Xăng tăng giá, sản xuất khó càng thêm khó
Sau khi giá xăng tăng 1.100 đồng/lít, dầu tăng 500-800 đồng/lít vào chiều 13-8, các ngành sản xuất sẽ chịu thêm tác động của chi phí đầu vào trong thời gian tới.
Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online từ ý kiến của đại diện các ngành sản xuất việc xăng tăng giá sẽ đẩy giá thành hàng hóa tăng cao trong thời gian tới.
Vận tải ảnh hưởng lớn nhất
Đối với ngành vận tải, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 50%, do vậy khi xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá cước.
Ông Nguyễn Đỗ Phương, trợ lý Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh cho biết, sau hai lần điều chỉnh giảm giá cước trong tháng 7 theo giá xăng, toàn hệ thống Mai Linh đã phải mất hơn 6 tỉ đồng để hoàn thiện việc điều chỉnh đồng hồ và niêm yết giá cước, công việc này chỉ vừa hoàn thành trong cuối tháng 7. Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 20 ngày sau khi giảm giá, giá xăng lại tăng 900 đồng/lít và giờ tăng thêm 1.100 đồng/lít sẽ ảnh hưởng rất lớn khi doanh nghiệp phải mất chi phí cho việc điều chỉnh.
“Trước tình hình giá xăng được thả nổi theo giá thị trường và liên tục thay đổi như hiện nay, Mai Linh đang xem xét đến phương án điều chỉnh giá cước một cách chủ động nhất nhằm tiết kiệm chi phí hợp lý và thống nhất toàn tập đoàn. Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải bằng cách quy định giá cước taxi theo một giá nhất định cộng với phụ thu tiền xăng khi giá xăng tăng. Doanh nghiệp sẽ điều chỉnh tăng hay giảm mức phụ thu này theo giá xăng dầu sau khi có báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, ông Phương nói.
Còn ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty vận tải Minh Liên, cho biết với mức tăng 1.100 đồng/lít thì chắc chắn doanh nghiệp vận tải hàng hóa phải tăng giá cước. Theo ông Phú, trong hợp đồng vận tải ký với khách hàng có kèm thêm điều khoản là khi giá xăng tăng từ 1.000 đồng trở lên thì doanh nghiệp sẽ tăng giá cước.
Các ngành khác cũng điêu đứng
Không chỉ riêng ngành vận tải, các ngành sản xuất khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền từ việc tăng giá xăng dầu. Ông Đặng Huy Hải, Phó tổng giám đốc khách sạn New World Saigon, cho rằng việc tăng giá xăng dầu lần này là một cú sốc cho kinh doanh vì từ đầu năm đến nay doanh nghiệp đã phải đối mặt với 3 lần tăng giá. “Chúng tôi phải dùng đến 60.000 lít dầu mỗi tháng. Lần này, giá dầu tăng 500-800 đồng thì chúng tôi phải chi thêm 30-48 triệu đồng. Nếu tính từ đầu năm đến nay, chi phí cho khoản này tăng hơn 100 triệu đống/tháng”, ông nói.
Theo ông Hải, chỉ tính giá điện, nước, dầu thì đầu năm đến nay chi phí đã đội lên thêm 7%. Thêm vào đó, giá thực phẩm cùng nhiều chi phí khác cũng tăng cao trong khi giá bán phòng chỉ tăng 5% nhưng công suất phòng bình quân lại giảm đến 5%. “Năm nay, nguồn khách đến ít hơn nhưng chi phí lại không ngừng tăng nên không chỉ New World và nhiều khách sạn khác tại TPHCM cũng rất đau đầu”, ông Hải nói.
Tương tự, một đại diện của Công ty cổ phần CP Việt Nam, cho biết 2 lần tăng giá xăng trước đây các hãng vận tải chưa điều chỉnh giá cước, nhưng với đợt tăng giá đến 1.100 đồng/lít thì chắc chắn giá cước vận tải sẽ thay đổi. “Thông thường, hợp đồng của các công ty với các hãng vận tải thường có quy định về giá cước khi giá xăng dầu tăng, giảm. Giá xăng tăng đến hạn mức thì tự động hãng vận tải sẽ tăng giá cước vận chuyển mà khách hàng buộc phải chấp nhận”, vị này giải thích.
Đối với ngành đánh bắt hải sản, ông Phạm Thành Nhân, Giám đốc doanh nghiệp Mai Lợi chuyên đánh bắt mực ở Bình Đại, Bến Tre, cho biết trung bình một chuyến đi biển của doanh nghiệp ông là 30.000 lít dầu cho 42 chiếc tàu, tính ra nếu tiêu thụ 1.000 lít dầu thì chi phí thu về phải trên 35 triệu đồng mới có lãi. “Giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi giá mực khô lại giảm. Năm ngoái mực khô có giá 330.000 đồng/kg, năm nay giảm xuống còn 300.000-315.000 đồng/kg nên doanh nghiệp chịu áp lực rất lớn từ chi phí xăng dầu”, ông Nhân nói. Để giảm bớt chi phí, ông Nhân dự tính sẽ bán bớt tàu và chỉ thực hiện đánh bắt gần bờ để giảm chi phí xăng dầu.
Một số ngành sản xuất công nghiệp như thép, xi măng chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng dầu.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết mặc dù giá xăng tăng không ảnh hưởng trực tiếp lên ngành sản xuất xi măng, nhưng về gián tiếp, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu, vận chuyển xi măng sẽ tăng lên khiến chi phí sản xuất xi măng càng tăng thêm. Theo ông, ngành xi măng vốn dĩ đang rất khó khăn bởi đầu ra đang chậm, sản xuất trong nước rơi vào cảnh cung lớn hơn cầu, giá bán khó tăng thêm nên nếu chi phí đầu vào tăng mãi, chắc chắn ngành xi măng sẽ càng khó khăn.
Còn ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt cho rằng, do ngành thép có sử dụng dầu làm nhiên liệu nên giá dầu tăng thêm 500-800 đồng/lít thì chắc chắn chi phí sản xuất ngành thép bị đội cao hơn. Ngoài ra, theo ông Thái, cũng như bao ngành sản xuất khác, một khi chi phí vận chuyển bị tác động mạnh theo giá xăng dầu thì ngành thép không còn cách nào khác là phải tính đến chuyện tăng giá thép trong thời gian tới.
Một ngành sản xuất khác là nhựa cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp của việc xăng tăng giá. Theo ông Phạm Hữu Nguyên, Giám đốc Marketing của Công ty cổ phần nhựa Rạng Đông, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động đến công ty nhưng không nhiều, chủ yếu làm tăng chi phí vận chuyển hàng hoá từ nhà máy đến khách hàng. Theo ông Nguyên, việc giá xăng dầu tăng không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp ngành nhựa bằng việc tăng giá điện.
TBKTSG
|