Ngành điện cần văn hóa ứng xử
Tại chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, ngành điện cần tiếp tục xây dựng văn hóa ứng xử để tranh thủ đồng cảm và sự đồng tình của nhân dân.
Tối 12/8, trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” của Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có những chia sẻ về các vấn đề liên quan đến khó khăn của doanh nghiệp trong như lãi suất ngân hàng vốn. Cùng với đó, câu chuyện tăng giá điện một lần nữa lại tiếp tục được đưa ra đề cập.
Ngành điện cần tạo sự đồng thuận từ nhân dân
Liên quan đến câu chuyện tăng giá điện ngày 1/7, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện tại chúng ta đang thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước. Bước vào tháng 7 mục tiêu kìm chế lạm phát bước đầu đã rất là thành công. Cùng với đó, ngành điện khi tính toán việc điều chỉnh giá đã báo cáo liên bộ Tài chính – Công Thương tiếp tục thực hiện chính sách xã hội, 50 Kwh đầu tiên của bậc thang điện không thay đổi, 100 Kwh đầu tiên vẫn bán thấp hơn giá thành. Theo tính toán của ngành điện đại đa số người nghèo, thu nhập thấp đều tiêu thụ dưới 100Kwh điện mỗi tháng do đó thực tế việc điều chỉnh giá điện vừa rồi không ảnh hưởng xấu đến đối tượng này.
Cũng theo Bộ trưởng, mức tăng 5% cũng đã tính toán tác động ít nhất đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Với mức điều chỉnh này giá thành sản xuất xi măng tăng 0,5%, thép tăng 0,15%.
“Theo tôi nghĩ rằng ngành điện cũng phải tiếp tục xây dựng các văn hóa ứng xử để làm sao tranh thủ được sự đồng cảm và đồng tình của nhân dân, đó là bài học rút ra trong thời gian vừa qua. Việc vừa rồi ngành điện chưa kịp thời có thông báo trước và họp báo đã được chúng tôi rút kinh nghiệm và làm tốt hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ.
Đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ở phiên họp thường kỳ tháng 6 Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương phải tìm thêm các giải pháp khác, ngoài những giải pháp được ban hành để làm sao trong thời gian ngắn nhất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Qua ý kiến của doanh nghiệp cho thấy có 2 vấn đề khó khăn nổi lên hiện nay cần giải quyết đó là, về vốn và hàng tồn kho.
Cũng theo Bộ trưởng, về vốn thì ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính đã có những giải pháp hết sức cụ thể, tích cực và bước đầu đã đi vào cuộc sống, góp phần giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Riêng còn câu chuyện về hàng tồn kho thì đang nổi lên trong giai đoạn hiện nay và cần tập trung vào những vấn đề cấp bách, kịp thời. Trong đó có thể kể đến là tìm giải pháp kích cầu để mà tiêu thụ sản phẩm như, đẩy nhanh tốc độ giải ngân các công trình xây dựng cơ bản. Chính phủ cũng đã quyết định các công trình có khả năng kết thúc và xây dựng trong năm 2012, nếu thiếu vốn thì sẽ được sử dụng vốn ứng trước của năm 2013, ứng trước theo kế hoạch đã định.
Còn đối với vấn đề sản phẩm tiêu thụ ở bên ngoài, thì chúng ta phải lập tức tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như, tham gia vào các hội trợ triển lãm, hay các chương trình giới thiệu sản phẩm của Việt Nam. "Cái này nếu làm tốt thì có thể tác dụng ngay sau một vài ba tháng", Bộ trưởng nói.
Không chỉ những giải pháp trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các chương trình làm sao khuyến khích tiêu dùng được hàng hóa mà chúng ta sản xuất ra. Nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, các khu công nghiệp nơi mà hiện nay vẫn rất thiếu hàng và người tiêu dùng cũng rất coi trọng hàng của Việt Nam, nhưng do cách làm của chúng ta có thể là hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, cũng nên tuyên truyền giải thích để các doanh nghiệp hiểu rằng với những hiệp định mậu dịch thương mại tự do mà Việt Nam đã ký, nếu chúng ta tranh thủ được thời cơ, lợi dụng được lợi thế mà nói mang lại thì trong một thời gian ngắn thôi chúng ta có thể đưa được một lượng hàng xuất khẩu sang các khu vực và các nước đã ký hiệp định.
"Trong bối cảnh hiện nay, theo chúng tôi thì chúng ta phải làm sao khắc phục được sự chậm trễ trong quá trình đưa các văn bản, chính sách vào thực hiện. Trong đề án của chúng tôi có phân biệt làm hai nhóm giải pháp. Một là nhóm giải pháp lâu dài và có tính căn cơ trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Nhóm giải pháp thứ hai là nhóm giải pháp cấp bách và phải làm ngay. Trên thực tế thời gian vừa qua đã thực hiện một số giải pháp rất là kịp thời và bước đầu có hiệu quả", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra dẫn chứng như câu chuyện liên quan đến thuế, đến giảm các chi phí, mà Bộ Tài chính tổ chưc thực hiện. Hay câu chuyện kích cầu trong đầu tư bằng việc Bộ Xây dựng cùng Bộ giao thông vận tải, cùng thống nhất với nhau tiêu thụ một lượng xi măng nhất định trong xây dựng các công trình giao thông theo đó tồn kho xi măng, sắt thép bước đầu giảm hơn... Riêng đối với Bộ Công thương, cũng tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại như là hội chợ triển lãm ở trong nước, nước ngoài và các chương trình đưa hàng việt về khu công nghiệp, nông thôn...
"Theo tôi là chúng ta cần phải xác định rõ để làm sao các biện pháp đưa ra phải đi ngay vào cuộc sống. Tuy nhiên, cái quan trọng hơn thái độ của chúng ta, tôi muốn nói là từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, phải hết sức là tích cực, quyết liệt thì chúng ta sẽ rút ngắn được độ chễ về mặt thời gian đưa cơ chế chính sách đưa vào thực tiễn", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định.
Minh Hường
vnmedia
|