WB và ADB mở văn phòng đại diện tại Myanmar
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 1/8 đã khai trương văn phòng đầu tiên tại Myanmar.
Ngay trong lễ khai mạc, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Pamela Cox, đang ở thăm Myanmar, cho biết WB đã quyết định cung cấp 85 triệu USD nhằm hỗ trợ Chính phủ Myanmar tiến hành các chương trình cải cách.
Theo bà Cox, Myanmar là một trong số những nước nghèo nhất trong khu vực, do vậy WB sẽ cùng với các đối tác hỗ trợ Chính phủ Myanmar thực hiện các chương trình cải cách, qua đó giúp cải thiện mức sống của người dân.
WB cũng sẽ mở rộng viện trợ kỹ thuật và hỗ trợ về chuyên môn để giúp Chính phủ Myanmar cải thiện các dịch vụ công cộng, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng giao thương, quản lý nguồn lực, tạo việc làm...
Ngoài ra, Myanmar cũng có thể tiếp cận các khoản vay không tính lãi của Hiệp hội Pháp triển Quốc tế (IDA), một quỹ của WB dành cho những nước nghèo nhất, sau khi nước này trả 397 triệu USD nợ cũ cho WB.
Cùng ngày, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng mở văn phòng đại diện tại Myanmar - động thái được coi là một bước tiếp tục của ADB hướng tới tái cam kết với quốc gia Đông Nam Á đang trên con đường cải cách toàn diện này.
Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn thông cáo báo chí ngày 1/8 của ADB, trong đó nêu rõ việc thành lập văn phòng tại Myanmar sẽ giúp ngân hàng hiểu rõ hơn những thách thức mà Myanmar phải đối mặt, để có thể hỗ trợ hiệu quả nhất giúp nước này đạt được tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững.
Thông cáo cho biết ADB đã hoàn thành đánh giá nhu cầu sơ bộ của Myanmar trong các lĩnh vực quan trọng như giao thông vận tải, năng lượng, nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, giáo dục và phát triển đô thị, bao gồm cả nước và vệ sinh môi trường.
ADB sẽ mở rộng việc phân tích trong các lĩnh vực ưu tiên được lựa chọn, và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật ban đầu giúp Myanmar xây dựng năng lực và tăng cường thể chế.
ADB đã ngừng các hoạt động tại Myanmar từ năm 1988, mặc dù nước này vẫn tham gia vào các hoạt động do ADB hỗ trợ khu vực trong vòng 20 năm qua với tư cách là một thành viên của Chương trình Tiểu vùng sông Mekong.
Trong một động thái liên quan, từ tháng Bảy vừa qua, Ban Giám đốc ADB đã có một Giám đốc điều hành thay thế mới từ Myanmar là ông Khin Khin Lwin.
Lần cuối cùng Myanmar có một đại diện trong Hội đồng quản trị ADB là vào năm 2003./.
vietnam+
|