Thứ Ba, 14/08/2012 08:52

Bia Huế liên tục gặp tin đồn xấu

Vấp phải hàng loạt tin đồn thất thiệt, uy tín và sản lượng bán ra thị trường của Công ty TNHH Bia Huế đã giảm mạnh.

Sau gần 1 năm hoàn toàn thuộc về Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch), thương hiệu Bia Huda của Công ty TNHH Bia Huế đã quyết tâm làm mới mình. Nhiều sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận, như bia Huda lon, Huda chai, bia lon Festival được nấu từ 100% đại mạch. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng của Bia Huế đã tăng 25% so với cùng kỳ. “Giờ mới là thời điểm thuận lợi nhất để hiện thực hóa chiến lược”, ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Công ty khẳng định.

Thế nhưng, trong vòng 2 tháng qua, Bia Huế liên tục “dính” phải tin đồn thất thiệt, như sắp bị một công ty Trung Quốc thôn tính, trong bia có độc tố. Những thông tin này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến uy tín và hoạt động kinh doanh của Bia Huế. Cả tháng nay, Bia Huế không bán được hàng. Đặc biệt, trong 2 tuần qua, sản lượng bia bán ra ở Quảng Bình, Quảng Trị giảm trên 20% và điều này đang có dấu hiệu lan rộng.

Theo ông Chi, toàn bộ bia Huda sản xuất ra đều được phía Đan Mạch kiểm định theo tiêu chuẩn, nên không có chuyện trong bia có độc tố. “Đây là cách cạnh tranh không lành mạnh của các đối thủ với Bia Huế”, ông Chi nói và cho rằng, tin đồn bia Huda có chất độc xuất phát từ tin đồn Bia Huế sắp bị một công ty Trung Quốc thôn tính.

Cũng theo ông Chi, Bia Huế đã trở thành công ty 100% vốn của Carlsberg, nhưng toàn bộ cán bộ, công nhân viên của Công ty, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến nhân viên trực tiếp sản xuất, hay nhân viên làm việc trên thị trường…, đều là người Việt Nam. Điều này là hoàn toàn bình thường, bởi theo cam kết giữa Bia Huế và Carlsberg, hầu hết bộ máy lãnh đạo, nhân lực, hệ thống phân phối của Bia Huế được giữ như hiện nay trong giai đoạn 2011-2016. “Carlsberg chưa có kế hoạch bán Bia Huế cho đối tác khác”, ông Chi khẳng định.

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Bia Huế, cũng khẳng định, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Bia Huế vẫn do Carlsberg làm chủ đầu tư, chưa chuyển nhượng cho phía đối tác nào khác.

Trên thực tế, trường hợp doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng bị thiệt hại lớn do tin đồn thất thiệt như Bia Huế không phải là mới. Trước đó, 2 cá nhân đã mạo danh Công ty Thái Lân (TP.HCM) trưng ra lô hàng mang bao bì giống nhãn hiệu Dr Thanh (Công ty Tân Hiệp Phát) bị hư hỏng, đóng cặn, vẩn đục. Ngay sau đó, đã xuất hiện lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm nước giải khát của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ sử dụng các nhãn hàng nước ngoài. Với kinh nghiệm trong xử lý những tin đồn tương tự, Tân Hiệp Phát đã chủ động thu hồi lô hàng theo nguyên tắc đảm bảo chất lượng toàn diện của sản phẩm khi lưu thông, sau đó tiến hành kiểm tra theo mẫu đã lưu và khẳng định chất lượng lô hàng đó không có vấn đề.

Tuy nhiên, khác với Tân Hiệp Phát, tin đồn về Bia Huế không xác định được nguồn gốc. Ông Chi cho hay, hiện người tung tin đang giấu mặt, nhưng Bia Huế có 3 hướng xử lý: tiếp tục thông qua phương tiện truyền thông khẳng định, Bia Huế không có đối tác nào khác; giải thích cho khách hàng hiểu rằng, những thông tin trên chỉ là tin đồn; đồng thời nhờ cơ quan công an kinh tế điều tra vụ việc.

Liên quan đến phương án khác phục hậu quả, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng, Bia Huế có thể tìm một phát ngôn viên uy tín, như một nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành… để đại diện phát ngôn cho mình. Bia Huế cũng có thể dựng một clip về quy trình sản xuất sản phẩm, từ khâu lựa chọn nguyên liệu, rồi kiểm tra chất lượng sản phẩm khi ra lò... để thông tin rộng rãi tới người tiêu dùng.

Anh Hoa - Trần Chởi

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp xi măng tìm lối thoát (14/08/2012)

>   Vi phạm công khai, cơ quan quản lý bất lực? (14/08/2012)

>   Xăng tăng giá, sản xuất khó càng thêm khó (13/08/2012)

>   Bộ NN&PTNT không cho xây nhà máy đường mới (13/08/2012)

>   Bổ sung thêm danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá (13/08/2012)

>   Cảng quốc tế hơn 360 tỷ đồng bỏ hoang (13/08/2012)

>   Sắp họp đặc biệt về tái cấu trúc Petro Vietnam, Vinachem (13/08/2012)

>   Hậu sáp nhập EVN Telecom vào Viettel: “Ai trả nợ hợp đồng cho tôi?” (13/08/2012)

>   VASEP kiến nghị xuất khẩu tôm phải có điều kiện (14/08/2012)

>   Ngành điện cần văn hóa ứng xử (13/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật