Phát triển nông nghiệp công nghệ cao : “Mỏ vàng” DN quên chưa đào
Trong thời gian qua, nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) như: hỗ trợ về vốn, chính sách thuế khi nhập khẩu máy móc, thuế đất… Song có một nhân tố quyết định đối với sự thành công của NNCNC là DN thì chúng ta vẫn đang thiếu các chính sách hỗ trợ họ. Xung quanh vấn đề này, DDĐN đã có cuộc trò chuyện cùng Thứ trưởng Bộ NN- PTNT - BÙI BÁ BỔNG.
Ông Bổng cho biết, trong thời gian qua, thực chất chúng ta chưa có một kênh kinh phí nào đầu tư cho NNCNC, nếu có chăng cũng chỉ là một nguồn kinh phí nhỏ cho nghiên cứu một số các loại giống cây trồng phục vụ cho CNC. Vì vậy, có thể nói NNCNC đối với các nước là một thành công lớn nhưng với VN mới chỉ... sơ khai.
- Mặc dù đã có rất nhiều chuyện “cười ra nước mắt” về phát triển NNCNC nhưng thực tế lại cho thấy, không phải việc áp dụng mô hình này trong sản xuất nông nghiệp tại VN đều thất bại, thưa ông ?
Tôi không phủ nhận thành công từ một số mô hình quản lý NNCNC như: mô hình công nghệ của những DN là trang trại, nhà máy đóng gói, sơ chế, chế biến hoạt động độc lập, các mô hình trồng rau, hoa có CNC, các nhà máy cấp đông, chế biến rau quả, chế biến lúa gạo xuất khẩu, nhà máy xử lý chiếu xạ, xử lý nhiệt trừ ruồi đục quả xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu kiểm dịch ở TP HCM, Đà Lạt và một số tỉnh khác. Nhiều DN CNC của loại hình này cũng đã hoạt động trong thời gian dài có hiệu quả, có sức lan tỏa nhất định trong sản xuất, nhà nước ít tốn kém đầu tư.
Đơn cử như mô hình sản xuất phát triển chăn nuôi bò sữa của Cty cổ phần sữa TH True Milk có trụ sở đóng tại Nghĩa Đàn, Nghệ An mặc dù mới đi vào hoạt động trong một thời gian không dài nhưng họ cũng đã rất thành công trong mô hình NNCNC này.
Tuy nhiên, để làm đạt được thành công như những mô hình trên thì rất cần những cái bắt tay bền chặt giữa nhà nước và nhà DN.
- Rõ ràng, sự bắt tay chặt chẽ giữa nông dân và DN đã cho ra những “trái ngọt”. Tuy nhiên, đây là điều “tốt lỏi” bởi đa số DN rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực NNCNC này, thưa ông ?
Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về phát triển NNCNC đến 2020 thì DN đóng một vai trò chủ đạo nhưng thực tế hiện nay cho thấy số lượng DN tham gia vào lĩnh vực này lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo Luật Công nghệ cao, các DN công nghệ cao, trong đó có DN NNCNC sẽ nhận được nhiều hỗ trợ về lãi suất, ưu tiên vốn vay. Song trên thực tế, các chính sách này chưa được cụ thể hoá do chưa có hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ. Thậm chí, Luật quy định DN NNCNC được hỗ trợ lãi suất ngân hàng nhưng Chính phủ chưa bố trí nguồn kinh phí để “trả” cho các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, hiện tại chúng ta vẫn chưa có quy hoạch tổng thể các khu NNCNC, vùng ứng dụng nông nghiệp CNC. Điều này khiến nhiều tỉnh, thành lúng túng trong việc xây dựng chính sách, lập đề án phát triển. Khi chính quyền địa phương còn lúng túng thì làm sao triển khai cho DN thực hiện.
Ngoài vấn đề về cơ chế chính sách thì vấn đề thiếu nhân lực trình độ về công nghiệp hoá nông nghiệp, đặc biệt là nhân lực có trình độ và kinh nghiệm chuyên môn cao trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại. Vì theo tính toán để khu NNCNC phát triển theo đúng nghĩa của nó, thì bình quân mỗi tỉnh phải cần ít nhất 20 thạc sĩ, tiến sĩ về nông nghiệp mà thực tế thì không biết lấy từ nguồn nào cho đủ số lượng phục vụ cho nhu cầu này.
- Trong hàng loạt những khó khăn mà ông nêu trên thì khó khăn nào là cản trở nhất đối với việc thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực này ?
Theo tôi, cái khó nhất hiện nay khi tiến hành phát triển NNCNC là vấn đề tích tụ ruộng đất vì để quy hoạch phát triển NNCNC cần có một diện tích đất tương đối rộng trong khi đó, đối với VN hiện nay mà nói đất nông nghiệp thì nhiều nhưng quy hoạch thì lại chưa đâu vào đâu.
Thực trạng này cũng một phần là vì nhà nước chưa có chính sách cụ thể, thiết thực trong quy hoạch mặt khác, khi kêu gọi nông dân góp đất dài hạn cùng DN để phát triển thì quyền lợi của nông dân được hưởng chưa tương xứng với những gì mà họ bỏ ra. Do vậy, cái khó đầu tiên cần phải tháo gỡ chính là quy tụ đất đai.
- Vậy, vai trò của nhà nước trong chiến lược phát triển NNCNC “đặt ở đâu”, thưa ông ?
Vai trò quan trọng đầu tiên của nhà nước là cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực.... để DN quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp. Cần tạo điều kiện để nông dân góp quyền sử dụng đất vào DN như mua cổ phiếu để họ yên tâm giao đất. Với đầu tư thiết bị, máy móc cần có chính sách ưu đãi về lãi suất, không tính theo năm mà tính theo mùa vụ sản xuất. Khi DN đầu tư vào sản xuất, họ sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư.
Với quy mô nông hộ như hiện nay, để tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp có tính công nghiệp công nghệ cao, cần định hướng tổ chức phát triển sản xuất, tiếp thị liên kiết dưới các hình thức Hợp tác xã, Cty liên doanh… để có quy mô tài chính và điều kiện sản xuất đủ lớn cho đầu tư công nghệ cao. Như vậy, trình độ quản lý cũng cần được nâng cao và cũng cần được coi là một yếu tố công nghệ.
- Đối với DN, theo ông họ cần phải làm gì để cùng nhà nước thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển NNCNC, thưa ông ?
Tôi cho rằng, hầu hết các DN VN là DNVVN. Vì thế, các DN cần xây dựng cho riêng mình chiến lược kinh doanh thích hợp, làm cơ sở để xác định phương thức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Ðể có được điều này, DN cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp như: tăng cường thu hút tài chính và các nguồn vốn trong xã hội; tăng cường các hoạt động nghiên cứu thị trường, đặc biệt là thị trường công nghệ; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn kết các thành viên trong DN cũng như tạo mối liên kết chặt chẽ giữa DN với các viện nghiên cứu, trường đại học; mở rộng mối quan hệ với các DN trong và ngoài nước, nhất là với các Cty đa quốc gia, xuyên quốc gia.
Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là các DN cần quan tâm nhiều hơn nữa tới quyền lợi của nông dân khi họ bắt tay với DN tham gia chiến lược NNCNC. Vì thực tế thời gian qua, có nhiều trường hợp khi nông dân góp đất với DN cùng làm ăn thì quyền lợi họ được hưởng vẫn chưa tương xứng.
- Xin cảm ơn ông !
Ông Phan Đình Trạc - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Nghệ An:
Điều kiện tiên quyết để chúng ta có một nền nông nghiệp cao là phải ứng dụng công nghệ cao. Điều này đòi hỏi có sự tham gia mạnh mẽ của khối DN tư nhân. Muốn làm được điều đó chúng ta cần giải quyết các vấn đề lớn như vốn, đầu ra cho sản phẩm, đào tạo lực lượng lao động… Để đưa CNC vào sản xuất nông nghiệp cần tập trung vào 3 việc chính: Tạo được quỹ đất lớn bằng cách vận động nông dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất bằng cách cho thuê quyền sử dụng đất dài hạn, thu hồi các nông trường làm ăn kém hiệu quả
Tỉnh chúng tôi đã chủ động tiếp cận với tập đoàn TH để giao đất cho họ, hỗ trợ họ, ủng hộ họ trong dự án chăn nuôi bò sữa ứng dụng CNC lớn nhất cả nước và trong khu vực. Tuy nhiên, để có 37.000 ha đất giao cho Tập đoàn TH, các cơ quan chức năng của Nghệ An đã tích cực làm việc với người dân, giải thích cho họ hiểu về giá trị, lợi ích của nông nghiệp CNC. Khi người dân hiểu, mọi việc tiến triển rất nhanh.
TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright:
Dưới góc độ tổng thể của nền kinh tế thì mức độ đầu tư cho nông nghiệp nói chung cách đây khoảng mười năm là 13-14% ngân sách nhưng hiện nay chỉ còn 6%. Như vậy, nếu nói về ưu tiên chính sách của Chính phủ thì không có nông nghiệp. Bởi vì ưu tiên trong chính sách phải được thể hiện bằng ưu tiên trong ngân sách.
Vì vậy, trong thời gian tới nông nghiệp VN đặc biệt là NNCNC vẫn cần phải hướng về xuất khẩu, không chỉ để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra nguồn ngoại tệ cho đất nước mà quan trọng hơn là tạo ra một động lực để nâng cao năng suất và tăng cường tính cạnh tranh. Đó là điều mà DN VN đang rất thiếu và đang rất cần, đặc biệt khi chúng ta đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt. Nếu như chúng ta cứ tiếp tục phương thức sản xuất cũ (công nghệ, phân phối tư liệu, đất đai...) thì không thể nào gia tăng được thêm năng suất cũng như đảm bảo được chất lượng và quan trọng là chiến lược phát triển NNCNC sẽ không đạt đích đến.
Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH Truemilk:
Cty cổ phần Thực phẩm sữa TH là DN thứ 3 được Bộ NN-PTNT cấp chứng chỉ Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Hiện Tập đoàn TH đang phát triển Dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp lớn tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Dù mới triển khai được 2 năm, nhưng tổng đàn bò sữa của TH hiện đã hơn 20.000 con, dự kiến 45.000 con vào năm 2013, năm 2017 tổng đàn bò TH sẽ lên tới 137.000 con. Với tổng kinh phí đầu tư cho giai đoạn 1 lên đến 350 triệu USD. Dự án được ứng dụng công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới, từ chế biến thức ăn, vắt sữa bò đến đóng gói sản phẩm sữa đều được khép kín bằng công nghệ nhập khẩu 100% từ Israel, Newzeland….
Tuy nhiên, khi dự án mới được triển khai khó khăn cũng rất nhiều bởi lẽ đây là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp nông thôn. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của nhà đầu tư thì sự kết hợp của chính quyền là điều không thể thiếu.
ÔngLê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Mía đường Lam Sơn:
Hiện chưa có nhiều mô hình NNCNC có hiệu quả có thể áp dụng tại VN. Trong khi đó, việc triển khai mô hình NNCNC thời gian qua còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương chưa có kế hoạch cụ thể để quy hoạch và xây dựng các vùng NNCNC. Nguyên nhân là do thiếu hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ liên quan đến phát triển NNCNC làm căn cứ cho các địa phương triển khai. Trong khi đó, kinh phí và nhân lực phục vụ cho nghiên cứu, nhập khẩu phát triển NNCNC còn thiếu và yếu.
Bất cập hiện nay trong phát triển NNCNC là khi các khu công nghiệp, khu đô thị được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, điện, giao thông… thì phát triển khu NNCNC lại chưa có cơ chế hỗ trợ tương tự. Điều này làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư từ phía các DN.
Từ những bất cập trên tôi cho rằng, chúng ta nên khuyến khích những công nghệ cao vừa đi vào những sản phẩm có tính hàng hoá lớn, tập trung.
|
Mai Thanh
Diễn đàn DN
|