Thứ Sáu, 22/06/2012 10:17

Myanmar: Miền đất hấp dẫn và thách thức

Một thị trường khan hiếm hàng tiêu dùng cơ bản, khan hiếm vật sản xuất nông nghiệp, các ngành sản xuất hầu như chưa phát triển nhưng tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản phong phú đã trở thành điểm đến hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu đi tìm cơ hội ở mảnh đất nhiều tiềm năng này.

Chỉ hai ngày đầu của hội chợ triển lãm thương mại dịch vụ TP.HCM (HCMC Expo 2012) tại Yangon, nhiều doanh nghiệp không ngờ đã bán gần hết số hàng mang qua, đành giữ lại hàng mẫu hoặc trưng bày catalogue tại triển lãm.

Khan hiếm hàng hoá

Ông Huỳnh Thanh Hải, giám đốc kinh doanh công ty nhôm Kim Cương cho biết, chuyến xúc tiến này thành công, không phải do bán hết hàng mà cho thấy đây là thị trường còn khan hiếm hàng hoá, sản phẩm và mức giá đưa ra được người dân địa phương chấp nhận. Tương tự, những gian hàng thực phẩm đóng gói của Việt Hương, Miliket, CT Group lúc nào cũng đông khách.

Công ty dệt may Gia Định đã có hai chuyến xúc tiến tại Myanmar và bán thử sản phẩm. Chăn mùng, áo sơmi được người dân địa phương tranh mua. Ông Hà Viết Thanh, chủ tịch hội đồng quản trị, tính toán với mức giá bán được trừ đi chi phí thì việc kinh doanh tại đây là thuận lợi. “Chúng tôi sẽ có chuyến khảo sát sâu hơn, trước mắt tìm kiếm đối tác uy tín tại địa phương để phát triển thị trường, sau đó tính tới chuyện hợp tác sản xuất. Hiện tại chi phí nhân công may mặc ở Việt Nam vẫn còn cạnh tranh nhưng vài năm tới Myanmar là nơi hấp dẫn. Những kinh nghiệm doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn đầu phát triển có thể áp dụng được tại thị trường mới này”, ông Thanh nhận định.

Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng cho biết, hàng Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều và được dân địa phương ưa chuộng, đặc biệt áo quần giày dép, gốm sứ, nhựa gia dụng, hoá mỹ phẩm…

Tìm đường khai thác nông nghiệp

Với diện tích 676.000km2 (thứ 39 thế giới), hơn 8 triệu km2 mặt nước và hơn 2.000km bờ biển, tài nguyên khoáng sản dồi dào nhưng hầu hết các ngành sản xuất Myanmar chưa phát triển, đất nông nghiệp bỏ hoang nhiều do thiếu hệ thống tưới tiêu và thiết bị sản xuất. Trong chuyến thăm của Tổng thống Thein Sein đến Việt Nam hồi tháng 3, hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar đã công bố khoản đầu tư 100 triệu USD vào lĩnh vực nông nghiệp Myanmar. Các doanh nghiệp Việt Nam đang dò đường vào đây vì thấy rõ tiềm năng và những điểm tương đồng.

Sau chuyến xúc tiến kết thúc, công ty phân bón Bình Điền đã tổ chức tiếp cuộc hội thảo quy tụ các nhà khoa học và quản lý nông nghiệp từ Việt Nam sang chia sẻ kinh nghiệm với gần 100 đối tác là nhà quản lý trang trại, công ty nông nghiệp, phân phối tại vùng Yangon… Bình Điền dự tính bắt đầu từ vùng Yangon, nơi có phí vận chuyển thấp hơn, vùng này lại xa biên giới Thái – nơi có thị trường lớn về nông nghiệp. Mục tiêu trước mắt là thiết lập cánh đồng mẫu ở Yangon như đã làm thành công tại Campuchia. Theo tổng giám đốc Lê Quốc Phong, nền nông nghiệp ở đây còn quá nhiều tiềm năng, phải tìm cách chia sẻ kinh nghiệm với đối tác để tiếp cận thị trường, dần dà chuyển giao kỹ thuật đến nông dân. “Chúng tôi còn kỳ vọng hợp tác khai thác mỏ phốtpho nguyên liệu cho nhà máy phân bón tại chỗ”.

Viettranimex đã đặt văn phòng đại diện và kinh doanh nhiều mảng như lúa gạo, gỗ, thuỷ sản… Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thanh chia sẻ: “Doanh nghiệp cần có văn phòng tại chỗ để lăn lộn với đối tác địa phương. Bộ máy gọn nhẹ với một nhân viên phát triển thị trường giỏi tiếng Anh và một nắm về tài chính”. Đại sứ Phùng cũng cho biết hầu hết những công ty đặt văn phòng đại diện tại Myanmar từ năm 2009 đến nay đều làm ăn tốt.

Chờ cộng đồng

Nhiều dự án đã được cấp phép hoặc đang chờ vào Myanmar như Hoàng Anh Gia Lai với tổ hợp mua sắm, văn phòng và chung cư 300 triệu USD, thực vật An Giang và VinaCapital ký kết mở nhà máy chế biến nông sản 100 triệu USD, Simco Sông Đà đầu tư vào mỏ đá, tập đoàn Dầu khí với giấy phép thăm dò dầu khí, Viettel, VNPT, BIDV, CT Group, Vietnam Airlines, Viettranimex, tập đoàn Cao su Việt Nam…

Đầu tư của Việt Nam vào Myanmar được cấp phép mới 43 triệu USD, dự kiến đạt 100 triệu năm nay, nếu tính các dự án đang chờ sẽ trên 500 triệu USD. Chỉ năm tháng đầu năm, kim ngạch thương mại Việt Nam – Myanmar đã đạt 90 triệu USD, bằng 70% cả năm 2011. Các doanh nghiệp nhỏ đã năng động đưa hàng vào Myanmar như hàng tiêu dùng, sắt thép, vật liệu xây dựng, thực phẩm… Theo đại sứ Chu Công Phùng, nếu có cộng đồng doanh nghiệp mạnh thì việc làm ăn ở đây sẽ thuận lợi hơn. “Hiện tại doanh nghiệp đang khó khăn về thanh toán nhưng sắp tới BIDV thiết lập được liên doanh với ngân hàng nội địa thay cho cơ chế văn phòng đại diện hiện nay thì việc thanh toán sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Phùng nói.

Tuyết Ân

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Myanmar bắt đầu đợt sóng cải cách thứ hai (20/06/2012)

>   Đầu tư vào Myanmar: Cẩn tắc vô ưu! (20/06/2012)

>   Mandalay kêu gọi doanh nghiệp TPHCM đầu tư (19/06/2012)

>   Myanmar: những ngành sản xuất hấp dẫn đầu tư (17/06/2012)

>   Đầu tư vào Myanmar: Ngỗng tơ có đẻ trứng vàng? (11/06/2012)

>   DPM: Dự kiến thành lập Văn phòng đại diện tại Myanmar (05/06/2012)

>   Những ưu tiên kinh tế cần thiết đối với Myanmar (05/06/2012)

>   Cơ hội đầu tư vào Myanmar (04/06/2012)

>   Myanmar đăng cai Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á (01/06/2012)

>   Kinh tế Campuchia tăng trưởng khả quan trong 2012 (24/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật