Tổng cầu đang suy giảm
Ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Tiêu dùng tăng thấp cũng làm cho sản xuất mất động cơ mở rộng sản xuất. Nhập khẩu giảm sút cũng có tác động tương tự. Có thể khẳng định, sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2012 gặp nhiều khó khăn.
- Dưới con mắt của nhà thống kê, ông đánh giá thế nào về việc CPI giảm lần đầu tiên sau 38 tháng liên tục tăng?
Theo công bố chính thức của Tổng cục Thống kê mới đây, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 so với tháng 5 giảm 0,26%. Cần lưu ý đây chỉ là một mốc so sánh trong nhiều con số so sánh khác. Ví dụ, so với tháng 12/2011 thì tăng 2,53%, so với cùng kỳ năm 2011 tăng 6,9% và so với bình quân 6 tháng/2011 là 12,2%. Ở nước ta, chỉ tiêu CPI được Quốc hội thông qua thường được so sánh với tháng 12 năm trước, như vậy về mặt con số thì chỉ số giá tiêu dùng cả năm chắc chắn đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát một con số. Theo nhận định của một số chuyên gia thì chỉ số giá này sẽ còn giảm trong vài tháng kế tiếp. Nhưng thực chất của việc chỉ số giá tiêu dùng giảm là do nguyên nhân gì?
Nếu xét về các nhân tố của cầu cuối cùng, bao gồm tiêu dùng cuối cùng, tích luỹ tài sản/đầu tư và xuất khẩu ròng, có thể nhìn nhận rõ về vấn đề này. Về tiêu dùng cuối cùng, ước tính dựa trên tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng có thể thấy sức mua của người dân giảm sút so với mọi năm, khi chỉ tăng trưởng 6,5%. Đây là yếu tố chính làm chỉ số giá tiêu dùng giảm.
Đầu tư sút giảm có thể nhận thấy thông qua nguồn vốn từ ngân sách nếu loại trừ yếu tố giá giảm khá sâu, cộng với dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6/2012 tăng trưởng bằng không.
Trong khi đó, xuất khẩu tăng trưởng 22,2% nhưng tăng trưởng này hoàn toàn là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô tăng 37,3%) và chủ yếu rơi vào nhóm các mặt hàng gia công, hoặc tạm nhập tái xuất hay mang tính chuyển khẩu như điện tử máy tính và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng. Như vậy, việc tăng cao về xuất khẩu những nhóm hàng hoá này dường như là không có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế trong nước. Thêm vào đó, tăng trưởng về nhập khẩu theo giá thực tế của 6 tháng chỉ là 6,9% so cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 3,6% (mức thấp nhất kể từ sau năm 2009), đặc biệt khu vực kinh tế trong nước 6 tháng theo giá thực tế đã tăng trưởng âm khoảng 8,2%. Như vậy có thể nhận thấy một trong những nguyên nhân của việc chỉ số giá tiêu dùng giảm là do suy giảm về tổng cầu cuối cùng (1).
- Vậy việc tăng trưởng thấp so với cùng kỳ mấy năm qua thì sao, thưa ông?
Tiêu dùng tăng thấp cũng làm cho sản xuất mất động cơ mở rộng sản xuất. Nhập khẩu giảm sút cũng có tác động tương tự. Có thể khẳng định, sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2012 gặp nhiều khó khăn.
Nhìn vào các nhân tố đóng góp cho tăng trưởng sản lượng, trong 6 tháng đầu năm vốn đầu tư khu vực nhà nước theo giá thực tế so với cùng kỳ năm trước tăng khoảng 6,8%, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng trưởng về nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước sẽ âm trên 2,4%. Trong khi đó, tăng trưởng về dư nợ tín dụng bằng không và như vậy cầu về đầu tư tăng trưởng âm.
Trong nhiều năm nay tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào yếu tố vốn (đóng góp vào tăng trưởng khoảng trên 65%), điều này cho thấy tăng trưởng không thể đạt được mục tiêu đề ra do sản xuất không tiếp cận được nguồn vốn đầu tư. Tình trạng khoảng 20 nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động do gặp khó khăn, doanh nghiệp đang hoạt động thì không mở rộng sản xuất. Kết quả là sau 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,5% thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng 4,76%. Điều này cho thấy việc sản xuất đang gặp nhiều khó khăn không chỉ còn là “dấu hiệu” nữa và kéo dài trong nhiều tháng nay.
- Mặc dù vậy, vẫn có quan điểm cho rằng cần cẩn trọng khi tăng cung tiền để thúc đẩy sản xuất, cho dù lạm phát đang khá thấp. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 6 tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng gần 7% so cuối năm 2011, gấp trên 2 lần GDP theo giá hiện hành. Như vậy, cung tiền nhiều hơn hàng hóa và về nguyên lý thì lạm phát phải có chiều hướng tăng. Nhưng ngược lại, lạm phát thực tế xuống rất nhanh trong thời gian qua và tháng 6 đã giảm 0,26% so tháng 5. Nguyên nhân là do tổng cầu của nền kinh tế có mức tăng thấp hoặc suy giảm. Tổng cầu ở đây bao gồm nhu cầu cho sản xuất hoặc nhu cầu trung gian, cho tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản và xuất khẩu.
Như vậy, có thể cho rằng NHNN đã nỗ lực tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng, biểu hiện là tốc độ tăng M2 những tháng gần đây đã nhanh hơn. Nhưng, tiền chưa đến được với sản xuất và đời sống dân cư. Có thể thấy việc tăng cung tiền và giảm trần lãi suất huy động nhanh chóng trong thời gian qua, dù là tích cực nhưng chưa đủ mà quan trọng hơn là phải khơi thông đầu ra cho sản xuất thì khi đó dòng vốn mới phát huy hiệu quả.
(1) Ở đây chúng tối muốn nhấn mạnh chữ “tổng cầu cuối cùng” theo Hệ thống tài khoản quốc gia bao gồm (C,I, net export) khác với một số chyên gia thường coi “tổng cầu” chỉ bao gồm C và I.
Dịch chuyển theo hướng dần ổn định
Các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế như tăng trưởng, lạm phát, thâm hụt thương mại, tỷ giá và bội chi ngân sách có những dịch chuyển theo hướng dần ổn định hơn. Đây là cơ sở để ổn định và phát triển bền vững nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên các chỉ số cũng phản ảnh tổng cầu của nền kinh tế có mức tăng thấp hoặc suy giảm (Tổng cầu ở đây bao gồm nhu cầu cho sản xuất hoặc nhu cầu trung gian cho tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản và xuất khẩu).
Riêng lạm phát mới chỉ giảm trong tháng 6 so với tháng 5/2012.
TS. Lê Đình Ân
|
thời báo ngân hàng
|