Bộ NN&PTNT không cho xây nhà máy đường mới
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) từ chối cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghiệp Đông Bắc, Cao Bằng xây dựng nhà máy đường mới nhằm phục vụ xuất khẩu.
Theo Bộ NN&PTNT hiện cả nước có 40 nhà máy đường với tổng công suất 139.000 tấn mía/ngày, tương đương 2,7 triệu tấn đường/năm, trong khi nhu cầu tiêu thị trong nước hiện ở mức 1,4 triệu tấn đường/năm. Nghĩa là nhiều nhà máy đường đang hoạt động dưới công suất thiết kế.
Một lý do để Bộ NN&PTNT từ chối cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghiệp Đông Bắc đầu tư xây dựng nhà máy mía đường mới là do nhà máy chỉ có sông suất 2.000 tấn mía/ngày. Theo Bộ NN&PTNT đây là nhà máy có quy mô nhỏ, khó áp dụng công nghệ hiện đại, suất đầu tư cao và hiệu quả thấp. Do đó, nếu nhà máy đường xây dựng để phục vụ xuất khẩu sẽ không mang lại hiểu quả vì giá thành đường của Việt Nam hiện nay vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực và các nước xuất khẩu đường trên thế giới.
Tuy nhiên, không chỉ có Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghiệp Đông Bắc xin Bộ NN&PTNT xây dựng nhà máy đường mới mà hiện Tổng công ty mía đường 1 cũng có công văn gửi Bộ NN&PTNT xin nâng công suất một số nhà máy đường và xây dựng thêm nhà máy mới.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 13-8, một cán bộ của Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT cho biết, thực chất việc xây dựng mà máy mới của Tổng công ty mía đường 1 là muốn mua lại nhà máy đường Tuyên Quang (công suất 750 tấn mía/ngày) thuộc quản lý của UBND tỉnh Tuyên Quang để chuyển sang nơi khác.
Lý do, theo ông là bên cạnh nhà máy đường Tuyên Quang còn có nhà máy đường Sơn Dương thuộc Tổng công ty mía đường 1 cùng hoạt động và ít nhiều có sự cạnh tranh thu mua nguyên liệu mía mỗi khi mùa vụ đến. "Việc xin xây dựng nhà máy đường mới của hai công ty nói trên là hai khía cạnh khác nhau nên công ty này bị từ chối cấp phép nhưng công ty kia có thể là không", ông nói.
Tự Phong
TBKTSG
|