Thứ Năm, 16/08/2012 10:26

Công ty Mỹ đổ xô trở lại Myanmar

Các thương hiệu lớn của Mỹ lũ lượt trở lại mảnh đất vàng cuối cùng của Đông Nam Á.

 

Trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, khi Myanmar còn được gọi là Miến Điện, các công ty đa quốc gia như Pepsi-Cola, Apple và Levi Strauss đã có hoạt động kinh doanh ở đây, mặc dù các chính quyền quốc hữu hóa nhiều ngành công nghiệp với danh nghĩa “Chủ nghĩa xã hội theo hình thức của Miến Điện”.

Tuy nhiên, vào năm 1997, chính quyền Clinton đã cấm vận đầu tư Miến Điện vì chính quyền quân sự đất nước Đông Nam Á này đã đàn áp tàn bạo phe đối lập dân chủ.

Chính quyền Bush tiếp sau đó đã áp dụng trừng phạt kinh tế Miến Điện nặng nề hơn trong năm 2007 và 2008: cấm xuất khẩu sang Mỹ, đóng băng tất cả tài sản của các quan chức chính quyền và bạn bè của họ ở Mỹ, cấm các giao dịch quốc tế sử dụng USD...

Tuy nhiên, ngay sau khi khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Myanmar, các thương hiệu lớn của Mỹ không bỏ qua cơ hội đầu tư trở lại quốc gia giàu tài nguyên này. Các công ty Mỹ đã hối thúc chính quyền Obama sớm hủy bỏ lệnh cấm vận Myanmar vì lo sợ sẽ bị mất một thị trường béo bở về tay các công ty đối thủ tại châu Âu và châu Á.

Lời hứa bãi bỏ giới hạn đầu tư đã được Mỹ công bố hồi tháng 5 nhưng đến giờ mới được đưa vào thực hiện là do các quan chức Mỹ thảo luận về tình hình kinh doanh ở Myanmar.

Theo quyết định mới, tất cả doanh nghiệp Mỹ có vốn đầu tư vào Myanmar trên 500.000 USD phải nộp báo cáo thường xuyên cho Bộ Ngoại giao về bất kỳ khoản chi nào cho Chính phủ Myanmar và về cách thức giải quyết vấn đề nhân quyền, tham nhũng và rủi ro môi trường liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ.

General Electric công bố kế hoạch mở một văn phòng tại Myanmar ngay sau khi Mỹ nối lại các hoạt động kinh tế tại đây vào tháng 7. Chevron, tập đoàn năng lượng lớn thứ 2 của Mỹ, hiện đang nắm giữ cổ phần trong một dự án khí gas tại Myanmar.

Trước đó 2 tháng, công ty quảng cáo Ogilvy & Mather đã mua lại cổ phần một công ty quảng cáo địa phương và trở thành công ty quảng cáo phương Tây đầu tiên thiết lập hoạt động tại Myanmar trong hai thập kỷ qua.

Sự cải cách đang đưa Myanmar, từng là một trong những nước giàu có nhất châu Á, trở lại là tâm điểm đầu tư. Báo Financial Times của Anh cho rằng, quyết tâm cải cách rõ ràng của chính quyền Myanmar đang thu hút mạnh các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ.

“Gần như tất cả các tập đoàn lớn của Mỹ đều đã có mặt ở Myanmar thông qua các công ty trung gian”, Ernest Bower, Phụ trách chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, thừa nhận.

Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư từ Mỹ sẽ vẫn còn hạn chế cho đến khi Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á tung ra các khoản cho vay lớn giúp Myanmar cải thiện cơ sở hạ tầng đã mục nát: điện khan hiếm, đường đổ nát và tỷ lệ sử dụng điện thoại di động thấp thứ hai trên thế giới; chỉ có hai ngân hàng nhà nước tín dụng quốc tế, phần còn lại không có liên kết các ngân hàng khu vực và kinh doanh với sổ sách và bó tiền mặt chất đống trên sàn nhà...

Tuy nhiên, các quỹ đầu tư như Leopard Capital tại Hồng Kông và Dragon Capital tại Việt Nam đang hình thành các quỹ có cổ phần khá lớn tại Myanmar. Quản lý của Quỹ Indochina Opportunity Fund cho biết có khoảng 50 triệu USD trong quỹ 350 triệu USD sẽ được đầu tư sớm vào Myanmar.

Tình hình khả quan trên đã lôi kéo hãng nước ngọt Coca-Cola trở lại Myanmar sau hơn nửa thế kỷ. Coca-Cola đã đến Myanmar lần đầu tiên năm 1927 và rút khỏi nước này sau khi chính quyền quân sự lên nắm quyền năm 1962.

Coca-Cola cho biết trong thời gian đầu, sản phẩm bán tại Myanmar chủ yếu nhập từ các nước lân cận trước khi họ có thể xây nhà máy tại đây. Trong thông báo của mình, Coca-Cola cũng cho biết sẽ tặng 3 triệu USD nhằm hỗ trợ phụ nữ Myanmar tìm kiếm việc làm.

Một hãng nước ngọt khác của Mỹ là Pepsi mặc dù cắt giảm 8.700 việc làm trong kế hoạch tiết kiệm 1,5 tỷ USD nhưng vẫn công bố kế hoạch trở lại Myanmar sau khi rút khỏi đây vào năm 1997.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, Diamond Star, một trong những nhà phân phối hàng hóa đóng gói và đóng chai lớn nhất Myanmar, sẽ độc quyền nhập khẩu và phân phối ba sản phẩm giải khát của Pepsi bao gồm Pepsi-Cola, 7-Up và Mirinda.

Giải thích cho quyết định này, bà Indra Nooyi, Chủ tịch của Pepsi, chỉ nói rằng: “Đây là một thị trường với tiềm năng vô cùng lớn, chúng tôi tin tưởng sẽ có một tương lai kinh doanh thuận lợi tại đây”.

Thụy Kha

Doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Campuchia thu hút 692 triệu USD vốn đầu tư nửa đầu năm (15/08/2012)

>   DN Việt sẽ được tạo điều kiện đầu tư tại Bắc Lào (13/08/2012)

>   PepsiCo trở lại thị trường Myanmar (10/08/2012)

>   Cơ hội từ thị trường Myanmar (05/08/2012)

>   WB và ADB mở văn phòng đại diện tại Myanmar (02/08/2012)

>   Thị trường Myanmar: Bước vào một chân (01/08/2012)

>   Cơ hội làm ăn ở Myanmar (30/07/2012)

>   TinNghia mở rộng đầu tư tại Lào (26/07/2012)

>   SBT và BHS đã đầu tư trên 110 tỷ đồng mở rộng trồng mía sang Campuchia (25/07/2012)

>   DN Việt tại Lào: Đầu tư và nghĩ đến kinh doanh bền vững (22/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật