Thứ Tư, 04/07/2012 22:48

Ủy ban Giám sát tài chính: Lực cầu của nền kinh tế rất yếu

Kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ vẫn còn khó khăn trong nửa sau năm nay dù đã ổn định dần trở lại, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Một báo cáo của ủy ban này nêu, lạm phát bình quân 6 tháng cuối năm dự báo sẽ tăng không quá 0,5%/tháng và lũy kế cả năm sẽ khó vượt qua mức 6% do lực cầu của nền kinh tế đang rất yếu, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức rất thấp (khoảng dưới 0,5% so với đầu năm).

Trong khi đó, tín dụng cả năm dự báo tăng khoảng 8%. Ủy ban cho rằng, tín dụng mặc dù đã có xu hướng tăng nhẹ trở lại trong những tháng gần đây nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn thấp, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng trong nền kinh tế khá cao nên tín dụng từ nay đến cuối năm khó có thể tăng mạnh.

Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) dự báo khoảng 5,3%- 5,6%. Với mức tăng trưởng tín dụng năm nay dự báo chỉ khoảng 8% thì nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn cho nền kinh tế năm 2012 ước giảm khoảng 80.000 tỉ đồng, tương đương mức giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng GDP.

Ủy ban khuyến nghị rằng, trong 6 tháng cuối năm, cần áp dụng các giải pháp thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt nhằm tăng tổng cầu của nền kinh tế đảm bảo đạt tổng đầu tư toàn xã hội theo kế hoạch 33,5% GDP.

Về chính sách tài khóa, ủy ban khuyến nghị cần linh hoạt hơn nữa trong chi tiêu đầu tư công nhằm bù đắp phần thiếu hụt tín dụng, đảm bảo mức tổng đầu tư toàn xã hội theo kế hoạch, góp phần duy trì nguồn lực tăng trưởng trong ngắn hạn. Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư trong kế hoạch năm 2012; thực hiện ứng chi một phần vốn đầu tư cho những dự án xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước của năm 2013.

Về chính sách tiền tệ, ủy ban cho rằng, với việc điều chỉnh các lãi suất điều hành xuống thêm 1 điểm phần trăm vào ngày 11-6 vừa qua, chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ đã giảm khá nhiều, nếu giảm nhiều hơn nữa sẽ gây ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá.

Trên cơ sở dự báo lạm phát khoảng 6% vào cuối năm 2012, dư địa công cụ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ còn khoảng 100 điểm cơ bản. Do đó, theo quan điểm của ủy ban, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng trong việc áp dụng công cụ lãi suất theo sát diễn biến CPI và tỷ giá.

Ủy ban khuyến nghị, chính sách tiền tệ và tài khóa phải được phối hợp trong việc tính toán định lượng tổng cầu của nền kinh tế cũng như phối hợp thực thi hướng tới mục tiêu này.

Liên quan đến liều lượng của các biện pháp tăng tổng cầu, ủy ban khuyến nghị, trên tinh thần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trong trung dài hạn, các biện pháp tăng tổng cầu nền kinh tế cần được phân bổ với quy mô và liều lượng phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong 6 tháng còn lại của năm 2012, đồng thời đảm bảo không gây ra lạm phát cho năm 2013.

Đối chiếu với số liệu lịch sử cho thấy, mỗi khi lượng vốn trên 90.000 tỉ đồng/tháng được đưa vào nền kinh tế thì mức lạm phát 6 tháng sau đó đều trên 2%/tháng.

Do đó, để ổn định kinh tế vĩ mô trung và dài hạn, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị cần đảm bảo nguyên tắc: lượng vốn đầu tư được đưa vào nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm nên trong khoảng 80- 85 nghìn tỉ đồng/tháng.

Ủy ban ước tính rằng, với mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI như hiện nay, vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, kể cả nguồn trái phiếu chính phủ và ứng chi nguồn năm 2013 ước bình quân 22- 25 nghìn tỉ đồng/tháng, tốc độ tăng tín dụng có thể ở mức 1,5%/tháng.

Tư Hoàng

TBKTVN

Các tin tức khác

>   TPHCM: Tập trung tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN (04/07/2012)

>   Hà Nội phấn đấu thu nhập bình quân 7.500 USD năm 2020 (04/07/2012)

>   TS Cao Sỹ Kiêm: Bơm tiền vô lối rất nguy hiểm! (04/07/2012)

>   “Việt Nam muốn cứu tăng trưởng, không dễ!” (04/07/2012)

>   Sẽ cần gói kích cầu 2012? (04/07/2012)

>   Không nên chỉ loay hoay với chính sách tiền tệ, tài chính (04/07/2012)

>   Nút thắt mới mang tên “nợ xấu” (04/07/2012)

>   Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô (03/07/2012)

>   Thách thức về chất trong thu hút vốn FDI (03/07/2012)

>   HSBC: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn xấu nhất (03/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật