Người dân và doanh nghiệp Mỹ vẫn gặp khó khăn
Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ben Bernanke, ngày 6/8 nói rằng mặc dù các chỉ số kinh tế - như về chi tiêu tiêu dùng, thu nhập khả dụng, thanh toán nợ - biểu hiện nền kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi, nhưng nhiều người dân và doanh nghiệp (Mỹ) tiếp tục đối mặt với thời kỳ khó khăn.
Trong bài phát biểu được ghi hình và phát tại hội nghị nghiên cứu với chủ đề thước đo kinh tế ở Cambridge, bang Massachusetts, ông Bernanke nói rằng đo lường mức độ hạnh phúc của người dân có thể giữ vai trò quan trọng đối với việc đo lường sự tiến bộ kinh tế, tương đương việc quyết định liệu lạm phát thấp hay tỷ lệ thất nghiệp cao.
Ông Bernanke nhấn mạnh kinh tế học không chỉ về tiền bạc và lợi ích vật chất, mà nó còn về sự hiểu biết và cổ súy cho việc tăng cường chất lượng sống.
Ông Bernanke và các nhà hoạch định chính sách của Fed hiện phải dựa vào các báo cáo về việc làm, chi tiêu tiêu dùng và các số liệu kinh tế khác để đưa ra các quyết sách kinh tế. Theo ông, có lẽ ít có người dân Mỹ nào sẽ nói rằng họ hạnh phúc với nền kinh tế vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7/2012 tăng lên 8,3% và tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể từ đầu năm nay. Trong cuộc điều trần trước Quốc hội hôm 17/7, ông Bernanke đã nói rằng kinh tế Mỹ đang phục hồi "chậm một cách đáng thất vọng."
Fed dự định sẽ duy trì lãi suất ngắn hạn xấp xỉ 0% cho đến cuối năm 2014, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế này vẫn yếu trong hai năm rưỡi nữa. Sau cuộc họp trong tuần trước, các nhà hoạch định chính sách Fed cũng nói rằng Fed sẽ tiến hành thêm các biện pháp để phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trong bài phát biểu trên, ông Bernanke không đề cập đến triển vọng chính sách tiền tệ cũng như báo cáo tuần qua cho hay nền kinh tế này đã tạo thêm 163.000 việc làm trong tháng 7/2012, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 8,3%. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng dù chưa thể đẩy lùi tình trạng thất nghiệp tại Mỹ, nhưng con số này khá ấn tượng trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.
Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định Mỹ đã bước vào giai đoạn "tái công nghiệp hóa,” tức là “một lần nữa tập trung phát triển công nghiệp.” Sắp tới, Mỹ sẽ tập trung tăng cường quá trình này, bởi trong tổng số việc làm mà nền kinh tế Mỹ tạo ra vừa qua, có phần đóng góp không nhỏ của ngành công nghiệp, trong đó dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến và sản xuất ôtô. Trong khi đó, đóng góp của ngành dịch vụ và xây dựng đối với sự phục hồi của kinh tế Mỹ là rất hạn chế.
Nước Mỹ đã vượt qua thời kỳ công nghiệp hóa để bước vào giai đoạn dịch vụ và giờ đây, khủng hoảng kinh tế và vấn đề việc làm đã đưa nước Mỹ vượt qua giai đoạn dịch vụ để trở lại giai đoạn công nghiệp hóa./.
Vietnam +
|