Chủ Nhật, 22/07/2012 07:58

DN Việt tại Lào: Đầu tư và nghĩ đến kinh doanh bền vững

Lào hiện là thị trường đầu tư lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời là nước đứng thứ hai về đầu tư nước ngoài tại Lào. Nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm tại đây cho biết, việc đầu tư không chỉ đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận mà phải gắn với các tiêu chí bền vững và trách nhiệm xã hội.

Năm 2008, Viettel mở rộng đầu tư sang Lào thông qua liên doanh 49% với công ty viễn thông Quân đội Lào (LAT) có thương hiệu Unitel. Sau hai năm, Unitel đã đứng số một về hạ tầng và phủ sóng khắp nước Lào. Năm 2011, Unitel thành mạng lớn nhất trong bốn mạng viễn thông tại Lào, tính cả về thị phần, khách hàng và mạng lưới: chiếm 42% thị phần, 2 triệu thuê bao, 16.000km cáp quang và 2.500 trạm BTS cùng kênh phân phối phủ tới xã. Thông qua liên doanh, Viettel đã đầu tư nghiêm túc, bền vững để đạt được vị trí tương xứng trên thị trường.

Hiểu nhu cầu sở tại

Unitel kinh doanh hiệu quả đã giúp đối tác gây dựng lại một doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn cả về vốn và hướng kinh doanh. Rộng hơn là đã đóng góp gần 50% tổng hạ tầng viễn thông Lào, đưa mật độ hạ tầng tăng gần năm lần, từ 250 BTS và 1.300km cáp quang/1 triệu dân lên 950 BTS và 6.600km; tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân nông thôn qua việc xã hội hoá bán hàng; Viettel cung cấp internet miễn phí đến tất cả các trường học, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ của thế hệ trẻ. Năm 2011, Unitel đóng góp trực tiếp 1% trong tổng GDP của Lào, đồng thời Viettel cũng chuyển về nước hơn 9,5 triệu USD lợi nhuận sau hai năm kinh doanh.

Với nhiều doanh nghiệp đang đầu tư tại Lào, việc sản xuất, kinh doanh của họ còn gắn liền với các chương trình xã hội, từ quỹ phúc lợi đến các dự án xây tặng nhà cho dân nghèo, các công trình cầu đường, bệnh viện, trường học…, là những chương trình, công trình rất cần thiết với người dân sở tại. Công ty Cao su TP.HCM gắn với các chương trình y tế cộng đồng, các chương trình khuyến nông và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân… “Các công trình phúc lợi có thể không lớn nhưng góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nơi doanh nghiệp đi qua và chúng tôi cảm thấy trách nhiệm ở đó”, ông Trần Phú Lữ, chủ tịch HĐQT công ty Cao su TP.HCM, cho biết.

Đại diện Viettel cho biết, sự thành công không chỉ riêng nỗ lực doanh nghiệp mà còn nhờ vào quan hệ hữu nghị hai nước, những tương đồng về văn hoá và phong tục giúp họ áp dụng những kinh nghiệm tại Việt Nam ở Lào một cách thuận lợi. Với việc gần gũi về địa lý, văn hoá, Viettel cũng đã thiết lập được điểm trung chuyển (hub) giữa ba nước Đông Dương, là thế mạnh kinh doanh gắn với an ninh quốc phòng. “Chúng tôi thu được nhiều kinh nghiệm khi triển khai kinh doanh ở một đất nước mà đất rộng, người thưa, địa hình trắc trở để áp dụng cho những thị trường khó khăn hơn”, đại diện Viettel nói.

Cơ hội ở cạnh láng giềng

Theo ông Phạm Văn Thành, trưởng ban kế hoạch đầu tư tập đoàn Cao su Việt Nam, từ năm 2005 tập đoàn đã có chiến lược phát triển cao su tại Lào, đến giữa năm 2012 đã trồng được 30.000ha và đưa vào khai thác 5.000ha. Công ty cũng đã xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su công suất 6.000 tấn/năm, đầu tư cho hệ thống đường, điện và công trình khai thác mủ. Theo ông Thành, thổ nhưỡng và khí hậu ở Lào phù hợp với việc trồng cao su không kém tại Việt Nam. Lợi thế nữa là chi phí thấp với lương công nhân từ 100 – 150 USD, giá thuê đất rẻ, diện tích đất lớn và thời gian cho thuê dài đủ để doanh nghiệp có chiến lược đầu tư dài hạn. “Lúc đầu chúng tôi băn khoăn về trình độ lao động, nhưng sau thời gian cho thấy, lao động Lào tiếp thu nhanh các kỹ thuật được chuyển giao”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình, phó tổng giám đốc tổng công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai), nhận định Lào có tiềm năng lớn về nông nghiệp và du lịch, vì thế, công ty tập trung đầu tư vào hai dự án tại Champasak để khai thác các sản phẩm từ càphê và cao su cùng với khu nghỉ dưỡng Mekong. Tín Nghĩa cũng chuẩn bị đầu tư cho khu công nghiệp trên 500ha tại Champasak. Từ năm 2008, nông trường càphê Tín Nghĩa rộng trên 300ha đã được triển khai tại Champasak, dự kiến sẽ trồng thêm 200ha. “Lao động trong nông trường phần lớn là người Lào nên việc phát triển sản xuất rất thuận lợi”, ông Bình cho biết.

Cách đây chưa lâu, công ty Golf Long Thành cũng đã được Chính phủ Lào cấp phép thành lập đặc khu kinh tế, theo đó, thay vì thời hạn thuê đất thông thường 50 năm, công ty được hưởng thời hạn 99 năm. Dự án có tổng vốn hơn 1 tỉ USD để xây khách sạn năm sao, sân golf 18 lỗ, khu biệt thự cao cấp, trường học, bệnh viện và khu nghỉ dưỡng với tổng diện tích hơn 550ha tại Hạt Sai Phong. Nhà đầu tư đã khởi công năm 2010, dự kiến hoàn thành năm 2022.

Những băn khoăn

Quá trình hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp Việt trên đất Lào, ngoài những thuận lợi nhất định cũng có những khó khăn. Theo ông Thành, quy định về tỷ lệ lao động nước ngoài không quá 10% tổng số lao động đã khiến doanh nghiệp không đưa được nhiều chuyên viên kỹ thuật sang hướng dẫn lao động địa phương để thúc đẩy tiến độ dự án. “Làm sao có sự liên kết đào tạo sâu giữa Việt Nam và Lào. Chúng tôi muốn đưa lao động Lào về Việt Nam để đào tạo lao động và kỹ thuật nhưng hiện nay chưa có hành lang pháp lý giữa hai bên để thực hiện”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, những khó khăn khác như Lào chưa có cảng biển xuất khẩu, vì thế khi chế biến phải kéo về Việt Nam làm tăng chi phí vận chuyển. Cơ chế và chính sách đầu tư nông nghiệp hiện cũng chưa rõ ràng do bản đồ địa chính xác định ranh giới chưa được đưa vào toạ độ, có thể ảnh hưởng đến việc chứng minh quyền sở hữu của doanh nghiệp về sau. “Luật định của Lào hiện cũng không cấp phép thêm các dự án cao su, tuy nhiên cần thực hiện các cam kết trước đây với nhà đầu tư đối với các dự án đã cấp”, ông Thành nói.

Vẫn còn nhiều khó khăn khi làm ăn tại Lào mà nhà đầu tư chưa lường hết nên nhiều dự án chậm tiến độ. Năng lực tài chính của một số doanh nghiệp hạn chế đã ảnh hưởng đến dự án, thậm chí một số doanh nghiệp bị phàn nàn không chấp hành tốt quy định về đầu tư của Lào. Dù vậy, các doanh nghiệp khẳng định đây là thị trường phù hợp và hấp dẫn, doanh nghiệp Việt Nam cần có thiện chí và làm ăn chuyên nghiệp để khẳng định vị trí lâu dài, nhất là Lào hấp dẫn doanh nghiệp Việt thì cũng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư có khả năng cạnh tranh cao hơn từ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Việt Nam là nước đứng thứ hai về đầu tư nước ngoài tại Lào

Hiện Việt Nam là nước đứng thứ hai về đầu tư nước ngoài tại Lào, với 424 dự án có tổng vốn 3,57 tỉ USD, dự kiến tăng lên 5 tỉ USD vào năm 2015. Kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào năm 2011 đạt 734 triệu USD, tăng 50% so với năm 2010, riêng quý 1/2012 đạt 135,8 triệu USD, tăng 66,6% so cùng kỳ. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỉ USD trong năm 2012 và đạt 2 tỉ USD vào năm 2015.

 

Duy Ân – Hoàng Bảy – Các Ngọc

Sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Campuchia hạ dự báo tăng trưởng GDP 2012 xuống 6.9% (18/07/2012)

>   Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức: “Ở Lào, tôi như người đi xa trở về nhà” (18/07/2012)

>   TQ đầu tư mạnh cho ngành nông nghiệp Campuchia (17/07/2012)

>   Xúc tiến thương mại đầu tư vào Vientiane, Champasak (16/07/2012)

>   Trung Quốc viện trợ “không điều kiện” cho Campuchia? (16/07/2012)

>   Trung Quốc đổ hàng tỉ USD vào Campuchia (15/07/2012)

>   Lào: Nợ nước ngoài tăng chậm, triển vọng GDP khá lạc quan (15/07/2012)

>   Vào Myanmar: Mở văn phòng, tránh đường vòng (12/07/2012)

>   Mỹ chính thức cho phép đầu tư vào Myanmar (12/07/2012)

>   Myanmar kêu gọi Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp (11/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật