phẩm quản lý quỹ số 350 của China Merchants Bank, ngân hàng này khẳng định muốn huy động 200 triệu NDT. Thế nhưng chỉ đến trang thứ 5 người ta đã biết rằng sản phẩm này có liên quan đến Bộ Đường sắt, một cơ quan chính phủ đang ngập trong khoản nợ lên tới 2200 tỷ NDT (gần 350 tỷ USD). Cơ quan này đang muốn huy động 2430 tỷ NDT.
Theo tờ Thời báo Bắc Kinh của Nhà nước Trung Quốc, chỉ trong quý 1 năm nay, Bộ Đường sắt đã thua lỗ tới 7 tỷ NDT, chủ yếu do phải hoàn trả số nợ lên tới hơn 28 tỷ NDT trong 3 tháng đầu năm. Thế nhưng bản giới thiệu sản phẩm của China Merchants Bank chỉ đề cập một cách rất mơ hồ rằng 70% vốn huy động sẽ được đầu tư vào “các tài sản khác”.
Trong thời kỳ bong bóng bất động sản dưới chuẩn tại Mỹ, rất nhiều các khoản tín dụng phái sinh và các công cụ khác được bảo đảm bằng các khoản cho vay mua nhà, vốn được cho là có điểm tín nhiệm cao nhất. Hiện ở Trung Quốc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nội địa cũng chấm cho trái phiếu của Bộ Đường sắt điểm tín nhiệm cao nhất.
“Vấn đề là kể cả những người giàu có tại Trung Quốc cũng không hiểu hết những rủi ro của sản phẩm”, Gigi Chan, nhà điều hành China Opportunities Fund tại quỹ đầu tư Threadneedle Investments, đơn vị quản lý khối tài sản 123 tỷ USD trên toàn cầu nhận định.
Trong khi đó tiền gửi tại các ngân hàng Trung Quốc trong năm ngoái chỉ tăng trưởng 13%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ gần đây. Việc tiền bị hút khỏi các tài khoản tiết kiệm để đổ vào các sản phẩm quản lý tài sản đang đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng bởi nó giảm khả năng cho vay của các ngân hàng, dẫn tới áp lực về tiền mặt.
“Từ lâu Fitch đã nhấn mạnh rủi ro lớn nhất với hoạt động quản lý tài sản của các ngân hàng Trung Quốc là sự căng thẳng mà hoạt động này gây ra đối với thanh khoản và ngân quỹ”, Charlene Chu, một nhà phân tích của Fitch nhận xét. “Khi quy mô sản phẩm còn nhỏ, rủi ro có thể dễ dàng được kiểm sát. Nhưng tình hình đang ngày càng trở nên khó hơn cho các ngân hàng Trung Quốc”.
Thanh Tùng
Dân trí
|