Chủ Nhật, 01/07/2012 15:04

Kinh tế 6 tháng dưới góc nhìn thống kê

"Nguyên nhân tăng trưởng thấp, CPI giảm xuống nhanh là do tổng cầu của nền kinh tế có mức tăng thấp hoặc suy giảm nên dù M2 lớn và tăng nhanh nhưng chưa đến được với sản xuất và đời sống dân cư.", ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.

Diễn biến nổi bật nhất trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm nay là tăng trưởng thấp xuống đồng thời lạm phát cũng thấp dần và giảm xuống mức âm (-) sau 38 tháng qua vào tháng này (6/2012)…

Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trả lời Thời báo Ngân hàng.

Với nhiều chỉ tiêu đổi chiều rất nhanh, diễn biến kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2012 nên được hiểu như thế nào, thưa ông?

Sáu tháng đầu năm 2012, tăng trưởng kinh tế đạt 4,38% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ nhiều năm (trừ năm 2009). Nhập siêu hàng hóa so xuất khẩu bằng 1,3% (cùng kỳ năm 2011 bằng 5,1%), là mức thấp trong nhiều năm gần đây. Thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/6/2012 tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2011, nên bội chi ngân sách ở mức gần 4,8% GDP. Tỷ giá ổn định và dự trữ ngoại hối khoảng 10 tuần nhập khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 6,9% so cùng kỳ năm trước, và sau 38 tháng CPI của tháng 6 giảm 0,26% so tháng 5.

Số liệu thống kê trên đây cho thấy các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế như: tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thâm hụt thương mại, tỷ giá và bội chi ngân sách có những dịch chuyển theo hướng đang dần ổn định hơn. Đây là cơ sở để ổn định và phát triển bền vững nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chỉ số cũng phản ánh tổng cầu, bao gồm nhu cầu cho sản xuất hoặc nhu cầu trung gian, cho tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản và xuất khẩu của nền kinh tế có mức tăng thấp hoặc suy giảm dẫn đến sản xuất và đời sống dân cư đang gặp rất nhiều khó khăn.

Và, theo lý thuyết kinh tế kinh điển thì khi lạm phát giảm thì kéo theo tình trạng thất nghiệp tăng, tốc độ tăng trưởng thấp do suy giảm tổng cầu của cả khu vực sản xuất và tiêu dùng.

Theo ông, tình hình nền kinh tế hiện nay đã có điểm gì giống với giai đoạn vẫn được cho là đáy khủng hoảng của Việt Nam ở quý I/2009, khi tăng trưởng xuống mức rất thấp và lạm phát giảm?

Điểm giống nhau thứ nhất là tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở mức thấp. GDP quý I/2009 tăng 3,17%, còn con số của 6 tháng đầu năm nay như chúng ta thấy là tăng 4,38%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2009 giảm 0,17% so với tháng trước thì tháng 6/2012 giảm 0,26%.

Thứ hai, tiêu dùng của dân cư cũng ở mức thấp, quý I/2009 tiêu dùng cuối cùng của dân cư giảm gần 10%, sáu tháng đầu năm 2012 tuy không giảm nhưng chỉ tăng ở mức 3,89% và thấp hơn mức tăng trưởng GDP (4,38%).

Thứ ba, tích luỹ có hiện tượng giảm, quý 1/2009 tích luỹ giảm gần 30%, sáu tháng đầu năm 2012 giảm 4,35%. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu đều có xu hướng tăng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ quý 1/2009 tăng 12,93% thì sáu tháng đầu năm 2012 tăng 22,2%. Tôi cũng xin lưu ý đây là nhân tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP của thời kỳ khó khăn.

Ông có nói đến vai trò xuất khẩu trong tăng trưởng ở giai đoạn khó khăn, vậy với 6 tháng đầu năm nay đóng góp vào tăng trưởng có gì đáng chú ý?

Trên giác độ sản xuất, các ngành đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế là Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp 1,0% (chiếm 22,78%), thương nghiệp đóng góp 1,04% (chiếm 23,6%), công nghiệp điện nước đóng góp 0,48% (chiếm 10,91%), nông nghiệp đóng góp 0,34 điểm tăng trưởng (chiếm 7,72%).

Trên giác độ sử dụng, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng GDP 6,29%, nhập khẩu đóng góp 2,69% (chênh lệch xuất, nhập khẩu đóng góp 3,6%, chiếm 82,2%); tiêu dùng cuối cùng (nhà nước và dân cư) đóng góp 1,46%; tích lũy tài sản đóng góp âm 0,68%.

Xin lưu ý là nhập khẩu tăng trưởng thấp, xuất khẩu tăng trưởng cao hơn nhập khẩu và dẫn tới nhập siêu giảm. Bình thường, đây là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu cho sản xuất, việc giảm nhập khẩu không phải là tốt vì sản xuất trong thời kỳ 6 tháng cuối năm 2012 sẽ tiếp tục khó khăn do thiếu nguyên vật liệu.

Ngoài ra, tiêu dùng cuối cùng tăng thấp, trong đó tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 3,89%, thấp hơn mức tăng trưởng GDP, phản ánh sức mua của người dân giảm, đời sống của đại bộ phận dân cư vẫn còn nhiều khó khăn.

Ở các năm trước, đầu tư và tiêu dùng vẫn có đóng góp lớn đến tăng trưởng kinh tế. Với 6 tháng đầu năm nay tình hình như thế nào, thưa ông?

Về đầu tư, sáu tháng đầu năm 2012, vốn đầu tư theo giá hiện hành tăng 10,1%, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Tốc độ tăng vốn đầu tư so tốc độ tăng GDP chậm hơn nhiều, chiếm tỷ trọng 34,5%. Tỷ lệ này đang có xu hướng giảm dần (thời kỳ 2005 - 2010 là khoảng 40%) và đầu tư có chuyển dịch từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân và FDI.

Tuy nhiên, sáu tháng đầu năm 2012 vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế, đạt 4,38%, điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng đồng vốn được nâng cao do vốn cắt giảm điều chuyển cho các dự án sắp hoàn thành, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ. Vì thế, số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng thời gian qua tăng nhanh so với mọi năm trước.

Mặt khác, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2012 không chỉ chịu tác động của vốn đầu tư trong kỳ, mà còn chịu tác động từ độ trễ của vốn đầu tư tăng cao những năm trước, nhất là gói kích cầu năm 2009.

Về tiêu dùng, sáu tháng đầu năm 2012, tiêu dùng cuối cùng tăng chậm lại, đạt 4,08% so cùng kỳ 2011 (6 tháng 2011 tăng 5,24%), đóng góp của tiêu dùng cuối cùng vào tăng trưởng là 1,46% (chiếm 33,29%). Trong đó, tiêu dùng cuối cùng của nhà nước tăng 6,18% (2011 tăng 6,48%), của dân cư tăng 3,89% (2011 tăng 5,13%).

Từ diễn biến CPI giảm trong tháng 6, theo ông kịch bản lạm phát cả năm ở thời điểm này tính toán là bao nhiêu?

Lạm phát có quan hệ chặt chẽ với cung tiền, vòng quay của tiền và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, lạm phát cả năm phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong thời gian tới.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6 tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng gần 7% so cuối năm 2011 và cao hơn GDP theo giá hiện hành. Như vậy, cung tiền nhiều hơn hàng hóa. Về nguyên lý thì lạm phát phải có chiều hướng tăng nhưng ngược lại, lạm phát thực tế xuống rất nhanh trong thời gian qua và tháng 6 đã giảm 0,26% so tháng 5.

Nguyên nhân là do tổng cầu của nền kinh tế có mức tăng thấp hoặc suy giảm nên dù M2 lớn và tăng nhanh nhưng chưa đến được với sản xuất và đời sống dân cư.

Với chính sách tiền tệ, 6 tháng cuối năm dư nợ tín dụng tăng bình quân 2% mỗi tháng đạt khoảng 12-14% cả năm 2012; M2 tăng khoảng 13-14%. Chính sách tài khóa có thay đổi do tăng lương và phụ cấp; gói cứu trợ doanh nghiệp; tăng vốn đầu tư kênh mương; ứng trước vốn 2013...

Với những dự báo tăng trưởng tín dụng, M2 như trên, và tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5,4-5,7% thì dự báo CPI kịch bản thấp tăng 6% và cao tăng 8%.

Vũ Anh Quân

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Tồn kho cao, DN suy kiệt: Chưa lo đình trệ kinh tế? (01/07/2012)

>   6 tháng đầu năm: Tỷ lệ thất nghiệp cả nước là 2,29% (01/07/2012)

>   Lời giải nào cho tình trạng “bội thực” đầu tư công? (30/06/2012)

>   Gỡ rối cho nhà đầu tư nước ngoài (30/06/2012)

>   Kinh tế thoát đáy, vượt dốc đi lên (30/06/2012)

>   CPI và giảm giá: Chẳng liên quan gì đến nhau? (30/06/2012)

>   Tín dụng nghẽn mạch và nợ xấu gia tăng (29/06/2012)

>   Kinh tế 6 tháng đã có những chuyển biến tích cực (29/06/2012)

>   “Nói vốn FDI đang giảm thì chưa hẳn đã đúng” (29/06/2012)

>   GDP tăng 4,38% trong 6 tháng (29/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật