Bộ Công Thương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tiếp tục những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong những ngày gần đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã làm việc cụ thể với từng Tập đoàn, TCty của Bộ nhằm kịp thời tháo gỡ.
Khó khăn lớn nhất vẫn là hàng tồn kho
Tại Tổng công ty Giấy Việt Nam, lượng tồn kho toàn TCty khoảng 38.962 tấn. Trong khi đó, TCty cũng gặp phải sự cạnh tranh trên thị trường trong nước ngày càng gay gắt hơn do có nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy đầu tư với quy mô lớn trong nước ra đời. Để giải quyết hàng tồn kho, hiện nay TCty đang hướng tới tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đồng thời tìm nguồn vốn vay cho các dự án trồng rừng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) Nguyễn Đình Khang, lượng phân DAP vẫn tồn kho ở mức cao 68,6 nghìn tấn, tăng 60%, ngoài ra là lốp xe đạp tồn kho tới 996.000 bộ bằng 82,8%, ắc quy 169,9 nghìn kWh, bằng 74,9% so với cuối năm 2011. Vì vậy, Tập đoàn này đề nghị giảm thuế VAT có thời hạn đối với một số sản phẩm như phân bón, lốp ô tô, lốp xe máy, xe đạp, ắc quy để giải quyết một phần khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra Tập đoàn cũng kiến nghị giảm thuế nhập khẩu vải mành nylon dùng để sản xuất lốp ô tô, lốp máy bay từ mức 5% về 1% thay vì mức từ 1-3% mà Bộ Công Thương đã đề xuất với Bộ Tài chính trước đó, vì thực tế trước ngày 1/1/2012, mức thuế suất thuế nhập khẩu là 0%.
Tổng giám đốc TCty Thép Lê Quốc Hưng đề nghị có chính sách khuyến khích xuất khẩu sản phẩm thép sang các nước ASEAN và xem xét giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích thích tiêu dùng, đẩy nhanh giải ngân vốn các dự án nhằm giúp doanh nghiệp tăng lượng tiêu thụ, đồng thời Bộ Công Thương cần có biện pháp triệt để thực hiện quy hoạch phát triển ngành thép, không để xảy ra cung vượt cầu quá nhiều. Tính đến hết tháng 7 lượng thép tồn kho của toàn ngành là 120,8%.
Tổng giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam Lâm Chí Quang kiến nghị nên bổ sung dòng sản phẩm động cơ có công suất dưới 30hp, máy kéo, máy làm đất dưới 50 hp vào chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm, bởi đây là dòng sản phẩm chủ lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước. TCty cũng đề nghị Ngân hàng NN&PTNT bố trí tối thiểu 5% vốn tín dụng hỗ trợ cho nông dân vay đầu tư mua máy móc nông nghiệp.
Bộ sẽ có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, khó khăn của các doanh nghiệp cũng đa dạng. Có doanh nghiệp thiếu vốn, có doanh nghiệp khó khăn về thị trường, có doanh nghiệp bị áp lực về hàn tồn kho, nhưng có doanh nghiệp lại khó khăn về nguyên liệu… Vì vậy, chỉ có tìm hiểu cụ thể những vướng mắc này mới đưa ra được cách tháo gỡ thiết thực.
Từ những kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ sẽ tổng hợp các kiến nghị và có các giải pháp cụ thể cho từng nhóm ngành hàng và từng thị trường nhằm giảm lượng tồn kho và thúc đẩy sản xuất.
Bên cạnh đó, để giảm bớt khó khăn và hỗ trợ lẫn nhau, ông Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh nếu sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia thì bắt buộc các doanh nghiệp trong ngành phải ưu tiên sử dụng.
Tới đây Bộ Công Thương sẽ tổ chức ký giao ước giữa các đơn vị trong ngành nhằm đẩy mạnh việc tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp trong ngành, góp phần giảm tồn kho, đồng thời phát động mạnh mẽ hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Võ Văn quyền cho biết, trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, Vụ sẽ có các hợp phần hỗ trợ doanh nghiệp điều tra khảo sát, nghiên cứu bán hàng, truyền thông.
Đại diện Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết sẽ làm việc với Tổng cục Hải quan, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam để tăng cường kiểm tra kiểm soát CO để bảo vệ sản xuất trong nước và uy tín sản phẩm Việt Nam.
Linh Đan
Chính phủ
|