Nhiều cơ hội đầu tư sang Campuchia
Ngày 24-6, tại thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) đã diễn ra Hội nghị hợp tác xúc tiến đầu tư VN - Campuchia lần 3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ VN Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong gần 2,4 tỉ USD đầu tư của doanh nghiệp VN tại Campuchia, đến nay nhiều dự án triển khai thuận lợi và đã đi vào hoạt động, đóng góp thiết thực cho cả hai nước. Ngay cả các dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư ở hội nghị lần 1 (năm 2009) và lần 2 (năm 2011) cũng đã được triển khai, trong đó nhiều dự án sắp đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị "cần phát huy" hơn nữa do những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như quan hệ chính trị tốt đẹp của hai nước.
Vẫn còn nhiều rào cản
Tại hội nghị, đại diện chính phủ hai nước VN - Campuchia đã ký nghị định thư sửa đổi hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai nước được ký năm 2001. Dịp này, Tập đoàn Công nghiệp cao su VN tài trợ hơn 430.000 USD cho tỉnh Kompongthom xây dựng công viên hữu nghị VN - Campuchia và hai ngôi chùa tại tỉnh này. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN tài trợ 50.000 USD cho Hội Việt kiều tại Campuchia xây dựng trường học cho trẻ em tại huyện Savairanum và huyện Sa-ang (tỉnh Kandal).
|
Với 23 dự án đầu tư trực tiếp tại Campuchia, trong đó có 21 dự án trồng cao su, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng, đại diện Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG) khẳng định cơ hội và tiềm năng đầu tư vào Campuchia vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, vị này cho biết vẫn còn không ít rào cản khi đầu tư vào Campuchia, đặc biệt nguồn lao động tại chỗ chưa đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng cũng như trình độ tay nghề.
Theo đại diện VRG, nếu đưa lao động VN sang phải chịu thuế và chỉ được đưa sang không quá 10% trên tổng số lao động cần thiết. Ngoài ra, giá vật tư nguyên nhiên liệu tại đây cao hơn ở VN đã đẩy chi phí đầu tư lên cao so với dự kiến ban đầu và việc thông quan ở các cửa khẩu vẫn còn khó khăn.
Ông Phạm Ngọc Liễn, tổng giám đốc Công ty CP Ðường Bình Ðịnh - đơn vị đang đầu tư dự án phức hợp gồm trồng mía, sản xuất đường, cồn tại tỉnh Kratie, cho biết cũng vấp phải trở ngại về lao động và vận chuyển. Theo ông Liễn, dự án này cần khoảng 5.000 lao động, trong đó cần nhiều chuyên gia và kỹ sư lành nghề nhưng nhân sự tại chỗ không đáp ứng được.
Ngoài ra theo ông Liễn, việc vận chuyển máy móc thiết bị từ VN đến Campuchia quá tốn kém. Ông Liễn dẫn chứng chi phí vận chuyển máy móc thiết bị từ Ấn Ðộ đến VN chỉ tốn khoảng 1 triệu USD nhưng từ VN chuyển sang Campuchia làm mất... 2,5 triệu USD.
Ông Dương Văn Hòa, phó chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (đang có ba dự án ở Campuchia), lại cho rằng điều kiện hạ tầng như điện, nước, giao thông tại Campuchia còn rất khiêm tốn nên sẽ là khó khăn lớn khi các dự án của tập đoàn này đi vào khai thác, chế biến. Công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực tại địa phương hầu như không thể thực hiện được do chưa có các trường đào tạo kỹ thuật chuyên ngành.
Cơ hội cho các DN VN
Campuchia đứng thứ hai trong danh sách đầu tư ra nước ngoài của VN
Theo công bố của Bộ Kế hoạch - đầu tư VN tại hội nghị, số lượng giấy phép đầu tư VN sang Campuchia đã tăng mạnh từ 56 dự án năm 2009 lên 112 dự án sáu tháng đầu năm nay, với tổng vốn đầu tư lên đến 2,36 tỉ USD.
Campuchia hiện đứng thứ hai trong tổng số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp VN, chủ yếu ở các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, viễn thông, hàng không, ngân hàng, khoáng sản... Hiện các dự án của doanh nghiệp VN tại Campuchia đã tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động nước này.
|
Sau khi lắng nghe phản ảnh của các doanh nhân VN, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã dành hơn một giờ trên diễn đàn để giải thích các chính sách kinh tế cũng như thắc mắc của các doanh nghiệp. Theo Thủ tướng Hun Sen, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Campuchia từ 2,9 tỉ USD năm 2010 tăng lên 3,7 tỉ USD trong năm 2011, trong đó tổng vốn đầu tư của VN tăng từ khoảng 153 triệu USD lên hơn 690 triệu USD chứng minh rất rõ ràng quan hệ đầu tư giữa hai nước rất tốt.
Việc than phiền của các doanh nghiệp VN về hạ tầng và nhân lực tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen khẳng định: "Những cái thiếu đó là cơ hội cho các ông (doanh nghiệp VN - PV) để đầu tư vào Campuchia". Thủ tướng Hun Sen thừa nhận lao động tại chỗ đang rất thiếu, do đó lao động kỹ thuật cao sẽ không hạn chế đưa sang Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen đề nghị các doanh nghiệp VN không quá lo lắng về việc ngưng giao đất mới để trồng cao su cho các nhà đầu tư VN (từ ngày 7-5-2012), bởi những dự án đã được chính quyền giao đất vẫn được triển khai tiếp. Thủ tướng Hun Sen cho biết Chính phủ Campuchia sẽ không giải tỏa đất tại những nơi người dân đã ở lâu đời, nhưng những nơi dân sống riêng lẻ thì được đổi đất ở nơi khác để làm dự án.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu doanh nghiệp VN cần nắm rõ chủ trương này của Chính phủ Campuchia để triển khai các dự án tại nước bạn một cách nghiêm túc, có hiệu quả. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những kết quả đạt được trong hoạt động đầu tư vào Campuchia vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của hai nước.
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ Campuchia sớm đàm phán ký kết với VN hiệp định tránh đánh thuế hai lần, hiệp định trồng cao su và trên một số lĩnh vực khác để tạo cơ sở pháp lý và thúc đẩy hoạt động đầu tư giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết Chính phủ VN sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Campuchia đầu tư vào VN và phấn đấu đưa VN trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Campuchia trong những năm tới.
H.T.Dũng - C.Quốc - T.Thái
Tuổi trẻ
|