Thứ Ba, 14/08/2012 13:17

Điều chuyển doanh nghiệp nếu xa rời ngành nghề chính

Lịch trình công việc dày đặc mà các bộ, ngành phải hoàn tất theo yêu cầu của Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” (Đề án) sẽ được Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp theo dõi chặt chẽ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, một số công việc đang trong giai đoạn trình duyệt cuối cùng.

Mục tiêu tối ưu hoá

Thưa ông, nhiều công việc được yêu cầu hoàn thành ngay trong quý III/2012. Như vậy có gấp quá không, có ảnh hưởng đến chất lượng các văn bản không?

Tái cấu trúc DNNN không phải chỉ bắt đầu thực hiện khi Đề án được ban hành. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, công việc này là một quá trình, đã và đang được thực hiện theo lộ trình.

Tư duy hành động và quan điểm chỉ đạo đã được thống nhất tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Đầu năm nay, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 12/NQ-CP, trong đó có chỉ rõ nhiều việc phải làm để thực hiện tái cơ cấu DNNN.

Vì vậy, nhiều phần việc nêu trong Đề án đã được triển khai trước đó. Việc nhắc lại chủ yếu nhằm đảm bảo tính tổng thể, bao quát của Đề án.

Ví dụ, hiện đã có 18/21 đề án tái cấu trúc của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng được trình, đang trong quá trình thẩm định, lấy ý kiến của bộ chuyên ngành, bộ tổng hợp.

Nhiều cơ chế, chính sách được yêu cầu sửa đổi, bổ sung cũng trong giai đoạn trình duyệt như Nghị định về quản lý, giám sát các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; Quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với DNNN; Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DN do nhà nước làm chủ sở hữu…

Quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN vẫn được thực hiện khá liên tục, nhưng tiến triển chậm chạp. Khi đề án tái cấu trúc của nhiều tập đoàn đang được trình lên đợi phê duyệt, lo ngại về sự chậm trễ lại được đặt ra, nhất là khi tình hình thị trường không thuận cho các kế hoạch thoái vốn. Ông có nghĩ như vậy không?

Các điều kiện và yêu cầu về tái cấu trúc DNNN đã thay đổi so với những năm trước.

Thứ nhất, cơ chế, chính sách được thay đổi theo hướng đổi mới hoạt động quản trị, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhà nước nắm 100% vốn, hoặc nắm trên 50% vốn hiệu quả hơn, thực hiện theo cơ chế thị trường.

Thứ hai, yêu cầu tái cấu trúc hiện tại bắt nguồn và được thực hiện từ bên trong DN, thay vì những thay đổi cơ học của hoạt động sắp xếp DNNN thời gian trước chủ yếu là thu gọn số lượng.

Ngay trong Đề án, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính của từng tập đoàn, tổng công ty, DNNN. Thay vì các ngành nghề đăng ký dàn trải lâu nay, các DN sẽ được giao rõ ngành nghề chính. Từ đó, dựa trên năng lực quản trị và các nguồn lực khác, DN xác định lại ngành nghề nào là phục vụ ngành chính, bao nhiêu ngành là tối ưu để bảo đảm vị trí của tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong khu vực kinh tế nhà nước cũng như nền kinh tế quốc dân.

Đặc biệt, yêu cầu tái cơ cấu DNNN phải gắn với đầu tư công nghệ, từng bước loại bỏ sản phẩm tiêu tốn năng lượng. Có thể kế hoạch này khiến quy mô của nhiều DN giảm đi, nhưng phải làm.

Trên các nguyên tắc và tiêu chí trên, DN tự xác định chiến lược, kế hoạch hoạt động, đầu tư, phương án sản xuất phù hợp với cơ cấu mới, từ đó tiến hành tái cấu trúc đầu tư, tài chính, nguồn lực lãnh đạo… Nói chung, DNNN sẽ phải đổi mới một cách toàn diện để tăng năng suất lao động, hiệu quả.

Nghĩa là sẽ có thay đổi lớn trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thưa ông?

Sẽ có những thay đổi đáng kể, cơ bản trong từng DN. Có DN sẽ thay đổi lớn do phải điều chỉnh lại ngành nghề kinh doanh, thay đổi chiến lược hoạt động, thoái vốn, thu gọn lại; nhưng cũng có DN chỉ thay đổi về tổ chức sản xuất, quản lý.

Tùy nhiệm vụ, đặc thù, đề án tái cơ cấu từng tập đoàn sẽ có định hướng, con đường thực thi phù hợp, không cứng nhắc, khiên cưỡng.

Phải nhắc đến yêu cầu mới trong Đề án này mà lâu nay chưa làm được. Đó là tái cơ cấu DNNN không phân biệt cấp quản lý, cơ quan quản lý.

Quan điểm này đã từng được đưa ra, song đây là lần đầu tiên được chính thức đưa vào Đề án. Theo đó, tái cơ cấu DNNN, nhất là tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với ngành, lĩnh vực, không xem xét độc lập phương án tái cơ cấu DN của một đơn vị quản lý nhất định.

Cách làm và tiêu chí mới

Đây có phải là lý do mà các bộ chuyên ngành phải có ý kiến thẩm định các đề án tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty nhà nước trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt?

Vai trò của các bộ, ngành trong các đề án này như người kết nối, điều chỉnh phương án riêng lẻ của DN gắn với chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, vùng, địa phương.

Lâu nay, DNNN thuộc bộ nào, địa phương thì do bộ đó, địa phương đó phê duyệt phương án sắp xếp. Cách làm này khiến địa phương nào cũng có công ty xổ số, công ty cấp nước… Trong đề xuất của Bộ Văn hoá, Thể thao - Du lịch hồi năm ngoái về danh sách DNNN vẫn có tên Công ty TNHH nhà nước một thành viên Nhà xuất bản Âm nhạc với vốn nhà nước vẻn vẹn có 100 triệu đồng. Nếu có ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, cách xử lý sẽ khác vì dựa trên quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in ấn…

Với cách làm mới, trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành, vùng, các bộ sẽ có ý kiến về phương án sắp xếp, thậm chí có thể điều chuyển DN thành viên của tập đoàn, tổng công ty theo nguyên tắc hiệu quả, hiệu suất.

Trường hợp chuyển EVNTelecom về Viettel là một ví dụ của cách làm này. Trong bối cảnh nhiều kế hoạch thoái vốn gặp khó khăn, việc sắp xếp DN thành viên sẽ được cân nhắc theo hướng điều chuyển, thay đổi bộ máy tổ chức để đảm bảo mục tiêu không dàn trải, xa rời lĩnh vực kinh doanh chính, như chuyển DN kinh doanh bất động sản của các tập đoàn về tập đoàn chuyên ngành, trước khi có kế hoạch sắp xếp tiếp theo…

Theo Đề án, trước mắt, DN xây dựng, thương mại, viễn thông, xuất bản, cấp thoát nước, môi trường đô thị... sẽ được thực hiện sắp xếp theo cách này.

Có thể nói, để thực hiện tốt các yêu cầu trong Đề án, phải xác định lại nhiệm vụ của từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như tiêu chí DN mà nhà nước nắm giữ phần vốn?

Đúng vậy. Có thể lấy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm ví dụ. Nếu trước đây, PVN đầu tư cả ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản và du lịch, nay theo đề án tái cấu trúc, PVN chỉ tập trung vào 5 lĩnh vực chính là thăm dò khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí… Các DN không nằm trong lĩnh vực chính sẽ phải sắp xếp lại tùy theo tiêu chí cũng như yêu cầu của chủ sở hữu nhà nước.

Trong kế hoạch cổ phần hóa DNNN 2011-2015 đã được phê duyệt, vẫn có 692 DN giữ nguyên 100% vốn nhà nước. Các DN này có phải xem xét lại theo tiêu chí mới đó hay không, thưa ông?

Các DNNN này sẽ tiếp tục được xem xét, phân loại theo tiêu chí mới và sẽ có lộ trình thực hiện, để đảm bảo tính khả thi.

Khánh An

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu ở doanh nghiệp (14/08/2012)

>   Bia Huế liên tục gặp tin đồn xấu (14/08/2012)

>   Doanh nghiệp xi măng tìm lối thoát (14/08/2012)

>   Vi phạm công khai, cơ quan quản lý bất lực? (14/08/2012)

>   Xăng tăng giá, sản xuất khó càng thêm khó (13/08/2012)

>   Bộ NN&PTNT không cho xây nhà máy đường mới (13/08/2012)

>   Bổ sung thêm danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá (13/08/2012)

>   Cảng quốc tế hơn 360 tỷ đồng bỏ hoang (13/08/2012)

>   Sắp họp đặc biệt về tái cấu trúc Petro Vietnam, Vinachem (13/08/2012)

>   Hậu sáp nhập EVN Telecom vào Viettel: “Ai trả nợ hợp đồng cho tôi?” (13/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật