Thứ Hai, 30/07/2012 06:21

Cơ hội làm ăn ở Myanmar

Doanh nghiệp nào quyết tâm làm ăn sẽ thành công, còn “cưỡi ngựa xem hoa” thì sẽ chậm chân

Nhân chuyến khảo sát thị trường và tìm cơ hội đầu tư của nhóm doanh nghiệp (DN) TPHCM tại Myamar mới đây, ông Chu Công Phùng, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Myanmar, đã có những trao đổi thẳng thắn với DN và báo giới về cơ hội làm ăn ở thị trường mới nổi này.

“Trâu chậm uống nước đục”

Có thâm niên công tác gần 4 năm ở Myanmar, Đại sứ Phùng cho biết đất nước này đang thay đổi từng ngày, từng giờ, nhất là về kinh tế. Hiện Mỹ, EU, Nhật Bản... đã tiến hành nới lỏng cấm vận cho nước này và Myanmar đang tiến hành đợt cải cách lần thứ hai hướng tập trung chính là về kinh tế, mục đích là cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện GDP của Myanmar là 30 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người là 500 USD/người, mục tiêu phấn đấu trong 5 năm tới sẽ nâng lên 1,7 lần so với hiện nay, tức là vào khoảng 850 USD/người (vượt Lào và Campuchia). Để hiện thực hóa chỉ tiêu tăng trưởng này, Myanmar đang sửa hàng loạt các luật lệ, quy định nhằm kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghiệp.

Ngoài ra, chính quyền cũng đang bắt đầu cho tư nhân hóa nhiều lĩnh vực như viễn thông, y tế, giáo dục... Chính vì vậy, dự báo sắp tới sẽ có làn sóng đầu tư lớn vào đất nước này. Mới đây, hơn 70 DN hàng đầu của Mỹ đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào 2 lĩnh vực tài chính và dầu khí...

Có thể nói, Myanmar hiện được xem là “mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á”. DN Việt Nam cần xem đây là cơ hội, nếu không nắm bắt sẽ gặp tình cảnh “trâu chậm uống nước đục”.

Món ngon Việt: Tại sao không?

Theo Đại sứ Chu Công Phùng, Myanmar luôn coi Việt Nam là bạn bè thân thiết. Không chỉ vậy, TPHCM còn kết nghĩa với thành phố Yangon nên những DN đầu tư vào đất nước này sẽ có những lợi thế nhất định. Năm 2010, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã tăng vọt, đạt trên 160 triệu USD, tăng 160% so với năm 2009.

Còn năm 2011 đạt 168 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2012 là 130 triệu USD, dự kiến cả năm sẽ đạt 250 triệu USD (chưa tính các khoản thanh toán qua các nước thứ 3). Việt Nam đã trở thành bạn hàng nhập khẩu thứ 12 và bạn hàng xuất khẩu thứ 10 của Myanmar. Gần 20 dự án đầu tư kinh doanh sản xuất của các DN Việt Nam đã được đăng ký chính thức với số vốn đăng ký gần 1 tỉ USD. Riêng tại TP Yangon hiện có 15 DN Việt Nam thường xuyên có mặt và làm ăn có hiệu quả với các đối tác Myanmar.

Những lĩnh vực hiện nay DN Việt Nam có thể tham gia, theo ông Phùng, đầu tiên là nông nghiệp với việc trồng lúa, cao su, mía đường và các loại nông sản tương tự như ở Việt Nam; kế đến là nuôi trồng, chế biến các loại thủy sản như tôm, cua, cá... (riêng cua lột mỗi tháng có thể cung ứng khoảng 1,5 triệu con). Tiếp theo là lĩnh vực sản xuất đồ gỗ tại chỗ (Myanmar hiện là một trong 4 nước xuất khẩu gỗ tròn đứng đầu thế giới); sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, nhựa, dệt may, giày dép, điện tử...

Cũng theo Đại sứ Phùng, DN nào quyết tâm làm ăn sẽ gặt hái thành quả, còn “cưỡi ngựa xem hoa” thì sẽ chậm chân. “Tôi mong muốn một ngày nào đó các DN Việt Nam và thậm chí thế giới sẽ thưởng thức những món ngon Việt Nam ở các nhà hàng, khách sạn do doanh nhân Việt đầu tư tại Myanmar”- Đại sứ Phùng bày tỏ.

Địa chỉ doanh nghiệp có thể liên hệ

Đại sứ Phùng cho biết: Đại sứ quán Việt Nam sẽ hỗ trợ tối đa cho các DN trong việc tìm đối tác ở nước sở tại, hướng dẫn thực hiện hồ sơ thủ tục đầu tư, mở văn phòng đại diện...

Tuy vậy, ông cho rằng điều DN cần phải quan tâm nhất là việc trọng chữ tín. Bởi trong những năm qua, đã có một số DN Myanmar kiện các đối tác Việt Nam.

Các DN có thể liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Myanmar (địa chỉ: 70 - 72 Thanlwin Road, Bahan Township, Yangon. Myanmar.

Điện thoại: 0951411305, Fax: 0951514897. Email: vnembmyar@cybertech.net.mm).


TẤT THẮNG

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   TinNghia mở rộng đầu tư tại Lào (26/07/2012)

>   SBT và BHS đã đầu tư trên 110 tỷ đồng mở rộng trồng mía sang Campuchia (25/07/2012)

>   DN Việt tại Lào: Đầu tư và nghĩ đến kinh doanh bền vững (22/07/2012)

>   Campuchia hạ dự báo tăng trưởng GDP 2012 xuống 6.9% (18/07/2012)

>   Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức: “Ở Lào, tôi như người đi xa trở về nhà” (18/07/2012)

>   TQ đầu tư mạnh cho ngành nông nghiệp Campuchia (17/07/2012)

>   Xúc tiến thương mại đầu tư vào Vientiane, Champasak (16/07/2012)

>   Trung Quốc viện trợ “không điều kiện” cho Campuchia? (16/07/2012)

>   Trung Quốc đổ hàng tỉ USD vào Campuchia (15/07/2012)

>   Lào: Nợ nước ngoài tăng chậm, triển vọng GDP khá lạc quan (15/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật