Thứ Sáu, 10/08/2012 16:51

Nút thắt chi phí và sức mua

Lãi vay ngân hàng, tức là chi phí sử dụng vốn, vẫn là áp lực nặng nề nhất với doanh nghiệp. Mặc dù hiện lãi suất đang có xu hướng giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn rất yếu, điều đó cho thấy doanh nghiệp đã kiệt quệ. Chìa khóa để hồi sức cho doanh nghiệp nằm ở nút thắt chi phí kinh doanh và sức mua của thị trường.

Lạm phát giảm, nhưng chi phí vẫn tăng!

Theo dõi báo cáo tài chính quí 2-2012 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy một đặc điểm chung là dù kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng gần như tất cả đều có doanh thu bán hàng giảm, trong khi chi phí tài chính và chi phí sản xuất kinh doanh tăng mạnh. Vì vậy, không ngạc nhiên khi kết quả kinh doanh của nhiều công ty trong quí 2 và nửa đầu năm nay là thua lỗ. Số còn lại tuy vẫn có lãi, nhưng mức lãi cũng giảm mạnh, ít cũng vài ba chục phần trăm, nhiều thì lên đến 80-90%. Vấn đề đặt ra là vì sao lạm phát giảm, thậm chí là âm trong hai tháng gần đây, nhưng chi phí đầu vào của doanh nghiệp vẫn tăng?

Để tìm lời giải cho câu hỏi trên, hãy nhìn vào ngành công nghiệp xi măng, một trong những ngành khó khăn nhất hiện nay.

Với ngành này, chi phí năng lượng, cụ thể là điện và than, thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm.

So với cuối năm 2011, hiện giá điện đã tăng bình quân 5%, làm chi phí sản xuất xi măng tăng 2.348 đồng/tấn. Tượng tự, giá than bán cho xi măng (giá về tới cảng Sài Gòn) hơn 2,633 triệu đồng/tấn, tăng tới 27,48% so với năm 2011 và làm tăng chi phí sản xuất 73.628 đồng/tấn.

Như vậy, chỉ riêng việc tăng giá điện và than đã làm ngành xi măng tăng chi phí sản xuất tới 12%. Trong thực tế, chi phí giá điện đối với sản xuất xi măng không dừng ở mức bình quân kể trên, mà cao hơn vì tùy thuộc vào giá điện tính cho từng thời điểm trong ngày và cấp điện áp tại từng nhà máy. Đại diện Công ty Xi măng Hà Tiên 1 cho biết: “Thực tế đợt tăng giá điện vừa rồi cho Hà Tiên là tới 11%”.

Không riêng xi măng, việc tăng giá năng lượng cũng tác động đến tất cả các ngành công nghiệp khác với mức độ khác nhau. Cứ 10% giá than tăng thêm sẽ làm cho chi phí của ngành giấy tăng gần 2% và sản xuất phân đạm (từ than) tăng 4-5%. Tương tự, đợt tăng giá điện 5% vừa rồi làm chi phí sản xuất thép, từ khâu luyện cho đến thành phẩm cuối cùng, tăng 0,3-0,4%. Riêng với các ngành da giày và may gia công xuất khẩu, điện và lương công nhân là những chi phí đầu vào chính yếu, nên sự tác động của việc tăng giá điện vào giá thành còn nặng nề hơn.

Bên cạnh chi phí trực tiếp, giá năng lượng, mà cụ thể là xăng dầu, tăng còn gây áp lực lên chi phí lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp khác. Dầu chiếm khoảng 40% chi phí của ngành vận tải, nên cứ 10% tăng thêm của giá nhiên liệu sẽ làm cho cước phí vận tải tăng 4%. Trong nửa đầu năm ngoái, cước phí vận tải đã tăng 15-25%, trong đó vận tải đường sắt tăng 15% và đường bộ từ 15-25%. Hiện tại, sau những đợt điều chỉnh lên, xuống, giá dầu diesel vẫn cao hơn khoảng 11% so với thời điểm tháng 7-2011. Chi phí vận tải tăng mạnh nhất là đối với dịch vụ vận tải biển đi nước ngoài. So với cuối năm ngoái, cước phí vận tải container hiện đã tăng tới 50-70%, cá biệt có những tuyến tăng tới 100%.

Nguy nhất là sức mua giảm

Việc giá cả các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu tăng liên tiếp không chỉ làm chi phí của các ngành sản xuất tăng, mà còn tác động xấu tới sức mua của thị trường. Việc tăng chi tiêu cho xăng dầu, điện, nước, thuốc chữa bệnh và dịch vụ y tế... cũng đồng nghĩa với khoản chi cho các sản phẩm ít thiết yếu khác phải bị cắt bớt. Hơn nữa, do phản ứng tâm lý, mức cắt giảm chi tiêu các mặt hàng và dịch vụ khác không chỉ tương ứng với mức tăng chi phí cho các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, mà có thể còn cao hơn nhiều lần. Đây mới là mối nguy lớn nhất đối với doanh nghiệp.

Số liệu của Tổng cục Thống kê về sức mua của thị trường vẫn cho thấy một bức tranh màu sáng, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trên dưới 20%. Trong khi đó, chỉ số quản trị mua hàng (PMI), bộ chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của lĩnh vực sản xuất, do HSBC điều tra và công bố hàng tháng lại cho thấy một bức tranh khác hẳn. Từ tháng 4-2012 đến nay, chỉ số PMI của Việt Nam liên tục giảm với mức giảm ngày càng tăng. Nó phản ảnh sản xuất của doanh nghiệp đang giảm sút mạnh, do suy giảm sức mua của thị trường. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với hiện trạng thực tế của doanh nghiệp.

Trở lại với ví dụ của ngành xi măng. Với năng lực sản xuất khoảng 80 triệu tấn/năm, nhưng ngành này hiện chỉ hoạt động với hơn một nửa công suất thiết kế. Ngành thép, một số ngành hóa chất, chế biến thủy sản... cũng trong tình cảnh gần tương tự. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, nói rằng các doanh nghiệp phải vận hành được tối thiểu 70-80% năng lực sản xuất thì mới hiệu quả.

Chi phí đầu vào tăng, cộng với mức khấu hao và chi phí nhân công cao do phải hoạt động ở công suất thấp, càng làm cho giá thành sản phẩm tăng mạnh. Nhưng các doanh nghiệp lại không thể tăng giá bán. Thậm chí, các công ty xi măng còn phải khuyến mãi, giảm giá bán đến 20% để giành giật thị trường, cố “kéo dài sự sống được ngày nào hay ngày ấy”, như phó giám đốc một công ty xi măng thừa nhận.

Bất hợp lý ở đâu?

Thực ra lạm phát giảm mạnh, thậm chí âm, trong mấy tháng qua phần nhiều là vì doanh nghiệp và nông dân không thể tăng giá bán sản phẩm tương ứng với mức tăng chi phí. Ngược lại, những doanh nghiệp còn có thể tăng giá chủ yếu rơi vào các ngành cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu mà người dân cũng như doanh nghiệp không thể không mua. Đó là điện, nước, xăng dầu, than, gas và một số sản phẩm khác... Đây cũng là những ngành doanh nghiệp nhà nước đang độc quyền hoặc nắm quyền chi phối.

Hiện nay, khi mà mục tiêu của rất nhiều doanh nghiệp không phải là lợi nhuận, mà làm thế nào để có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn, chấp nhận lỗ để duy trì thanh khoản, thì việc các cơ quan quản lý nhà nước bật đèn xanh cho cho các doanh nghiệp điện lực, than, xăng dầu, cấp nước... tăng giá với lý do lợi nhuận hoặc bảo vệ nguồn thu cho ngân sách, liệu có hợp lý không?

Một câu hỏi nữa, giá xăng trên thị trường thế giới hiện đang thấp hơn thời điểm giữa tháng 7-2011 khoảng 2,5 đô la Mỹ/thùng, dầu diesel thấp hơn gần 12 đô la Mỹ/thùng, tỷ giá trong một năm qua gần như không thay đổi, nhưng vì sao giá xăng hiện nay lại cao hơn một năm trước 1.700 đồng/lít, dầu diesel cao hơn 2.000 đồng/lít?

Nên biết rằng, mỗi đồng doanh thu hay lợi nhuận tăng thêm của các ngành này trong thời điểm hiện nay đồng nghĩa với việc bóp nghẹt thêm sức mua của thị trường, đẩy nhiều doanh nghiệp khác đến gần bờ vực phá sản hơn.

Trách nhiệm của doanh nghiệp ở đâu?

(Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan)

Trong tình hình thị trường đi xuống, sức mua của người dân yếu, việc tăng giá điện, giá xăng đã tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp sản xuất do không thể tăng giá bán.

Trong cấu thành chi phí sản xuất của Vissan, thì nguyên liệu heo hơi chiếm 76%, còn lại là các chi phí khác.

Việc không ổn định chi phí đầu vào không phải là một tín hiệu tốt cho nhà sản xuất. Đầu vào tăng, đầu ra giảm, tức là lợi nhuận của nhà sản xuất bị mất đi. Đồng ý rằng, các mặt hàng như điện hay nguyên liệu phải được vận hành theo cơ chế thị trường, tuy nhiên cách tăng ở đây lại có vấn đề.

Trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng này ở đâu, khi họ tăng giá mà không hề báo trước, theo kiểu du kích. Trong khi, chúng tôi muốn tăng giá, thì phải báo cho người tiêu dùng trước ba ngày để họ chuẩn bị. Trong ba ngày chờ đợi đó, chúng tôi chấp nhận cả chuyện lỗ, vì đó chính là trách nhiệm với người tiêu dùng. Còn ở đây, thời điểm tăng giá không bao giờ được báo trước. Điều này cũng có trách nhiệm của các nhà quản lý, đã không có cơ chế quản lý việc tăng giá một cách minh bạch và hợp lý. Tăng giá bất ngờ như vậy là xâm phạm lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, nếu không muốn nói là đánh cắp lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trở nên kém cạnh tranh

(Ông Trần Anh Huy, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Huy Phát, chuyên sản xuất, cung cấp nguyên liệu thức ăn gia súc)

Là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hiện nay Huy Phát chỉ gói gọn sản xuất trong khả năng vốn tự có, không dám vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để kinh doanh.

Tuy nhiên, hàng loạt chi phí vừa qua tăng lên như giá điện (7-8%), phí vận chuyển, hoặc phải tăng lương cho người lao động do lạm phát cao… đã khiến hoạt động của công ty trở nên kém cạnh tranh. Theo tính toán, những khoản phí tăng thêm này đã nâng tổng chi phí trong giá thành sản phẩm lên thêm khoảng 5%, trong khi giá bán không tăng được, thậm chí nhiều lúc còn phải giảm, vì lượng tồn kho nhiều do ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn.

Mặt khác, việc giữ nguyên thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% trong bối cảnh hiện nay là quá cao, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất và khó cạnh tranh với các nhà nhập khẩu.

Cần sự dàn xếp của Chính phủ

(Ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Công ty Lữ hành Vitours)

Năm nay là năm kinh doanh cực kỳ căng thẳng bởi doanh nghiệp phải đối mặt với sự gia tăng chóng mặt của các loại chi phí hoạt động, từ chi phí dịch vụ, lãi vay ngân hàng, tiền thuê đất…Vì thế, dù đã cắt giảm chi phí, chấp nhận hoạt động không lãi, thậm chí có thể lỗ, nhưng công ty vẫn khó có thể đưa ra mức giá dịch vụ thấp để thu hút khách trong thời kỳ khách hàng đang phải “thắt lưng buộc bụng”.

Trong sáu tháng đầu năm 2012, chi phí để trả lãi vay ngân hàng của công ty đã tăng 20% so với cùng kỳ những năm trước. Mức lãi suất phải trả cho ngân hàng dao động trong khoảng 19-21%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chừng 14-15%. Cho đến thời điểm này, sau một thời gian khá dài kể từ khi Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất cho doanh nghiệp vay xuống còn dưới 15%, công ty mới gần xong quá trình thương thảo với ngân hàng để hưởng mức lãi suất này.

Hàng loạt chi phí liên quan đến du lịch như giá điện, giá xăng dầu, giá vé máy bay, vé xe đều tăng rất mạnh trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, vé xe tăng khoảng 30%, vé máy bay nội địa tăng từ 30-40% làm cho sức mua du lịch nội địa giảm. Giá vé nội địa của Việt Nam cao hơn giá vé nội địa của các nước lân cận từ 10-20%. Đáng lẽ khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phải giữ giá mới có khách hàng nhưng chúng tôi không thể làm được vì chi phí tăng cao.

Tôi cho rằng trong bối cảnh chi phí tăng cao như thế này cần có sự dàn xếp của Chính phủ để ổn định giá, lãi suất cho doanh nghiệp.


Tấn Đức

tbktsg

Các tin tức khác

>   EVN hủy kế hoạch đưa 400 sếp đi nước ngoài (10/08/2012)

>   Ngân hàng "vòi tiền" khi doanh nghiệp vay vốn? (10/08/2012)

>   Giành lại thị phần logistics trong vận tải biển: Bắt đầu từ đâu? (10/08/2012)

>   Doanh nghiệp Châu Âu tiếp tục kêu khó (10/08/2012)

>   Nam Triệu cần xác định về khả năng tồn tại (10/08/2012)

>   Vuột mất hàng tỷ USD vì công nghiệp phụ trợ kém (10/08/2012)

>   Dồn dập tăng giá, suy kiệt sức mua (10/08/2012)

>   Tập đoàn Điện lực hứa chấn chỉnh việc 400 sếp xuất ngoại (09/08/2012)

>   Doanh nghiệp đua nhau quỵt nợ (09/08/2012)

>   "Nếu chủ đầu tư cố tình giấu, kiểm toán khó phát hiện" (09/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật