Doanh nghiệp xi măng tìm lối thoát
Thời điểm này, gói giải ngân 22.900 tỷ đồng mỗi tháng, được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường vật liệu xây dựng, vẫn chưa được thực hiện.
Mỗi doanh nghiệp đang chuẩn bị những giải pháp cụ thể để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong các tháng còn lại của năm.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, sản lượng tiêu thụ xi măng đang ngày một sụt giảm. Nếu như trong tháng 6, sản lượng tiêu thụ toàn ngành đạt 4,43 triệu tấn thì tháng 7 sụt xuống còn 4,12 triệu tấn. 7 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ toàn ngành chỉ đạt 27,6 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2011.
Ông Bùi Trần Đông, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, đơn vị sở hữu nhãn hiệu xi măng Vinacomin nhận định: “Tình hình tiêu thụ xi măng khó khăn đến không ngờ. Trước đây, khi Chính phủ thực hiện cắt giảm đầu tư công, Vinacomin vẫn có tiêu thụ tốt vì chủ yếu tiêu thụ trong dân. Nhưng nay sức mua trong dân cũng giảm sút nghiêm trọng”.
Thị phần của các đơn vị cũng có sự thay đổi đáng kể. Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), nhà sản xuất xi măng số 1 Việt Nam đã mất 2% thị phần so với năm 2011. Nhìn chung, tiêu thụ của các đơn vị trong Vicem đều giảm so với cùng kỳ, riêng Tam Điệp và Bút Sơn tiêu thụ tăng so với cùng kỳ (Tam Điệp đạt mức 137%). Hiện Vicem chiếm 33% thị phần trong nước, thị phần của các liên doanh xi măng tăng nhẹ từ 30% lên 30,2% và các doanh nghiệp xi măng khác chiếm 36,8% thị phần, tăng so với tỷ lệ 35% năm 2011.
Trong 6 tháng đầu năm, Vicem đạt 32.659 tỷ đồng doanh thu, bằng 98,8% cùng kỳ, nhưng lợi nhuận trước thuế là 333 tỷ đồng, bằng 172% so với cùng kỳ. Duy trì được lợi nhuận trong bối cảnh thị trường tiêu thụ suy giảm, Vicem vẫn còn dư địa để tăng thị phần trở lại nếu muốn, thông qua các chính sách bán hàng.
Hầu hết các doanh nghiệp xi măng, nhất là những doanh ngihệp có công suất lớn như Xi măng Nghi Sơn (4,3 triệu tấn/năm), Xi măng Chinfon (3,9 triệu tấn/năm), Xi măng Holcim (4,7 triệu tấn/năm) hay Vicem (19 triệu tấn/năm) đều cho biết sẽ có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Ông Đông cho biết, Xi măng Vinacomin đang tính toán để tung sản phẩm xi măng xây trát cao cấp ra thị trường.
Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem nói: “Trong quý III, thời tiết mưa bão nhiều, tiêu thụ trong nước chậm hơn các quý còn lại. Vicem đang tiến hành đồng bộ 3 giải pháp: đa dạng hóa chủng loại sản phẩm ,thỏa mãn các phân khúc khác nhau của khách hàng; tăng cường hệ thống phân phối xuống tận đại lý cấp 2 và cửa hàng cùng với có chế độ hợp lý để hỗ trợ tiêu thụ; đưa xi măng vào làm đường giao thông tại các tỉnh, cùng với thúc đẩy việc xuất khẩu”.
Cụ thể, Vicem sẽ tăng cường dòng sản phẩm PC40, PC50 cho các công trình công nghiệp, các trạm trộn bê tông, sản phẩm xi măng xây trát cao cấp MC25, xi măng chịu mặn… Bên cạnh đó, có thể giảm độ dư mác của sản phẩm xi măng như PC40 về khoảng 43 để có giá thành hợp lý. Vicem dự kiến, 6 tháng cuối năm sẽ xuất khẩu 600 - 700 ngàn tấn sản phẩm, trong đó, Vicem Hà Tiên sẽ xuất khẩu sang Campuchia.
Đầu năm 2012, Bộ Xây dựng đưa ra dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tăng 10% so với năm 2011. Nhưng chỉ đầu quý II, Bộ lại dự báo tiêu thụ năm 2012 chỉ bằng 2011. Thực tế 7 tháng đầu năm 2012, lượng tiêu thụ chỉ bằng 50,3% so với kế hoạch năm. Nếu trong các tháng còn lại, nhu cầu tiêu thụ không được cải thiện thì sản lượng tiêu thụ năm nay chưa chắc đã bằng con số của năm trước, như dự báo của Bộ Xây dựng.
Trung Kiên
đầu tư chứng khoán
|