Thứ Năm, 12/07/2012 15:42

Vào Myanmar: Mở văn phòng, tránh đường vòng

Thị trường Myanmar gần đây được đánh giá nhiều tiềm năng đối với các DN Việt Nam. Tuy nhiên, muốn đưa hàng vào thị trường này, DN cần phải biết cách thâm nhập.

Nhiêu khê đường vòng

Theo ông Đàm Trung Bắc, Tổng lãnh sự danh dự Liên bang Myanmar tại TPHCM, vì thị trường mới mở cửa theo cơ chế kinh tế thị trường nên Myanmar rất cần sự đầu tư và hợp tác của nhiều nước trên thế giới. Theo khảo sát, hiện nay các mặt hàng tiêu dùng được sản xuất tại Myanmar chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu.

Trên thực tế, nhiều DN Việt Nam đã tiến hành đưa hàng vào thị trường vào Myanmar, nhưng việc làm ăn với DN Myanmar còn phát sinh một số vấn đề do chưa hiểu tập quán của họ. Chẳng hạn, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Viettranimex Group, việc gửi tiền trực tiếp vào các ngân hàng Myanmar vẫn còn nhiều rủi ro với các DN.

Đã xảy ra trường hợp một DN ngành gỗ chuyển tiền vào ngân hàng Myanmar bị treo 300.000USD mà không hay biết. Do đó, nhiều DN có thâm niên làm ăn với thị trường này cho rằng khi giao dịch với các DN Myanmar nên thanh toán qua ngân hàng tại Singapore để đảm bảo an toàn.

Tính đến nay, đã có nhiều DN Việt Nam có thâm niên xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Myanmar, nhưng một số DN cho biết việc giao dịch mua bán vẫn còn theo hình thức mua đứt bán đoạn. Đại diện một công ty mỹ phẩm tại Việt Nam cho biết 10 năm qua, đã thực hiện giao dịch liên tục với một DN tại Myanmar để đưa hàng vào thị trường này.

Tuy nhiên, khi khảo sát nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, DN này nhận thấy giá sản phẩm được đối tác phân phối lại trên thị trường cao gấp 4 lần so với giá nhập khẩu. Khi làm việc với đối tác về vấn đề này, họ viện lý do phải chịu nhiều loại chi phí nên phải tăng giá bán ra.

Dù rất lo ngại sản phẩm sẽ giảm tính cạnh tranh trên thị trường nhưng vì luôn giao dịch theo kiểu mua đứt bán đoạn qua DN trung gian, chưa tự thâm nhập được vào kênh phân phối nên DN này phải chấp nhận.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc các DN chỉ phụ thuộc vào một đầu mối kinh doanh tại Myanmar hoặc qua khâu trung gian sẽ không thể đi sâu khai thác tiềm năng lớn của thị trường, thậm chí còn bị giảm sức cạnh tranh. Ngoài ra, khi nhập khẩu sản phẩm các DN Myanmar phải chịu nhiều chi phí.

Trong đó, tỷ giá chính thức tại Myanmar chênh lệnh khá cao so với tỷ giá chợ đen nên chi phí mua ngoại tệ cũng khá cao. Ngoài ra, Chính phủ Myanmar còn quy định DN chỉ được nhập tương đương kim ngạch xuất khẩu nên họ còn phải chịu chi phí quota và một số phí khác, khiến hàng hóa bán ra thị trường luôn bị đội lên so với giá thực tế.

Thâm nhập trực tiếp

Từ đầu năm đến nay nhiều DN Việt Nam đã tự tổ chức hoặc cùng các đoàn DN tham gia vào các chuyến khảo sát thị trường Myanmar để tìm hiểu nhu cầu, tập quán kinh doanh và đã có được những thành công bước đầu. Sau những lần tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, hệ thống phân phối Orange của Myanmar đã tiến hành làm việc với nhiều đối tác của Việt Nam.

Theo đó, Orange đã đặt công ty nước giải khát Tân Quang Minh 1 container hàng hóa để đưa vào hệ thống phân phối tại thị trường này. Các công ty thực phẩm như Cầu Tre, Sagiang Food, Tân Hoàn Cầu cũng ký được một số hợp đồng đưa hàng vào các chuỗi bán lẻ lớn ở Myanmar. Công ty May An Phước đã tiếp cận và ký được hợp đồng đưa hàng vào các trung tâm thương mại tại 2 thành phố lớn nhất Myanmar là Yangon và Mandalay.

Theo ông Chu Công Phùng, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, hàng Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều và được người tiêu dùng ưa chuộng vì giá cả hợp lý, đặc biệt áo quần, giày dép, gốm sứ, nhựa gia dụng, hóa mỹ phẩm…

Đây là một tín hiệu vui, nhưng muốn đi sâu vào thị trường và làm ăn lâu dài, ngoài việc tìm đối tác xuất khẩu, DN Việt cần phải đặt thêm các văn phòng đại diện và liên kết với DN Myanmar để dễ dàng hơn trong các khâu thủ tục, xin giấy phép.

Trong 10 năm qua, Viettranimex đã đặt văn phòng đại diện và kinh doanh nhiều mảng như lúa gạo, gỗ, thủy sản… đạt được hiệu quả rất cao. Nắm được điểm mấu chốt này, CTCP Mỹ phẩm Sài Gòn đã ký kết hợp đồng thương mại với một DN Myanmar theo hướng thâm nhập sâu vào thị trường thông qua việc xây dựng hình ảnh và các hệ thống phân phối để người tiêu dùng nhận biết và hiểu về sản phẩm.

Năm 2012, Tổng công ty May Việt Tiến đưa ra mục tiêu mở thêm tổng đại lý phân phối tại các nước châu Á gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Myanmar là một thị trường được chú trọng vì nhu cầu tiêu thụ cao và thị hiếu tiêu dùng khá dễ tính.

Mới đây, C.T Group đã thông qua kế hoạch hỗ trợ DN Việt Nam muốn kinh doanh tại Myanmar hoặc có dự án tại nước này bằng việc tiến hành phát triển gói dịch vụ xin cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện, hoặc thành lập công ty tại Myanmar cho các DN Việt Nam có nhu cầu.

C.T Retail (thành viên của C.T Group) cũng đang đẩy mạnh việc đưa hàng hóa vào thị trường Myanmar, nhằm phủ các kênh bán sỉ và bán lẻ tại đây. Ngoài ra, C.T Retail nhận làm đại lý độc quyền cho các sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam muốn đưa sản phầm vào thị trường này. Với những nền tảng các DN Việt đang tạo ra tại thị trường Myanmar, sắp tới các DN Việt Nam có thể sớm chủ động liên doanh, liên kết để đẩy mạnh đưa hàng vào thị trường đầy tiềm năng này.

Yên Lam

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Mỹ chính thức cho phép đầu tư vào Myanmar (12/07/2012)

>   Myanmar kêu gọi Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp (11/07/2012)

>   Việt Nam đứng thứ 3 đầu tư vào Lào (08/07/2012)

>   Doanh nghiệp Anh tìm kiếm cơ hội đầu tư ở châu Á (02/07/2012)

>   Sửa đổi Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Campuchia (27/06/2012)

>   Campuchia: Lạm phát tháng 5 tiếp tục giảm mạnh còn 3.7% (25/06/2012)

>   Nhiều cơ hội đầu tư sang Campuchia (25/06/2012)

>   Các ngân hàng Nhật Bản tăng đầu tư tại Myanmar (24/06/2012)

>   Myanmar: Miền đất hấp dẫn và thách thức (22/06/2012)

>   Myanmar bắt đầu đợt sóng cải cách thứ hai (20/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật