Các ngân hàng trung ương không còn là "vị cứu tinh"
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua và "bão" nợ công hoành hành châu Âu đang đặt ra câu hỏi về vai trò của các ngân hàng trung ương.
Giới chuyên gia quốc tế nhận định các ngân hàng trung ương không còn là những "vị cứu tinh" cho nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, thay vào đó, đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn của các cơ quan chính phủ khác với những công cụ chính sách thích hợp hơn.
Báo Bưu điện quốc gia số ra ngày 6/8 cho rằng cuộc họp của các Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hồi tuần trước đều đưa ra những lý lẽ ủng hộ các biện pháp kích thích bổ sung, song lại khiến người dân các nước thất vọng vì không cụ thể nêu cụ thể những biện pháp bổ sung đó là gì.
Nguyên nhân khiến các thể chế tài chính này thu hẹp vai trò của mình trong tìm giải pháp thoát khủng hoảng đó là muốn giữ sức ép đối với các nhà hoạch định chính sách khác và bản thân các công cụ chính sách của họ ngày càng ít hiệu quả.
Chủ tịch ECB Mario Draghi từng khẳng định các ngân hàng trung ương "không thể thay thế các chính phủ."
Gánh nặng giờ đây thuộc các nhà hoạch định chính sách khác và giới lãnh đạo chính trị, những người có những công cụ để giải quyết vấn đề cơ bản của tăng trưởng quá thấp, nợ quá nhiều cũng như tình trạng vốn tư nhân được đổ quá ít vào đầu tư và các hoạt động sản xuất khác.
Giới chuyên gia kinh tế đánh giá để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu và khó khăn kinh tế ngày càng tăng của thế giới, các nhà hoạch định chính sách cần giải quyết những vấn đề về sức cạnh tranh, cải cách tài chính, tái trang bị và tái đào tạo lực lượng lao động.
Càng trì hoãn lâu thì những khó khăn này sẽ càng ăn sâu hơn vào cấu trúc các nền kinh tế. Tuy nhiên, những vấn đề này chỉ có thể giải quyết nếu chính giới từ bỏ cách tiếp cận chiến thuật, gia tăng và từng phần đối với những vấn đề đòi hỏi những phản ứng toàn diện, có sự phối hợp và một chiến lược rõ ràng.
vietnam+
|