HSBC: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn xấu nhất
Báo cáo triển vọng tháng 7 về kinh tế vĩ mô của ngân hàng HSBC đã chỉ ra rằng, lạm phát đang chậm lại và có thể sẽ dừng ở mức một con số trong năm nay và cả năm sau. Tăng trưởng có thể sẽ đẩy nhanh trong nửa cuối năm chứng tỏ tình hình xấu nhất dường như đã được vượt qua.
Theo HSBC, mặc dù nhu cầu vẫn còn thấp và các khoản nợ xấu tiếp tục treo lơ lửng trên hệ thống nên còn rất nhiều việc cần phải làm để trút bỏ gánh nặng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, từ bây giờ trở đi, chí ít nền kinh tế cũng đang theo đúng hướng.
Chỉ số PMI giảm 3 tháng liên tục
Báo cáo chỉ rõ, điều đáng lo ngại là sự giảm sâu của Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 6, đánh dấu ba tháng sụt giảm liên tiếp kể từ tháng 3/2012. Tất cả các chỉ số phụ của PMI đều thể hiện sự giảm sút mạnh, ngoại trừ chỉ số hàng tồn kho thành phẩm và chỉ số thời gian giao hàng của nhà cung cấp. Trong đó, tháng 6 là tháng thứ hai chỉ số PMI toàn phần có kết quả thấp nhất kể từ khi khảo sát được bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2011. Cả chỉ số đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu mới đều giảm hai tháng liên tiếp chứng tỏ nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm và các khách hàng ngày càng thắt chặt ngân sách chi tiêu.
Lạm phát tiếp tục giảm, tín dụng chỉ tăng 13%
Nói về tình hình lạm phát, HSBC cho biết, tháng trước, Việt Nam đã chứng kiến sự quay lại của lạm phát một con số. Các chuyên gia của HSBC dự đoán giá cả sẽ còn giảm xuống trong những tháng tới do giá dầu đang giảm và nhu cầu vẫn còn yếu kém. Nhiều khả năng lạm phát cơ bản sẽ giữ mức xấp xỉ 8%.
Trên thị trường tài chính, tuần trước, NHNN đã cho phép thị trường tự thiết lập mức lãi suất trên thị trường mở (OMO) thay vì đề ra mức lãi suất cho các tổ chức tài chính vay ở thị trường này. Lãi suất từ mức 10% xuống còn 8.5% trong ngày đấu thầu đầu tiên và giảm xuống còn 8% trong ngày tiếp theo. HSBC dự đoán mức lãi suất này sẽ được duy trì trong quý 3. Trong trường hợp lạm phát cơ bản xuống thấp hơn nữa, lãi suất trên thị trường mở có thể giảm xuống mức 7% và khó có khả năng giảm nữa.
Mặc dù các mức lãi suất đã giảm đi nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm do nhu cầu thấp và các doanh nghiệp không có đủ tài sản thế chấp để vay vốn. NHNN vừa bơm một lượng nhỏ tiền cho nền kinh tế. Tín dụng trong nền kinh tế đã giảm 0.6% kể từ cuối năm 2011 cho đến tháng 4 vừa qua. Điều này cho thấy tăng trưởng tín dụng có khả năng chỉ đạt mức 13% trong năm nay mặc cho những nỗ lực của NHNN trong việc khuyến khích vay vốn.
Cuối cùng, HSBC nhận xét: “Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam có vẻ khả quan hơn khi lạm phát hạ nhiệt và thâm hụt thương mại ngày càng thu hẹp. NHNN có thể tích luỹ nhiều dữ trữ ngoại hối hơn nhằm quản lý nền kinh tế trước những rủi ro. Thêm vào đó, các cuộc cải cách đang tăng tốc để giải quyết các vấn đề sâu xa trong nền kinh tế. Điều này rất cần thiết để xây dựng một chiến lược phát triển bền vững, theo đó bảo đảm tăng trưởng được xây dựng trên năng suất cao chứ không phải do tăng trưởng tín dụng. Do vậy, mặc dù tăng trưởng còn chậm nhưng đây có thể là một điều may mắn tiềm ẩn cho nền kinh tế”.
Viết Vinh (Vietstock)
ffn
|