Thứ Tư, 04/07/2012 06:26

Không nên chỉ loay hoay với chính sách tiền tệ, tài chính

Lạm phát giảm chưa thật vững chắc, TS. Lưu Bích Hồ (ảnh) - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển, nói: “Trước mắt, cần tránh khuynh hướng nới lỏng quá nhanh chính sách tài chính, tiền tệ”.

* Đã qua một nửa của năm 2012, ông dự báo thế nào về tình hình lạm phát của cả năm?

- Lạm phát năm 2012 cao nhất chỉ khoảng 7 - 8%, có thể 5 - 6%, tăng trưởng GDP khoảng 5 - 5,5%. Bởi mọi giải pháp từ chính sách đến điều hành được ban hành và thực thi nhanh, có hiệu quả cao thì với độ trễ thường thấy trong thời gian qua cũng cần từ 3 - 6 tháng.

 Trở ngại lớn nhất hiện nay là nợ xấu tích tụ từ mấy năm trước, đặc biệt từ 2011 đang đến lúc phát lộ và “bùng nổ” với cả doanh nghiệp (DN) và ngân hàng (NH), mà việc xử lý không thể nhanh gọn được, có thể mất cả năm. Bởi, để thoát khỏi tình trạng này không thể chỉ đảo nợ, mua bán nợ, cơ cấu lại nợ, mà còn cần phải chấp nhận phá sản, giải thể, sáp nhập một số không ít DN và một số NH, tổ chức tín dụng quá yếu kém, thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại DN, NH cả về sản xuất, kinh doanh, công nghệ, quản trị..

Riêng về các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước thì trước hết phải cắt bỏ các “ung bướu” nợ nần do vi phạm các nguyên tắc quản lý nhà nước và quản trị DN. Mọi việc đều cần có thời gian, không thể ngày một ngày hai.

* Chúng ta thường không đánh giá đúng tình hình kinh tế trong nước và tác động của kinh tế thế giới, đề ra mục tiêu tăng trưởng không hiện thực. Ông có đồng ý với nhận định này?

- Đúng vậy. Tình hình còn trong “vùng trũng” một số năm (tăng trưởng thấp, thậm chí rất thấp, lạm phát trồi sụt bất thường với biên độ lớn, kinh tế vĩ mô luôn trong tình trạng bất ổn...) là cái giá phải trả do sai lầm của nhiều năm tích lại về chủ trương, chính sách kinh tế không phù hợp quy luật, điều kiện phát triển trong nước và quốc tế. Khoảng thời gian này chứa đựng những nguy cơ mất ổn định kéo dài, tích thêm những khó khăn trở ngại. Đổi mới không dứt khoát do bị níu kéo bởi cái cũ quá lâu, trong khi lợi ích riêng, lợi ích nhóm chi phối quá nhiều, quá lớn.

* Lạm phát cao luôn là căn bệnh dễ phát sinh, lặp đi lặp lại và phải rất khó khăn mới kìm hãm được? Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Bài học từ năm 2008 đến nay càng thấy rõ điều này, do điều hành chính sách tài chính, tiền tệ không chắc chắn. Đường thoát ra chỉ có thể nhằm vào chính những nguyên nhân tạo nên thực trạng, kiên quyết khắc phục, nhanh chừng nào hay chừng nấy. Nhưng cần tránh khuynh hướng nới lỏng quá nhanh chính sách tài chính, tiền tệ, vì lạm phát giảm chưa vững chắc.

Cũng không nên chỉ loay hoay với chính sách tiền tệ, tài chính trước mắt, mà cần chú ý chính sách cơ cấu, tái cơ cấu để vừa đáp ứng yêu cầu hiện nay, vừa phù hợp chiến lược trung dài hạn. Những điều này không tách rời sự tìm tòi, định hình và bắt đầu thực thi một mô hình tăng trưởng cho đất nước.

* Chúng ta đang đi những bước đầu tiên cải cách nền kinh tế và đây sẽ là bước chuyển, giúp nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng?

- Trong năm nay dứt khoát không nới lỏng để trách lạm phát bùng lại vào năm sau. Tăng trưởng khoảng 5% cũng không sao, không cần phải cố đạt cho được 6%. Quan trọng là tập trung xử lý khối NH cho yên, bảo đảm lợi ích của người gửi tiền. Sớm minh bạch tài chính thông qua kiểm toán, thanh tra ráo riết và đưa ra ngay các quy định cụ thể về quản lý tập đoàn, DNNN, trên cơ sở đó tích cực tiến hành cổ phần hóa theo đúng cơ chế thị trường.

Rà soát ngay toàn bộ các quy hoạch đầu tư công, xử lý một bước mối quan hệ phân cấp trung ương và địa phương. Chấn chỉnh một bước hệ thống số liệu thống kê cơ bản về kinh tế vĩ mô bảo đảm độ tin cậy tối thiểu... Chỉ như vậy, mới hy vọng 2014 - 2015 có bước chuyển theo hướng thoát ra khỏi vùng trũng để bước vào một thời kỳ phát triển bền vững và tránh chiều hướng ngược lại, kéo dài thêm 4 -5 năm.

* Cảm ơn ông!

HẢI VÂN thực hiện

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Nút thắt mới mang tên “nợ xấu” (04/07/2012)

>   Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô (03/07/2012)

>   Thách thức về chất trong thu hút vốn FDI (03/07/2012)

>   HSBC: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn xấu nhất (03/07/2012)

>   Sử dụng nguồn vốn ODA chậm là do thiếu vốn đối ứng (03/07/2012)

>   Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam: Thay đổi mô hình tăng trưởng (03/07/2012)

>   Ông Trần Hoàng Ngân: GDP không thể đạt mục tiêu 6-6,5% (02/07/2012)

>   Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2012 (02/07/2012)

>   Cần “gói kích thích” hơn “bơm tiền” ồ ạt vào thị trường (02/07/2012)

>   Tổng cầu đang suy giảm (01/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật