Đầu tư vào Myanmar: Ngỗng tơ có đẻ trứng vàng? Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi lên tiếng cảnh báo về sự "lạc quan thiếu thận trọng" trong cải cách ở Miến Điện, đặc biệt trong lãnh vực đầu tư từ nước ngoài. Cảnh báo này nằm trong bức tranh dự báo về những luồng đầu tư ồ ạt vào Myanmar đã có từ trước một năm tính từ lúc cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung vào tháng 4. Tuy nhiên, chính Myanmar cũng không ngờ tới nguy cơ "dội vốn" từ tình trạng "sốt đầu tư" như hiện nay, có thể gây ảnh hưởng không chỉ đến quá trình chuyển đổi vốn mong manh đang diễn ra tại nước này, mà còn đe dọa nguồn lợi lâu dài của các luồng đầu tư. Nhiều chuyên gia kinh tế trong đó có Lex Rieffel (Mỹ) chỉ ra rằng, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ và EU tại Myanmar chưa được tháo gỡ hoàn toàn, bắt đầu từ quý I năm 2011 các nhà đầu tư tiềm năng đã đổ dồn đến Yangoon một cách "bất thường". Đặc biệt, cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung tháng 4/2012 với phần thắng vang dội của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) thật sự làm hài lòng Mỹ và các nước phương Tây, điều này hứa hẹn cho một Myanmar "thoát ly cấm vận" và phá bỏ rào cản hạn chế đầu tư trong suốt hơn 20 năm qua. Tất cả mọi nhà kinh doanh trên khắp thế giới trong đó phải kể đến các "ông lớn" Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản hay các quốc gia nhỏ hơn từ ASEAN đều nhận ra "con ngỗng tơ đang độ đẻ trứng vàng". Bởi Myanmar là vùng đất hiếm hoi trù phú, giàu tài nguyên quý mà trong bao nhiêu năm qua "hiếm" có ai chạm tới. Theo Reuters, ngày 7/12/2011 rằng "chỉ vài giờ sau khi bà Clinton rời Myanmar, thị trường bất động sản ở đây đã cất cánh". Gần 1 tháng rưỡi sau đó, bất động sản ở nhiều nơi ở Yangoon đã tăng tới 30%. Cũng trong năm 2011, số lượng doanh nhân và khách du lịch nước ngoài đến Myanmar tăng 26%; tổng kim ngạch thương mại tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2010; tổng giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar đạt 20 tỉ USD. Đặc biệt, cũng từ ngày 1/4/2012, Myanmar thực thi việc thả lỏng đồng nội tệ có kiểm soát. Theo Ngân hàng Trung ương Myanmar (CBM) đây là giải pháp "nhằm thống nhất tình trạng nhiều tỷ giá cùng tồn tại, đồng thời dần dần loại bỏ những hạn chế đối với hoạt động thanh toán vãng lai quốc tế và chuyển tiền ra nước ngoài". Hiện nay trên sàn giao dịch chính thức thì 6 đến 8 Kyat đổi 1 USD. Tuy nhiên, trên thị trường "chợ đen" thì phải đến 700 - 1400 Kyat đổi 1 USD. Một khi chính sách tỷ giá thả nổi được áp dụng, thì mức tỷ giá tham chiếu mà CBM đưa ra chắc chắn cũng sẽ tăng lên tới mức tương tự như tỷ giá "chợ đen". Chính vì thế, trong hiện tại và tương lai không xa, các con số đầu tư vào Myanmar sẽ còn "bay xa và cao" hơn nữa, chí ít là trước khi một vài "rủi ro" hay "nguy cơ" từ việc đầu tư nóng xảy ra trước mắt các ông chủ vốn có tham vọng "gom trứng vàng". Rủi ro do chưa đánh giá đúng tình hình sau cải cách... Hiện có rất nhiều nghiên cứu cảnh báo về các "rủi ro" và "nguy cơ" từ việc "sốt đầu tư" tại quốc gia vừa trải qua cuộc cách mạng này. Một trong những rủi ro đầu tiên xuất phát chính từ thách thức mà Myanmar đang đối mặt: "Một đất nước khát dân chủ luôn tràn ngập những nguy cơ". Ai cũng biết rằng ông Thein Sein đã có một nước cờ quan trọng khi quyết định cải cách đất nước từ chế độ độc tài của chính quyền quân sự sang chế độ mà cả thế giới vỗ tay hoan nghênh cho nền dân chủ được phục hồi mà không cần một cuộc cách mạng "màu sắc" nào. Tuy nhiên, quá trình thi hành các cải cách chắc chắn sẽ gặp phải những chống đối nhất định. Việc "làm phiền lòng" người "bạn" láng giềng Trung Quốc luôn ủng hộ, che chở và có mức đầu tư khổng lồ vào Myanmar hàng năm sau vụ đình chỉ thi công đập thủy điện Myitsone sẽ gây cho Myanmar không ít "phiền toái" trong tương lai. Bên cạnh đó, việc một chính phủ "mềm dẻo" như hiện nay phải làm hài lòng hơn 59 triệu dân với nhiều sắc tộc, đa thành phần cũng không thể đảm bảo cho một Myanmar hoàn toàn ổn định, nhất là khi phe chống đối có quyền thi hành các động thái biểu tình dân chủ và tự do đòi quyền lợi sau nhiều năm "khát dân chủ" dưới chính quyền quân sự. Và tất nhiên, hệ quả của các hiện trạng trên (dù ít hay nhiều) cũng sẽ gây ra những bất lợi cho các nhà đầu tư. ...đến đầu tư thiếu thận trọng Hiện tượng "đầu tư vô tội vạ" cũng bắt đầu xuất hiện trên vùng đất được đánh giá là "tiềm năng" này. Rất nhiều các nhà đầu tư vô tư đổ tiền vào Myanmar mà chưa hề có sự thận trọng tối thiểu. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu được quy trình đầu tư nước ngoài, và chưa thực sự hiểu Myanmar cũng như những khó khăn đặc thù của quốc gia này (về thủ tục đầu tư rườm rà, về cơ sở hạ tầng thông tin yếu kém, v.v.) khi đầu tư. Họ quá vội vã và bị tiền năng Myanmar làm chói mắt mà bỏ qua khâu lập kế hoạch đầu tư, nghiên cứu khả thi, kế hoạch kinh doanh và tài chính mà thực hiện đầu tư ngay theo kiểu ngẫu hứng, dẫn đến những rắc rối trong đầu tư cả về vốn lẫn thủ tục kéo dài. Đó là chưa kể đến những xung đột về cách nhận thức và giải quyết vấn đề với đối tác "xa lạ" chưa hề hiểu nhau. Có doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực và vật lực cần thiết nên sau khi thực hiện tiến trình đầu tư thấy khó kham nổi đã bỏ giữa chừng. Có doanh nghiệp không tìm được đầu mối đề cập xin phép đầu tư (do chưa hiểu khung pháp lý, pháp luật liên quan) nên dù đã đi lại nhiều lần nhưng chưa đạt được kết quả cụ thể. Giờ đây, một "bài học Việt Nam" hơn 20 năm trước lại "linh nghiệm". Ông Dominic Scriven, người đồng sáng lập Dragon Capital cho rằng lỗi lớn nhất mà mọi người thường gặp phải là đầu tư quá nhanh mà không có sự cẩn trọng. Khi Việt Nam mở cửa, các nhà đầu tư nước ngoài đã gặp phải những lỗi này khi đầu tư vào quá nhiều công ty start-up được điều hành bởi các cá nhân mà không có sự theo dõi sát sao. Đồng thời, họ đầu tư với người nước ngoài nhiều hơn là người bản địa. Câu chuyện "Một bữa no" Thách thức to lớn hiện nay tại Myanmar vẫn là nền kinh tế "èo uộc và thiếu chất". Hiện nay, với cơ sở hạ tầng yếu kém và nguồn nhân lực có trình độ thấp sau nhiều năm bị tách ly khỏi phần còn lại của thế giới đã khiến Myanmar không thể đủ sức để "ăn hết" lượng vốn đầu tư. Hầu hết khoáng sản tại Myanmar đều do các "cá mập" từ Trung Quốc xử lý hoặc xuất khẩu dạng thô do công nghệ thấp kém chưa cho phép Myanmar có những hoạt động chế biến tinh vi hơn. Hoạt động nông nghiệp vẫn còn thô sơ và lạc hậu, khó có thể mang về một lời hứa cho sự thịnh vượng tức thời. Bên cạnh đó, nền kinh tế "khép" hơn 20 năm qua khiến những doanh nghiệp Myanmar dường như nằm trong bóng tối, để rồi "chói mắt" do chưa thể thích nghi với luồng ánh sáng ồ ạt từ các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến nguy cơ bại trận trên sân chơi chung của thế giới. Câu hỏi đặt ra là điều gì xảy ra cho một cơ thể "quá yếu ớt" nếu "ăn quá nhiều"? Tác phẩm "Một bữa no" của nhà văn Nam Cao kể về một bà lão có một cô cháu gái đi ở đợ. Bà lão đã nhịn đói nhiều ngày liền, cơ thể yếu đến mức khó đứng vững. Sau đó, bà được người chủ của cháu gái bà đãi một bữa ăn, và tất nhiên, dù bữa ăn không mấy thịnh soạn nhưng để ăn bù cho những ngày bụng đói, lẫn cho những ngày sắp tới thiếu ăn, bà đã không từ chối bất kỳ món nào. Câu chuyện kết thúc khi bà chết vài ngày sau đó bởi lý do cười ra nước mắt "chết vì quá no". Nền kinh tế Myanmar cũng đang ngấp nghé trước hiện tượng bắt đầu "no" và với tốc độ hiện nay, nhất là sau khi Myanmar hoàn toàn thoát khỏi các lệnh cấm vận, thì trong thời gian không xa, một Myanmar "quá no" không phải là không thể xảy ra. Tất nhiên, điều ấy không chỉ làm hại đến "người ăn" Myanmar mà cả những "thức ăn" của các nhà đầu tư đều "đổ sông đổ biển". Cuối cùng, dù cung cấp "thức ăn" nhưng điều mà các nhà đầu tư nhận lại là sự thiệt hại, chưa kể là sự phản khán từ Myanmar chứ đừng nghĩ tới một cái "trứng vàng" hay một lời cảm ơn. Một sự cẩn thận dựa trên những tính toán cơ hội, lẫn rủi ro đang rất cần thiết, dẫu cho nhìn từ góc độ các nhà đầu tư ngoại quốc, hay cho sự phát triển của Myanmar. Đỗ Thiện DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|