Cơ hội đầu tư vào Myanmar Myanmar được cho là mảnh đất “vàng” cuối cùng của châu Á được dự báo sẽ là điểm đến của các dòng vốn đầu tư lớn trên thế giới. Các DN Việt Nam nếu không muốn làm “trâu chậm uống nước đục” phải nhanh chân chớp lấy những thời cơ đầu tư. Ồ ạt vào Myanmar Việc Hoa Kỳ và châu Âu tạm ngừng các biện pháp cấm vận đối với Myanmar cùng những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn mà chính phủ nước này đưa ra (thời gian miễn thuế cho nhà đầu tư nước ngoài kéo dài đến 8 năm, thay vì miễn 5 năm và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo như hiện nay; nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất trong vòng 50 năm đồng thời không bị khống chế mức vốn góp tối đa…) đang khiến Myanmar trở thành tâm điểm thu hút đầu tư quốc tế. Hàng loạt tập đoàn lớn từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Đức đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Myanmar. Một số nước châu Á hiện đang là những nhà đầu tư dẫn đầu tại đây như Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Công cũng có những kế hoạch mở rộng thêm nhiều dự án. Thực tế này đang đặt ra một thách thức với DN Việt Nam: Nếu không nhanh chân sẽ mất cơ hội tốt. Ông Chu Công Phùng, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Myanmar, chia sẻ: “Cho đến nay, dù được đánh giá là khá năng động trong việc tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Myanmar, song vẫn chưa có nhiều dự án của DN Việt Nam đầu tư vào Myanmar. Số lượng dự án vẫn còn đếm trên đầu ngón tay”. Trong lĩnh vực bất động sản có dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trên diện tích 8ha tại Yangon, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300 triệu USD, thực hiện theo hình thức BOT thời gian 60 năm. Lĩnh vực dược phẩm có dự án liên doanh sản xuất dược phẩm giữa Tập đoàn ASV Pharma Corporation và Công ty Myanmar Entrepreneur Investment Group với tổng mức đầu tư ước tính 20 triệu USD tại Yangon, sản xuất các loại thuốc kháng sinh, thuốc tiêm và dịch truyền. Trong lĩnh vực nông nghiệp có liên doanh đầu tư khu phức hợp dịch vụ nông nghiệp giữa Vinacapital, CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang và Công ty Green Asia của Myanmar, bao gồm trồng, cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nhà máy xay sát lúa gạo (công suất có thể mở rộng đến 250.000 tấn), sản xuất bao bì, mì gói, nông sản xuất khẩu… tại huyện East-Dagon, Yangon, tổng mức đầu tư dự kiến 55 triệu USD. Cơ hội cho Việt Nam Với mục tiêu tăng vốn đầu tư trực tiếp vào Myanmar từ mức 500 triệu USD lên 2 tỷ USD và tăng kim ngạch thương mại song phương từ 167 triệu USD năm ngoái lên 500 triệu USD trong thời gian từ nay tới năm 2015, các nhà đầu tư Việt Nam đang mạnh tay rót vốn vào mảnh đất vàng này. Một trong những khoảng trống đang được nhắm tới chính là thị trường viễn thông còn nghèo nàn ở đây. Tính đến thời điểm này, Myanmar mới có khoảng 4% người dân có điện thoại di động. Đó là lý do 2 ông lớn trên thị trường viễn thông Việt Nam là VNPT và Viettel đang chờ được cấp giấy phép mở mạng di động và khai thác thị trường tiềm năng này. Ngoài ra, một lĩnh vực Việt Nam cũng nhận được ưu tiên từ Myanmar chính là ngân hàng. Tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Myanamar cho hay Việt Nam hiện chỉ có BIDV mở văn phòng đại diện tại Myanmar và chính phủ nước này cho biết nếu cho phép mở ngân hàng nước ngoài, Việt Nam sẽ là một trong những nước được ưu tiên cấp phép đầu tiên. Với lợi thế về nông nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tiến sâu vào Myanmar. Theo ông Đàm Trung Bắc, Tổng lãnh sự danh dự Liên bang Myanmar tại TPHCM, Myanmar là một nước nông nghiệp và ngành nông nghiệp là trụ cột kinh tế của cả nước, với 75% dân số sống ở nông thôn và tham gia vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, ngư nghiệp. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa phát triển và chưa đạt năng suất cao. Do vậy, Myanmar rất muốn học hỏi mô hình kinh doanh của Việt Nam cũng như hợp tác với các DN Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản như: trồng lúa, trồng đậu, nuôi cua lột, tôm, cá… Ngoài mục tiêu tăng vốn đầu tư, Việt Nam còn đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương. Hiện sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu người dân, do vậy Myanmar phải nhập khẩu rất nhiều mặt hàng, trong đó hàng tiêu dùng cực kỳ khan hiếm. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam. Song làm sao để cạnh tranh với hàng Thái Lan, Trung Quốc về mức giá rẻ do thu nhập người dân còn thấp chính là bài toán mỗi DN phải tự tìm lời giải cho mình. Cơ hội luôn song hành với thách thức và chính Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Chu Công Phùng cũng từng “bật mí” với các DN rằng “muốn lọt phải biết lách”, chẳng hạn khi vướng mắc trong thủ tục cấp phép có thể liên doanh với đối tác Myanmar. Hay khi xuất khẩu những mặt hàng giá thành cao hơn so với hàng Thái Lan, Trung Quốc thì phải tìm cách hướng sang đối tượng người tiêu dùng có thu nhập cao. Bên cạnh một bộ phận không ít người dân có thu nhập trung bình, thấp thì Myanmar vẫn có tầng lớp những người rất giàu có… Đức Mạnh sài gòn đầu tư tài chính
|